Một ngày ở vùng cô lập vì lũ dữ

Một ngày ở vùng cô lập vì lũ dữ
TP - Mờ sáng ngày 11/8, PV Tiền phong theo đoàn công tác của tỉnh Yên Bái, nhằm hướng một trong 5 huyện bị lũ cô lập. 10 giờ sáng, đoàn “xe ôm” do các cán bộ xã Vũ Linh và Vĩnh Thiên cầm lái đưa chúng tôi đi tiếp vào vùng sâu của xã Bạch Hà (Yên Bình).

>> Báo Tiền phong kêu gọi quyên góp cứu trợ đồng bào lũ lụt

Lội bộ qua cung đường sạt lở tại xã Vũ Linh, ngay lập tức, chúng tôi bị chia cắt với bên ngoài về thông tin. Phải thị sát tận nơi mà lũ đã cuốn trôi nhà, làm nhiều người chết. Yên Bình có đến 12 người chết, phần lớn trong số đó đều bị mất một phần thân thể.

Mới đi qua thị trấn Thác Bà chỉ vài kilomet, bên đường đã thấy nhiều người dân đeo khăn tang trắng lạnh. Đoàn xe ôm chở chúng tôi qua hàng chục con suối không tên, ở đó mới hôm qua thôi, lũ ống còn ầm ầm phi cây và đất đá. Bây giờ cát và đá cuội còn lại chơ vơ, chất thành từng đống lớn, dốc vượt mặt người.

12 giờ trưa, chúng tôi lội qua được con suối Vĩnh Kiên còn mang nặng quang cảnh của chết chóc. Cũng từ đoạn đường này đi vào tận vùng núi sâu của xã Bạch Hà, chúng tôi gặp gần như toàn những gia đình có người chết không toàn thây. Thương tâm đến trào nước mắt.

Chính trên lòng suối Vĩnh Kiên này, chiều tối ngày 8/8, lũ ống đã cuốn trôi cháu Trần Văn Chung, 10 tuổi. Chung bị lũ đẩy đi khỏi ngôi nhà của mình tại thôn Vĩnh Kiên 600m, cả gia đình của cháu tìm kiếm suốt buổi tối mới tìm thấy xác.

Chủ tịch xã Vĩnh Kiên - Phạm Minh Tiến nói: “Lũ ống cuồn cuộn trên suối Vĩnh Kiên chưa bao giờ dữ như năm nay. Lũ cuốn đi trẻ em khiến chúng tôi thấy đau đớn quá. Dẫu thế, những cái chết do lũ cuốn, núi lở vùi lấp ở xã Bạch Hà còn khiến người ta rùng mình, ớn lạnh.

Ở thôn 3, khi chúng tôi đến gia đình bà Trần Thị Nguyệt thì xác của con bà - cháu Vũ Văn Minh (14 tuổi, học sinh trường THCS Bạch Hà) đã được đưa đi chôn cất được 1 ngày. Bàn thờ em đặt bên nhà người bác ruột là một cái mâm nhôm. Duy nhất ở trên chiếc mâm đó là gói bánh và một ngọn đèn leo lét cháy với vài thẻ hương.

Vào đêm 9/8, sau hai ngày trời mưa quá to, quả núi Phó Thái phía sau nhà của bà Nguyệt “uống” no nước đã sập đổ một nửa, đất đá đè lên ngôi nhà bà Nguyệt làm tiêu tan tất cả. Bức ảnh của Minh bây giờ cũng không có để đặt lên mâm thờ.

Bà Nguyệt khóc lóc trong đau đớn kể lại, khi đất lở đè lên nhà bà, chính bản thân bà cũng bị vùi lấp trong đống đổ nát, chỉ lộ một bàn chân. Chồng của bà vật lộn mãi mới cứu bà ra khỏi đống đổ nát đó. Riêng Minh, phải mất nhiều tiếng đồng hồ cả gia đình bà Nguyệt và dân làng mới tìm thấy được.

Minh được moi lên từ đất rồi đưa lên bệnh xá, đùi trái gẫy làm đôi, xương cổ chân cũng lìa thành hai đoạn. Minh chỉ sống được vài chục phút thì qua đời.

Băng qua những núi sỏi đá cuội trên con đường không còn là đường, chúng tôi đến tận thôn Ngọn Ngòi, xã Bạch Hà. Ở đây người ta cũng vừa làm đám tang cho chị Đặng Thị Phương, 25 tuổi.

Trong trận lũ vừa qua, Phương tiếc con trâu ở lán trại, lao đi dắt về. Phương cùng em là Đặng Thị Xuân đi tìm trâu. Vừa ra khỏi nhà vài trăm mét, Xuân đi trước được một lúc, quay lại thì không thấy chị đâu. Về nhà gọi người lên cứu, đào bới nhiều tiếng đồng hồ mới tìm được xác của Phương dưới lớp bùn sâu.

Chị Phương chết để lại một đứa con mới tám tháng tuổi cho bà mẹ già nuôi dưỡng. Tang thương hơn cả ở Bạch Hà là cái chết của vợ chồng anh Vũ Quốc Đệ - Ngô Thị Sửu.

Anh Đệ và chị Sửu đi làm trên núi Nà, lũ và đất núi sạt lở đã vùi cả hai trong đá sỏi. Họ không ngờ được lũ về nhanh đến thế. Khi người thân của anh Đệ vượt núi lên tìm, đào bới cho đến lúc thấy xác thì cả hai đều không còn nguyên dạng. Nhiều phần thân thể của cặp vợ chồng xấu số đã bị lũ cuốn bay nơi đâu không ai còn có thể tìm thấy...

Ngồi trong gia đình của nạn nhân Đệ, càng nghe lời động viên, 7 người con của họ càng bưng mặt khóc lóc thảm thiết. Không ai cầm nổi nước mắt.

Rời Bạch Hà, chúng tôi về lòng hồ Thác Bà. Ở bản Khe Ngoác, xã Yên Thành ven hồ Thác Bà, hai dì cháu của một gia đình người dân tộc Dao cũng bị vùi trong đất cát và ngôi nhà sụp đổ. Cháu Hoàng Thị Duy bị vùi lấp mới lên 3 tuổi. Em Trần Thị Lý- dì ruột của Duy bị vùi lấp cùng trong ngôi nhà cũng mới chỉ 13 tuổi.

Không chỉ mất con, ngôi nhà của chị Trần Thị Dương-mẹ cháu Duy bị đất của cả quả đồi bên hông nhà nghiền nát, tất cả chỉ còn vài viên ngói prôximăng lành lặn. Ngồi trong ngôi nhà sàn, Dương không ngăn được nước mắt. Nỗi đau thăm thẳm kia chưa biết đến lúc nào Dương và gia đình mới vượt qua cho được.

Người trở về từ cõi chết

11 giờ đêm 8/8, lũ dữ ào qua Yên Bái, Lương Văn Đương - người thanh niên sinh năm 1975 ở thôn 2 (xã An Lạc, huyện Lục Yên) trơ trọi giữa tang tóc và khổ đau đến tột cùng. Gia đình anh có 7 người thì có 3 người bị lũ cướp đi, 2 người đang nguy kịch. Và ở vùng bị lũ cô lập nhiều ngày qua của huyện Yên Bình, có không ít cái chết thương tâm...

23 giờ đêm ngày 10/8, PV Tiền phong gặp Đương đang chăm hai người em trong cơn nguy kịch ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái. Anh nghẹn ngào kể về nỗi đau tột cùng sau lũ: Cả bố, mẹ, cháu bị lũ dập vùi chết đã 3 ngày, nhưng trên đầu anh vẫn chưa đội được khăn tang, chưa được nhìn lại mặt cả hai người thân sinh ra mình...

Ngày 8/8, trời đất ở An Lạc mù mịt mây, mưa như trút nước từ sáng đến 7 giờ 30 tối... 11 giờ đêm, nước như đùn lên từ mặt đất khiến ngôi nhà của Đương bị sụp đổ nhanh chóng. Đang loay hoay đánh vật với nước, Đương nghe thấy tiếng nước đổ ầm ầm, rồi tiếng người kêu cứu.

Đoán là ngôi nhà của em trai Lương Văn Tiến bị sập, Đương lao về phía có tiếng kêu cứu. Chạy trong những luồng nước được một đoạn, Đương phát hiện ra Tiến nằm bất tỉnh trên cành cây, trên người không còn mảnh vải nào, khắp người bê bết máu. Cả Tiến và đống đổ nát của ngôi nhà bị lũ cuốn trôi phăng khỏi vị trí cũ gần 300m.

Người em trai kế tiếp của Đương là Lương Văn Tuyết cũng bị lũ cuốn trôi, bị thương nặng, nhà sập. Đương vật lộn đưa hai em về nhà hàng xóm trú ngụ, rồi cùng những thanh niên trong thôn tiếp tục lao đi tìm người thân. Có thêm nhiều người, Đương vẫn không phát hiện được bố mẹ mình đang ở đâu.

Một ngày ở vùng cô lập vì lũ dữ ảnh 1
Cảnh ngập lụt tại Yên Bái. Ảnh : Nguyễn Tuấn - Quyền Thành

Trong đêm đó, dân bản chỉ tìm thấy xác ông bà Hoan, người cùng thôn đã bị đất đá trong lũ vùi lấp, đập nát đầu, dập cánh tay. Xác hai cụ đều nằm cách ngôi nhà của họ hơn 300m.

Tờ mờ sáng ngày 9/8, Đương tiếp tục đi tìm và phát hiện xác của bố mẹ mình nằm ở bãi đá cách ngôi nhà cũ vài trăm mét. Ông Lương Ngọc Lao - bố của Đương bị cây đè dập trên đá, quần áo rách bươm, đầu mất mảng da lớn. Còn xác bà Hà Thị Đoàn - mẹ của Đương cũng trong tình trạng tả tơi, bầm dập do lũ vùi dập.

Cả nhà Đương chỉ có cô em gái là Lương Thị Nhi chạy lũ lên nhà sàn ở nên không bị cuốn đi. Thế nhưng, cho đến sáng 10/8, Đương lại nghe được tin là đứa con gái của Nhi là Hoàng Thị Nhường hình như cũng đã bị chết...

Trong tình cảnh cả bố và mẹ đều qua đời, hai em bị chấn thương rất nguy kịch, Đương cắn răng bỏ người chết ở lại, nhờ một thanh niên ở thôn đưa gấp em trai mình - Lương Văn Tiến đi bộ 13 cây số, lội bùn cả chục tiếng đồng hồ mới đưa em ra được đến quốc lộ 70. May mắn là lúc đó gặp được chiếc xe cứu thương của Lào Cai đang lánh mưa lũ nhờ đưa đến bệnh viện tỉnh.

Sau gần 20 giờ đồng hồ, mới vượt được quãng đường 54 km để đến bệnh viện tỉnh. Lương Văn Tuyết bị thương nhẹ hơn nhưng cũng được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái vào ngày 10/8.

“Tôi vẫn chưa biết bố mẹ tôi đã được chôn cất hay chưa, chắc là chính quyền xã sẽ giúp đỡ làm việc đó. Lúc này thì tôi phải ở lại đây để lo cho sự sống của hai người em trước!”- Đương không cầm được nước mắt nói.

Tại bệnh viện, Lương Văn Tiến đã được các bác sĩ mổ sọ não do chấn thương, điều trị tràn dịch màng phổi và các vết thương do gẫy xương sườn số 7, 8, 9.

Theo BS Nguyễn Mạnh Hiệp và Kỹ thuật viên Nguyễn Thị Nhung (Bệnh viện Đa khoa Yên Bái) thì tình trạng sức khỏe của bệnh nhân Lương Văn Tiến rất khó dự đoán vì bị đa chấn thương. Sau khi mổ, bệnh nhân có vẻ tỉnh táo nhưng chưa thể nói trước được điều gì.

Hơn cả nỗi đau

Tại Lào Cai, sau trận “đại hồng thủy” rạng sáng 9/8, hàng ngàn bà con xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát cùng kéo ra cánh đồng đá để tìm thi thể của những người xấu số và tìm dấu hiệu của những người đang mất tích. Nhưng có lẽ sự hy vọng nay đã thành vô vọng bởi trước mặt là một thung lũng dài khoảng 3km, rộng ngút tầm mắt trước đây là ruộng đồng bậc thang nay trở thành bình địa lổng chổng đá, củi và gỗ ngổn ngang.

Những phiến đá to bằng nửa ngôi nhà bị nước lũ cuốn trôi từ trên núi cao về đây xếp chồng lên nhau như rổ khoai.

Lác nhác trong đó là những bóng dáng thất thểu với gương mặt thẫn thờ đi tìm người thân. Sáng sớm hôm đó người ta mới tìm thấy 2 thi thể mắc trên chạc cây cao gần 3m.

Qua hàng trăm lượt người nhận dạng thi thể bầm tím, áo quần tả tơi mới xác định được đó là chị Phàn Mùi Chủa, 40 tuổi và cháu Chảo Lù Mẩy, 10 tuổi. Mọi người trong bản phải dựng tạm 1 căn lều trên lưng núi chờ nước rút để đưa người xấu số về nơi an táng.

Bao nhiêu nhân lực còn lại trong bản Tùng Chỉn 1 và các bản khác trong xã đều được huy động vào việc đi tìm những người mất tích. Nhưng biết tìm ở đâu đây, con lũ đã cho cả cánh đồng lúa trở về “thời kỳ đồ đá”. Những đống đá cao ngút, đá tràn lan ken dày đến vài mét. Run rủi cho những ai nếu bị vùi trong đó thì bãi đá chính là mồ chôn vĩnh cửu.

Chị Lý Mùi Khé tựa mình vào một thân gỗ bên bãi đá để cự lại nỗi đau đớn và tuyệt vọng. Trong tiếng nấc nghẹn ngào chị kể lại: Linh cảm thế nào đêm hôm đó chị ngồi nói chuyện với mẹ đẻ tới khuya. Vừa quay về nhà riêng bên mé đồi thì thấy có tiếng nước lũ ồng ộc từ trên núi đổ về. Vội vàng quay trở lại nhà mẹ đẻ thì không kịp nữa rồi, con lũ cuốn phăng toàn bộ những ngôi nhà ở gần cánh đồng, trong đó có nhà mẹ chị.

Chị Khé chỉ còn biết đứng bên mép nước mà gào khóc cho tới sáng chờ nước rút để đi tìm người thân. Hơn 1 ngày lang thang bên suối đá chị Khé vẫn chẳng thấy mẹ già và 4 đứa cháu nhỏ (con anh trai và chị gái ruột) đâu.

Anh Lý Láo Lở, trưởng bản Tùng Chỉn 1 không giấu nổi nước mắt lăn dài trên gò má nhăn nheo xót thương cho đứa con trai 14 tuổi. Chiều hôm trước anh Sài chở vợ bằng xe máy ra huyện ăn cỗ. Đứa con trai đòi theo nhưng anh bảo: “Xe máy không chở quá 2 người”.

Đêm đó mưa to quá nên sáng sau anh mới về đến nhà thì cả nửa bản đã bị lũ cuốn, đá vùi. Hai vợ chồng tá hỏa đi tìm đứa con trai nhưng biết tìm đâu khi trước mặt chỉ còn cánh đồng đá lạnh lùng, tan hoang.

Con đường liên thôn duy nhất đã bị con lũ xé đứt đôi nên chúng tôi phải đi ngược lên phía thượng nguồn tìm điểm sang bờ bên kia là bản Tùng Chỉn 1. Bên một vực đá có dòng hẹp nhất nhưng dòng nước lũ lại quá xiết, đứng bên vách đá vẫn nghe tiếng đá lăn lộc cộc dưới đáy dòng.

Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Bùi Quang Vinh quyết định vượt dòng bằng cách đốn hạ cây rừng bên vách đá làm cầu khỉ vượt lũ. Hai anh bộ đội xung phong sang trước, tiếp theo là ông Bí thư.

Bản Tùng Chỉn 1 có 40 nóc nhà thì có một nửa trong số đó ở giữa cánh đồng lúa và bên lạch suối nhỏ. Bao đời nay bản người Dao này vẫn an cư bên thung lũng hiền hoà cho đến rạng sáng ngày 9/8, 19 hộ dân đang chìm trong giấc ngủ thì con lũ ào về.

Ngoài những người nhanh chân chạy thoát thì có 31 người trôi theo dòng nước lũ. Sáng hôm sau mọi người tìm thấy 10 người sống sót bị trôi dạt, mắc kẹt trong các lùm cây, bãi cát. Nơi 19 hộ dân làm nhà ở giờ chỉ còn là bãi đá lổn nhổn. Duy chỉ 1 khóm chuối còn sót lại là minh chứng sống rằng nơi đây mới 2 ngày trước có người đang ở. Mọi người xác định điểm trước đây là hội trường của bản để xếp 1 đống đá làm bàn thờ thắp hương tưởng niệm những người xấu số.

Mất toàn bộ nhà cửa, tài sản, những người còn sống sót tại bản Tùng Chỉn 1 phải đến nương nhờ đồn biên phòng Trịnh Tường. Thêm 1 lần tình quân dân lại sâu đậm, thắm thiết hơn. Cơm áo chia sẻ, giường chiếu tuy có chật chội nhưng tình người ấm hơn.

Vừa hay tin Tùng Chỉn 1 lâm nạn, nhiều cấp, ngành, đoàn thể chính trị-xã hội của huyện Bát Xát và tỉnh Lào Cai đã kịp thời có mặt tại xã Trịnh Tường tìm kiếm những người mất tích. Riêng Quân khu II đã chuyển khẩn cấp 10 tấn gạo và 1 đơn vị bộ đội tới Bát Xát để giúp bà con vượt qua cơn hoạn nạn.

Nỗi đau mất người thân, nhà cửa, tài sản của người dân bản Tùng Chỉn 1 có thể dịu vợi nhưng trước mắt họ là rất nhiều khó khăn. Cánh đồng lúa không còn khả năng phục hồi, biết làm gì để tránh quay lại thời kỳ phá rừng làm nương? Để rồi rừng hết lại sinh những con lũ ống, lũ quét kinh hoàng.

MỚI - NÓNG