Một năm không thể tồi tệ hơn của Boeing

0:00 / 0:00
0:00
TPO - 2024 chắc chắn là năm mà Boeing muốn xóa khỏi ký ức khi tập đoàn này liên tục phải vật lộn với các cuộc khủng hoảng. Từ vụ tai nạn của máy bay Boeing 737 Max, nhân viên đình công, đến thảm họa máy bay của Jeju Air làm 179 người thiệt mạng, khiến cổ phiếu của hãng này bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều người đặt câu hỏi năm 2025 của Boeing sẽ ra sao?

Vận đen dồn dập

Vận đen năm 2024 của Boeing bắt đầu với việc một bên cửa của chiếc Boeing 737 Max do Hãng hàng không Alaska Airlines vận hành bị "thổi bay" sau vài phút cất cánh từ Portland, Oregon (Mỹ) ngày 5/1. Vụ việc dẫn đến nhiều cuộc điều tra liên bang, bao gồm Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (NTSB), Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), Bộ Tư pháp và Quốc hội Mỹ.

Sau khi điều tra, FAA tuyên bố cơ quan này sẽ tăng cường giám sát Boeing, giới hạn số lượng máy bay mà Boeing có thể sản xuất. FAA cũng trì hoãn mọi chứng nhận có thể có đối với hai dòng Max mới mà Boeing đã lên kế hoạch sẽ giao cho khách hàng trong năm 2024. Sau sự cố Alaska Air, những vụ tai nạn nhiều năm trước cũng được mở lại các cuộc truy tố.

Một năm không thể tồi tệ hơn của Boeing ảnh 1

Một bên cửa của chiếc Boeing 737 Max do Alaska Airlines vận hành bị thổi bay sau vài phút cất cánh ngày 5/1/2024. Ảnh: Reuters.

Tháng 7/2024, Boeing đồng ý nhận tội trong các cáo buộc liên bang về việc công ty đã lừa dối FAA, trong quá trình cấp chứng nhận ban đầu cho 737 Max. Theo thỏa thuận, Boeing đồng ý trả 487 triệu USD tiền phạt - gấp đôi số tiền mà Boeing đã trả ban đầu theo thỏa thuận hoãn truy tố năm 2021.

Tháng 9/2024, hơn 33.000 thợ máy của Boeing đình công để yêu cầu tăng lương, giảm giờ làm, cùng các chế độ phúc lợi tốt hơn. Đây là một đòn giáng mạnh vào Boeing - vốn đang phải vật lộn với các vấn đề về sản xuất và lòng tin của khách hàng ngày càng giảm sút.

Một năm không thể tồi tệ hơn của Boeing ảnh 2

33.000 thợ máy của Boeing đình công để yêu cầu tăng lương, giảm giờ làm trong suốt 2 tháng. Ảnh: Reuters.

Tháng 10/2024, Boeing công bố quý III/2024 là một trong những quý tài chính tồi tệ nhất trong nhiều năm qua, với khoản lỗ hoạt động cốt lõi tăng vọt lên 6 tỷ USD. Boeing cũng thừa nhận công ty đã lỗ hơn 39 tỷ USD kể từ đầu năm 2019, nguyên nhân là do 2 vụ tai nạn chết người của máy bay 737 Max, dẫn đến dòng máy bay này phải ngừng hoạt động trong 20 tháng.

Ngoài ra, gã “khổng lồ” hàng không của Mỹ còn chịu khoản lỗ trước thuế là 3 tỷ USD do chậm trễ trong việc bàn giao các dòng máy bay phản lực thương mại thế hệ tiếp theo. Vì dòng Boeing 777X gặp sự cố trong các chuyến bay thử nghiệm nên nhà chế tạo này không thể giao loại máy bay này cho khách hàng vào năm 2026 như dự kiến.

Đầu tháng 11/2024, khi Hiệp hội Công nhân máy móc và hàng không vũ trụ quốc tế chấp nhận lời đề nghị chính thức thứ tư của công ty, hứa hẹn tăng lương 38% thì cuộc đình công của công nhân Boeing mới kết thúc.

Nội bộ lục đục

Trong năm 2024, ngoài các sự cố và đình công, Boeing còn phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng về lãnh đạo cấp cao, CEO của tập đoàn là Dave Calhoun phải từ chức. Sau một thời gian dài tìm kiếm, cựu lãnh đạo Rockwell Collins Kelly Ortberg - với hơn 3 thập kỷ kinh nghiệm trong ngành - đã được chọn để lãnh đạo công ty.

Tuy nhiên, Ortberg cũng không làm nội bộ Boeing đoàn kết hơn. FAA cho biết đã nhận được hơn 200 báo cáo từ những người tố giác trong năm 2024, nêu lên những lo ngại về các hoạt động an toàn của Boeing, bao gồm quản lý sai các bộ phận, sản xuất kém và kiểm tra không đầy đủ.

Một năm không thể tồi tệ hơn của Boeing ảnh 3

Rockwell Collins Kelly Ortberg được bổ nhiệm làm CEO mới của Boeing sau loạt lục đục nhân sự cấp cao. Ảnh: Reuters.

Trong cuộc phỏng vấn với 60 Minutes - tạp chí tin tức truyền hình của Mỹ - Sam Mohawk (51 tuổi) - kiểm tra viên đảm bảo chất lượng tại nhà máy Renton của Boeing - tiết lộ rằng sự hỗn loạn sau đại dịch COVID-19 đã dẫn đến việc hàng nghìn bộ phận bị lỗi, hoặc kém chất lượng có khả năng được lắp đặt trên máy bay.

Mohawk cho biết, với kinh nghiệm 13 năm làm việc cho Boeing trong nhiều chương trình khác nhau, ông đã cảnh báo cho cả công ty và các cơ quan quản lý liên bang về những sai sót trong các quy trình an toàn tại nhà máy, nơi sản xuất 30% máy bay phản lực thương mại trên thế giới. Nhưng sau cùng không có cảnh báo nào được Boeing hồi đáp.

Kết thúc năm 2024 với thảm họa

Theo Reuters, tưởng chừng những khủng hoảng dồn dập vừa nêu đã khép lại năm 2024 đầy mệt mỏi của Boeing, thì hai vụ máy bay Boeing 737-800 hạ cánh bằng bụng ở Torp (Na Uy) và sân bay Muan (Hàn Quốc) trong ngày 28 và 29/12/2024 đã giáng thêm những cú "trời giáng" vào Boeing. Đặc biệt, trong khi vụ tai nạn ở Torp không có thương vong, thì vụ tai nạn ở Muan do Hãng hàng không Jeju Air vận hành đã cướp đi sinh mạng của 179 hành khách.

Đáng chú ý, Boeing 737-800 có hồ sơ an toàn rất tốt, không giống như mẫu máy bay kế nhiệm 737 Max tai tiếng - liên quan đến hai vụ tai nạn vào năm 2018 và 2019 khiến tổng cộng 347 người thiệt mạng và khiến dòng máy bay này phải dừng bay trong 20 tháng để sửa lỗi thiết kế. Do đó, sau vụ tai nạn nhiều dấu hỏi về sự an toàn của các máy bay Boeing liên tiếp xuất hiện.

Một năm không thể tồi tệ hơn của Boeing ảnh 4

Vụ tai nạn máy bay Boeing 737-800 ở Muan do Hãng hàng không Jeju Air vận hành đã cướp đi sinh mạng của 179 hành khách. Ảnh: AP.

Thậm chí, Quyền Tổng thống Hàn Quốc Choi Sang Mok kêu gọi khẩn cấp thực hiện một cuộc kiểm tra đặc biệt đối với tất cả các máy bay Boeing 737-800 đang hoạt động ở nước này, và ước tính có khoảng hơn 100 máy bay thuộc diện bị điều tra.

Kết thúc năm 2024, Boeing trở thành công ty thua lỗ lớn nhất trong bảng chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones, cổ phiếu của công ty này giảm 32%. Ngoài ra, tổng giám đốc điều hành và một số giám đốc điều hành nổi tiếng khác của Boeing cũng đã bị sa thải, Reuters cho biết.

Một năm không thể tồi tệ hơn của Boeing ảnh 5
Cổ phiếu của Boeing giảm 32%cổ trong năm 2024. Ảnh minh họa: Investing.com.

Ngoài những khó khăn về tài chính, Boeing còn bị hãng sản xuất máy bay Airbus của Pháp - đối thủ hàng đầu - vượt qua về cả doanh số bán và giao máy bay, làm suy yếu thêm niềm tin vào tương lai của công ty. Được biết, năm 2024, giá trị cổ phiếu của Airbus tăng 11%, trong khi chỉ số chuẩn S&P 500 tăng hơn 23%.

2025 sẽ ra sao?

Với những bước lùi trong năm cũ, nhiều chuyên gia cảnh báo rằng khả năng thua lỗ của Boeing sẽ tiếp tục trong suốt năm 2025. Lần đầu tiên trong lịch sử xếp hạng tín dụng của hãng ở trên bờ vực bị hạ xuống trạng thái trái phiếu rác.

Một năm không thể tồi tệ hơn của Boeing ảnh 6

Nhiều chuyên gia cảnh báo rằng khả năng thua lỗ của Boeing sẽ tiếp tục trong suốt năm 2025. Ảnh: Boeing.

Tuy nhiên, Boeing vẫn hy vọng rằng năm 2025 sẽ không có biến cố gì xảy ra thêm nữa, trong lúc hãng này tìm cách bù đắp lại những mất mát. Ưu tiên cấp bách nhất của hãng hiện tại là đưa quy trình sản xuất máy bay bị trật bánh trở lại đúng hướng, và dần dần đạt đến mức trước khi đình công trước khi tiếp tục tăng sản lượng máy bay. Gã “khổng lồ” hàng không Mỹ cũng đang cố gắng xây dựng lại lòng tin với khách hàng và cải thiện văn hóa làm việc.

Trao đổi với PV Tiền Phong mới đây, ông Michael Nguyen - Giám đốc Boeing Việt Nam - cho biết, với hơn 100 năm lịch sử và nhiều giai đoạn phát triển quan trọng, Boeing đã vượt qua nhiều thử thách. Do đó, với những khó khăn trong năm 2024, Tập đoàn Boeing đã rất cố gắng để cải thiện an toàn và hỗ trợ khách hàng. “Chúng tôi rất tin tưởng vào tương lai phát triển của Boeing thời gian tới”, ông Michael Nguyen nhấn mạnh.

Theo AP, Reuters, Yonhap, FAA, Boeing, Dow Jones, 60 Minutes
MỚI - NÓNG