Tròn một giờ đồng hồ, con tàu chở khách 150 chỗ ngồi vốn được xem là lớn và chạy nhanh nhất trong số tàu thuyền hay chạy ra Lý Sơn, sau nhiều cơn dập dềnh lên xuống ngất ngây của sóng biển, đưa chúng tôi cập cảng. Hơn 9 giờ sáng, ngay sát bến có khá đông tàu thuyền đang neo đậu.
Vừa đặt chân lên bờ, ngư dân ở đảo đã chào đón đoàn bằng chuyến rũ lưới gỡ cá gần bờ của một tàu cá nhỏ. Tấm lưới 3 người giăng ba góc đang ken dày cá. Tuy nhiên nhìn kỹ chỉ toàn loại cá nhỏ xíu mà sau này mới biết có tên gọi cá cơm. “Với số cá này, thu nhập của họ chẳng đáng là bao”- Một cán bộ dẫn đường cho biết.
Con đường từ cảng dẫn tới Ủy ban nhân dân huyện Lý Sơn không xa, chỉ mất chừng 10 phút chạy ô tô. Luớt nhanh trên đường, Lý Sơn chào đón khách bằng những ngôi nhà mái bằng một tầng xây san sát, các ngõ hẹp nối dày với đường chính…
“Nơi đây đất chật người đông nên nhà cửa khá đắt. Tại một cửa hàng phố huyện rộng chừng hơn 20 m2, chị chủ cửa hàng sau này bán cá khô cho chúng tôi nói nhanh khi khách hỏi: “Giá cửa hàng này ước chừng 500 triệu đồng mà cũng hiếm người bán. Còn hàng hóa, chị thừa nhận giá cả cái gì cũng đắt bởi chỉ trừ hành và tỏi là hai đặc sản của Lý Sơn, còn cái gì (thậm chí có lúc cả cá tươi) cũng đều mang từ đất liền ra cả. Những ngư phủ Lý Sơn đánh bắt khắp nơi, và sản phẩm của họ được trao đổi, bán mua ở những cảng lớn. Câu chuyện với chị bán hàng cứ nối dài mãi.
Chị bảo: “Nhà tôi ở đảo đã mấy đời, từ đời ông bà, cụ kỵ, tổ tiên. Giờ chồng và mấy con trai cũng đều đang đi biển. Chúng tôi ở đây đã quen rồi, chắc chẳng bao giờ rời mảnh đấy này”.
Mẹ con chị Phạm Thị Yến vừa nhận quà vừa khóc
Khi đoàn đến thăm một hộ nghèo và trao tặng ti vi, chúng tôi đã ngậm ngùi trước gia cảnh căn nhà 1 gian, một chái trống hoác của cặp vợ chồng trẻ Phạm Thị Yến. Yến sinh năm 1986, quê gốc Nghệ An, tình cờ bén duyên và thành dâu Lý Sơn cách đây 3 năm.
Chồng Yến là ngư dân đi biển làm thuê, một tháng vắng nhà ít nhất 20 ngày, thu nhập cả thảy 3 triệu đồng. Ở đây đất chật người đông, hết sạch đất canh tác nên sinh con xong, Yến cứ loay hoay không biết kiếm sống thế nào.
Một cán bộ huyện đi cùng cho hay: gia đình Yến thuộc diện hộ nghèo. Căn nhà hai vợ chồng đang ở cũng là nhà tình nghĩa vừa được xây tặng. Ngồi tiếp khách nói về phận nghèo, nước mắt cứ lăn dài trên má Yến.
Cô bảo: “Em ở đây nhớ đất liền, nhớ quê nhà nhiều lắm. Nhưng nghĩ lại thương chồng lênh đênh trên biển vất vả nên hai mẹ con chỉ biết trông mong và cầu nguyện cho anh ấy đi biển bình an trở về”.
“Huyện đảo đông dân nhất quốc gia”
Xe vừa đổ cả đoàn xuống hội trường của huyện, đã thấy rộ lên âm thanh ồn ào và mùi khét của chiếc máy nổ chạy dầu diesel cung cấp điện bên hông hội trường.
Đúng giờ hẹn rất đông người dân đã tề tựu về. Hôm nay, có hơn 100 hộ nghèo và một số cơ quan trên địa bàn được Quỹ Tấm Lòng Việt trao tặng 150 chiếc ti vi màn hình phẳng. Chợt nhớ đến thông tin mới cập nhật đầu tháng, theo kế hoạch, đầu tháng 10/2014, người dân ở huyện đảo tiền tiêu Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi sẽ được hòa điện lưới quốc gia.
Nghe nói những ngày này, hàng trăm công nhân, kỹ sư Công ty điện lực tỉnh Quảng Ngãi đang khẩn trương làm việc ngày đêm để đóng cột, kéo dây, lắp công tơ về tận gia đình các hộ dân. Với người dân huyện đảo Lý Sơn, đây là niềm mong mỏi từ lâu!
Liên quan đến chương trình vay vốn đóng tàu vỏ thép cho ngư dân của Lý Sơn, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Linh cho hay: Theo kế hoạch buớc đầu sẽ có 5 chủ tàu vay vốn ngân hàng theo chương trình của Chính phủ để đóng tàu vỏ thép. Mong uớc của ngư dân Lý Sơn là sớm tiếp cận nguồn vốn này và mong ngân hàng cũng như Chính phủ có những chính sách ưu đãi phòng ngừa rủi ro nhất định để ngư dân Lý Sơn yên tâm kiên cường bám biển.
Đón đoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn, ông Phạm Hoàng Linh lập tức cập nhật thông tin để khách ở xa đủ hình dung về đảo.
Ông Linh cho hay: Huyện đảo Lý Sơn được thành lập cách đây hơn 21 năm (ngày 1/1/1993). Lý Sơn là huyện đảo tiền tiêu kiên cường bám biển bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Đó là điều chính quyền và người dân trên đảo chúng tôi rất tự hào. Nhưng chúng tôi cũng không quên những khó khăn trong đời sống kinh tế hằng ngày mà mỗi người đang phải đối mặt.
Theo ông Linh, Lý Sơn là huyện đảo đông dân nhất Quảng Ngãi và với dân số 2,2 vạn người trên diện tích đảo 10 cây số vuông tức mật độ 2.000 người/km2, Lý Sơn vừa nhận kỷ lục “Huyện đảo đông dân nhất quốc gia”.
Đất canh tác eo hẹp đến mức bây giờ theo phân chia quy hoạch, mỗi khẩu chỉ được nhận chừng 90m2 đất để trồng chủ yếu hai loại nông sản là hành và tỏi. Thậm chí vì khó khăn quá, có nhà không có đất canh tác.
Một cán bộ viện kiểm sát huyện đang ngồi kế bên, kể: Ở đây nhà nào cũng sinh 3- 4 con và đa phần đàn ông thanh niên đều làm nghề đi biển. Dẫu đông, chật và khó là vậy nhưng: “Ở đây quen quanh năm sống với biển rồi. Xa vài ngày không chịu nổi”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cũng cho hay: Huyện đảo hiện nay cả trồng trọt và chăn nuôi đạt khoảng 28 tỷ/năm; về thủy sản đạt khoảng 290 tỷ đồng với 426 tàu thuyền. Dù đạt sản lượng khai thác hải sản 40.000 tấn/năm nhưng tỷ lệ hộ nghèo lên tới 1.139 hộ (bằng 20,4%). Do chưa có điện lưới quốc gia nên cứ đến 23 giờ là toàn đảo phải tắt điện”.
Tự trách đã vô tình…
Khi tặng các hộ nghèo cùng một số đơn vị cơ quan trên đảo những chiếc ti vi màn hình phẳng để chờ dòng điện lưới quốc gia dự kiến sẽ kéo ra Lý Sơn tháng 10/2014 tới đây, ông Phan Văn Quang, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Đài Truyền hình VN, chủ tịch Quỹ Tấm Lòng Việt trầm ngâm nói: “5 năm qua, Quỹ chúng tôi đã trao tặng hơn 4 vạn ti vi cho hộ nghèo. Đây cũng là lần thứ ba hay thứ tư chúng tôi tặng ti vi cho tỉnh Quảng Ngãi, nhưng thú thực hôm nay lần đầu đến Lý Sơn, tôi thấy áy náy với bà con nơi đây quá”.
Phút im lặng, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, đơn vị đồng sáng lập Quỹ và tài trợ toàn bộ số ti vi cũng dè dặt tiếp lời: “Tôi đã đi khắp nơi trên đất nước này mà hôm nay mới lần đầu ra thăm biển đảo Lý Sơn, tự thấy mình có lỗi với biển đảo nơi đây quá. Đáng lẽ tôi phải đến từ lâu rồi”.
Tự trách mình rồi ông Hưởng quả quyết: “Đất liền đã có trách nhiệm với biển đảo nhưng dường như chưa thấm vào đâu. Tôi và Quỹ sẽ tiếp tục có những đóng góp cả về vật chất và ý tưởng cho huyện đảo”.
Một lát thấy ông ra trao đổi ngay với mấy vị lãnh đạo huyện. Rồi chỉ một ngày sau tại Diễn đàn kinh tế miền Trung (diễn ra ngày 15/8), ông Hưởng đã có bài viết đăng đàn lập tức đề xuất ý tưởng: “Tôi đề nghị biến toàn bộ các bờ kè xung quanh đảo Lý Sơn thành những con đường du lịch, bên cạnh đó người dân ở đảo sẽ mở các cửa hàng kinh doanh nhỏ làm chỗ trú chân cho du khách và kích thích tiêu dùng”.
Mẻ lưới “chào khách” gần bờ của ngư dân Lý Sơn Ảnh: K. Huyền
Ý tưởng này không hề bột phát mà trước đó, ngay khi đi một vòng dọc bờ kè bãi biển Lý Sơn đẹp lung linh với bãi san hô uốn lượn, ông Hưởng đã chia sẻ: Không thể để đảo tiền tiêu Lý Sơn cách đất liền có một giờ tàu chạy lại lụp xụp, và còn không ít khó khăn. Chúng ta đừng đổ lỗi cho kinh tế. Lý Sơn mang trên mình ý nghĩa rất lớn về cả kinh tế, văn hóa, chính trị và đặc biệt là vị trí trọng yếu an ninh quốc phòng. Người dân ở đây cần được quan tâm thực sự.
Chỉ vài giờ ngắn ngủi ở Lý Sơn, chưa kịp cảm nhận cái mặn mòi của vùng biển huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Cũng chẳng có cơ hội để ngắm cảnh hoàng hôn hay đón bình minh với ánh mặt trời hé từng tia sáng đều trên mặt biển... Những thành viên trong đoàn chỉ ước được lưu lại chí ít một đêm để cảm nhận cuộc sống và sự thân thiện của con người nơi huyện đảo xa xôi.
Để được nghe những truyền thuyết của đảo mà từ thế kỷ 16 - 17 cha ông của con dân Lý Sơn đã đặt chân đến và làm nên lịch sử. Cũng tiếc là chưa được ngồi với những ngư dân Lý Sơn đánh bắt xa bờ để nghe họ kể những câu chuyện đánh bắt tại những vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa như một sự hiện diện bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Chắc chắn chúng tôi sẽ sớm có dịp về lại huyện đảo trong một ngày không xa. Lòng dặn lòng như thế!
Chợt nhớ đến một thống kê, từ đầu năm 2014 đến nay tàu Trung Quốc đã tấn công, đâm va, rượt đuổi 27 tàu cá ngư dân Quảng Ngãi, làm bị thương ít nhất 3 người, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Chỉ tính riêng gần 3 tháng kể từ sau khi hạ đặt giàn khoan trái phép Hải Dương 981, đã có 15 tàu cá của ngư dân bị tấn công. Có người ví những ngư dân Lý Sơn hành nghề ở vùng biển Hoàng Sa như “cây phong ba trên biển”.
Cây phong ba trên đảo xa dù bão giông, nắng cháy vẫn kiên trì ngạo nghễ bám đất để sống và phát triển.