Một học viên đạt điểm tuyệt đối tại kì thi Olympic Cơ học toàn quốc

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Vũ Thanh Hải, học viên năm cuối của Học viện Kĩ thuật Quân sự giành giải nhất tại kì thi Olympic Cơ học toàn quốc lần thứ 34 với mức điểm tuyệt đối 40/40. Hải cũng là thí sinh duy nhất được Hội Cơ học Việt Nam trao giải thưởng Tài năng Cơ học trẻ Nguyễn Văn Đạo. Giải thưởng này chỉ trao cho những thí sinh đạt điểm tuyệt đối tại kì thi. 

Hôm nay, lễ bế mạc và trao giải Cuộc thi Olympic Cơ học toàn quốc lần thứ 34 diễn ra đồng thời tại 3 khu vực: Miền Bắc (Đại học Bách khoa Hà Nội); Miền Trung (Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng) và Miền Nam (Trường Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia TPHCM).

Một học viên đạt điểm tuyệt đối tại kì thi Olympic Cơ học toàn quốc ảnh 1

Ảnh: Duy Thành

Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/5 với 7 môn thi truyền thống (Cơ học kĩ thuật, Sức bền vật liệu, Cơ học kết cấu, Thủy lực, Cơ học đất, Nguyên lí máy, Chi tiết máy) và Ứng dụng tin học trong Chi tiết máy). Cuộc thi Olympic Cơ học lần thứ 34 có tổng 1.135 sinh viên đến từ 35 đại học, trường đại học kỹ thuật và các học viện trong toàn quốc.

Tại khu vực miền Bắc, có 641 sinh viên đến từ 17 đoàn đại diện cho các đại học, trường đại học và học viện tham gia tranh tài. Ban Giám khảo đã chọn ra 668 giải cá nhân bao gồm: 21 giải Nhất, 114 giải Nhì, 256 giải Ba và 277 giải Khuyến khích. Ở hạng mục giải đồng đội, 9 giải Nhất, 9 giải Nhì và 11 giải Ba đã được trao cho 29 đội có thành tích cao nhất trong cuộc thi.

Tại buổi lễ, đại diện đơn vị đăng cai tổ chức khu vực phía Bắc, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ nhiều trường đã có sáng kiến sử dụng thi Olympic Cơ học làm yếu tố kích thích hoài bão khoa học của sinh viên. Thông qua Olympic Cơ học toàn quốc, các tài năng trẻ về Cơ học đã được phát hiện và bồi dưỡng để trở thành những nhà khoa học có đóng góp không chỉ cho chuyên ngành cơ học mà còn các lĩnh vực khác.

Theo ông Điền, thông qua Olympic Cơ học toàn quốc, nhiều tài năng trẻ về Cơ học đã được phát hiện và bồi dưỡng để trở thành những nhà khoa học có đóng góp không chỉ cho chuyên ngành cơ học mà còn các lĩnh vực khác nữa. Ví dụ như TS Đỗ Khắc Đức cựu sinh viên của Trường ĐH công nghiệp Thái Nguyên, nay là Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên, thuộc ĐH Thái Nguyên, người đã từng đạt giải ba môn Cơ học lý thuyết năm 1990, hiện nay là GS Trường Kỹ thuật Cơ khí và Xây dựng thuộc Đại học Curtin University (Úc). Hay TS Nguyễn Đức Thành, cựu sinh viên hệ kỹ sư tài năng ngành vật lý Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2007, người đã từng đạt giải nhất môn Cơ lý thuyết năm 2004, nay đã là PGS của Đại học Connecticut (Hoa Kỳ). PGS Thành là một trong những "ngôi sao đang lên" tạo ra các công nghệ mới, mang lại tác động đến xã hội...

Học viện Kĩ thuật Quân sự chiếm 1/3 số giải Nhất

Trong Cuộc thi Olympic Cơ học toàn quốc năm nay, Học viện Kĩ thuật Quân sự nổi bật với số lượng thí sinh tham gia dự thi đông nhất và giành được số lượng giải thưởng nhiều, cao nhất. Với 104 thí sinh dự thi, Học viện Kĩ thuật Quân sự giành 6/21 giải Nhất (chiếm số lượng lớn nhất trong các đội dự thi). Trong đó có thí sinh Vũ Thanh Hải đạt số điểm tuyệt đối 40/40. Hải cũng là thí sinh duy nhất đạt điểm tuyệt đối năm nay và giành giải thưởng Tài năng Cơ học trẻ Nguyễn Văn Đạo do Hội Cơ học Việt Nam trao tặng. Tuy nhiên, hôm nay Hải đang trong thời gian thực tế ngoài đơn vị nên không có mặt tại lễ trao giải. Điều đặc biệt, năm nay cũng là năm thứ 3 liên tiếp, Hải giành giải nhất tại Cuộc thi Olympic Cơ học toàn quốc.

Một học viên đạt điểm tuyệt đối tại kì thi Olympic Cơ học toàn quốc ảnh 2

Ảnh: Hải Thanh

Ngoài ra Học viện giành 32 giải Nhì, 34 giải Ba và 18 giải Khuyến khích, tổng số giải thưởng mà các thí sinh của Học viện đạt được là 90 giải, cũng cao nhất trong các đội dự thi.

Năm 2024, đội tuyển Đại học Bách khoa Hà Nội có 59 sinh viên tham dự kỳ thi, đạt 49 giải thưởng cá nhân: 4 giải Nhất, 21 giải Nhì, 16 giải Ba và 8 giải Khuyến khích. Đại học Bách khoa Hà Nội cũng “rinh" thêm 2 giải Nhất đồng đội và 2 giải Ba đồng đội.

“Bóng hồng" đạt thành tích xuất sắc nhất của đội tuyển ĐH Bách khoa Hà Nội năm nay là sinh viên Phạm Thị Huê, K65 Ngành Cơ khí Động lực, Trường Cơ khí. Huê giành giải Nhất môn thi Thuỷ lực. Đây là kết quả xứng đáng cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ suốt 2 tháng qua, dưới sự đồng hành của PGS.TS Phạm Văn Sáng và PGS. TS Lê Thanh Tùng.

Huê cho hay bản thân yêu thích môn Thuỷ lực từ khi được học trên lớp. Đam mê các kiến thức về chất lỏng, áp suất, động học trong chất lỏng nên ngay khi thấy thông tin lựa chọn sinh viên tham gia Olympic Cơ học năm nay, cô sinh viên năm cuối ngành Cơ khí Động lực lập tức ứng thí. Để cân bằng giữa việc học trên lớp và ôn luyện chuẩn bị cho kì thi, Huê thường xuyên thức đêm để đọc thêm các kiến thức mới từ các nguồn tham khảo và “cày đề”.

Với thành tích giải Nhất môn Thuỷ lực trong cuộc thi Olympic Cơ học năm nay, Phạm Thị Huê dự định sẽ theo đuổi nghiên cứu khoa học về đề tài thuỷ lực trong thời gian tới, đồng thời tìm kiếm cơ hội học lên thạc sĩ để tiếp tục phát triển xa hơn trong lĩnh vực này.

Cuộc thi Olympic Cơ học được tổ chức thường niên dành cho sinh viên các trường ĐH, do Hội Cơ học Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT, Hội sinh viên Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đồng tổ chức. Ngay từ lần đầu tổ chức (năm 1989), kỳ thi đã mang tính quốc gia.

MỚI - NÓNG