Một góc lẫy lừng của họ Lê Đỗ và họ Đái nước Nam

0:00 / 0:00
0:00
TP - Không rõ cặp trai thanh gái lịch Lê Đỗ Kỳ và Đái Thị Ngọc Chất có quen biết nhau theo lối đời sống mới để rồi sau này trở thành gia thất hay không, nhưng dứt khoát cuộc hôn nhân ấy dường như có dấu vết của việc môn đăng hộ đối? Thể nào mà cụ tri huyện Thạch Thành Đái Xuân Quảng lại chả quen biết lẫn thân tình với hai song thân nhà Lê Đỗ? Mối quan hệ danh gia ấy, duyên do nào đắc lực từng góp phần tác thành nên lương duyên giữa Chánh thanh tra Nông Lâm Đông Dương Lê Đỗ Kỳ và Đái Thị Ngọc Chất?

Lẩu lâu nay làm rể đất Quảng Xương xứ Thanh mà vẫn chưa thấm chưa gẫm hết cái ngữ nghĩa? Phàm tên đất tiền nhân đặt thường quá lên cái thực trạng tất tả gian nan? Nhất GIA (có dạo người ta gọi là DA chỉ huyện Tĩnh Gia kề Quảng Xương) nhì XƯƠNG để nhắc nhớ những thời tức tưởi đói kém. Thế mà cái tên Quảng, đương nhiên là rộng rãi khoát đạt. XƯƠNG rất nhiên là sung túc hanh thông mọi đường!

Một góc lẫy lừng của họ Lê Đỗ và họ Đái nước Nam ảnh 1

Một người anh ruột của Lê Đỗ Thị Ninh - Trung tướng Hồng Cư (thứ 2 từ trái sang)

Xứ Quảng Xương, chưa thấm hết ngữ nghĩa đã đành. Lại có bao chuyện còn phong còn kín chưa kịp phát lộ?

Có chút chi đó bồi hồi ngó lại danh sách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Thanh Hóa khóa I:

Lê Tất Đắc, Lưu Văn Bàn (Lưu Cộng Hòa), Nguyễn Văn Huệ, Đặng Văn Hỷ, Lê Đỗ Kỳ, Nguyễn Xuân Kỳ, Hoàng Sĩ Oánh, Phạm Thúc Tiêu, Đặng Phúc Thông, Lê Trọng Thuần (Thoàn), Nguyễn Đình Thực, Lê Trần Đức, Nguyễn Hữu Ngọc, Nguyễn Văn Tĩnh (Tinh Hoa), Nguyễn Vĩnh Thụy (Bảo Đại).

Mười lăm vị ĐBQH cả thảy. Bằng số với Quảng Nam. Hai tỉnh có số ĐBQH đông nhất là Thanh Hóa, Quảng Nam.

Một góc lẫy lừng của họ Lê Đỗ và họ Đái nước Nam ảnh 2

Chân dung Đái Đức Tuấn

Bây giờ, tất nhiên, tất cả đã là người thiên cổ.

Có một ĐBQH, cụ Lê Đỗ Kỳ sinh năm 1904 mất 1954. Hậu thế bây giờ có lẽ không mấy người biết?

Dòng họ Đái nước Nam ta thuộc dạng hiếm?

Đầu thế kỷ XX, vùng Quảng Xương có cụ Đái Xuân Quảng dòng dõi nho học. Họ Đái nhiều người nổi tiếng. Cụ Đái Xuân Quảng từng được bổ tri huyện Thạch Thành.

Lại cũng ngược thêm về dòng họ cụ Lê Đỗ Kỳ - ĐBQH Khóa I. Phả nhà Lê Đỗ, tôi đã cố công tra cứu và tìm hỏi nhưng cũng còn mù mờ sương khói lắm? Nghe nói cụ vốn họ Đỗ nhưng không biết đến đời nào được vua Lê (thuộc thời và triều đại nào?) ban quốc tính nên cụ mang tên Lê Đỗ Kỳ.

Một góc lẫy lừng của họ Lê Đỗ và họ Đái nước Nam ảnh 3

Nhà thơ Hữu Loan với người vợ sau

Cụ Lê Đỗ Kỳ danh giá với chức danh Chánh thanh tra Nông Lâm Đông Dương. Chức ấy khi đó là to lắm. Đông Dương mênh mông rộng dài. Ngoài Việt Nam còn có Cao Mên xứ Chùa Tháp với Vạn Tượng Lào.

Phu nhân chánh thanh tra Lê Đỗ Kỳ có một cậu em trai khá tài hoa. Người ấy đã góp cho nền văn bút nước Việt này một cái tên: Tchya. Văn sĩ Tchya - Tôi Chỉ Yêu Anh, tức nhà văn, nhà thơ Đái Đức Tuấn. Từng làm tham tá ở Nha học chánh Đông Dương từ năm 1930. Đái Đức Tuấn bắt đầu viết báo, viết văn từ 1935 cho các tờ Đông Tây, Tri Tân, Tiểu thuyết thứ bảy.

Rồi Tchya sang tận xứ Tàu sáng tác. Rồi cả việc tham gia Việt Nam quốc dân đảng sau này từng về quê Quảng Xương khoét trong núi một cái hầm bí mật(?!) cho đồng chí mình hoạt động. Từng thay mặt cho giới viết lách Việt dự hội nghị văn bút quốc tế và là người được cử đọc diễn văn bế mạc hội nghị ấy. Từng thỏa chí tang bồng hồ thỉ một thời gian dài ở tận Vương quốc Bỉ và có hẳn một cô bồ Tây xinh đẹp. Rồi những năm tháng khi khoát hoạt khi lặng lẽ với các cây bút Tạ Tỵ, Vũ Bằng… đất Sài Gòn và trút hơi thở cuối cùng vào cái năm Mậu Thân 1968 thọ đúng một hoa giáp.

Năm tháng mây bay nước chảy.

Hiện ở làng Ngọc Diêm xã Quảng Chính huyện Quảng Xương có sinh phần của họ Đái. Một mộ phần trên đó có tấm bia đề:

Thi sĩ văn sĩ Đái Đức Tuấn, tự là Mai Nguyệt bút hiệu Tchya. Mất ngày 08-8-1968 tức 15-7 Mậu Thân.

Mé dưới có câu chữ Hán:

Mai Hoa tái thế/ Minh Nguyệt tiến thân (ý chừng lấy tích minh nguyệt sơn đầu khiếu - chim Minh Nguyệt hót đầu núi, trong cổ thi? Cũng là cái ý nhắc đến tay thư pháp viết chữ Hán rồng bay phượng múa Đái Đức Tuấn?).

Mạn dưới bia, lại trích hẳn bốn câu thơ của Tchya rút trong tập Đầy vơi:

Cố nhân đi hẳn có về/ nước non vẫn nặng lời thề nước non/ tình hoa sông cạn đá mòn/ lòng hoa say đắm vẫn còn đắm say.

Cũng gần đấy là phần mộ bà chị ruột Đái Đức Tuấn là cụ Đái Thị Ngọc Chất. Bia ghi thêm một dòng giản dị:

Đồng gia cùng các cháu, chắt, chút, kính lập ngày 11-12-2006.

Thể phách tồn thiên địa. Tinh thần tại tử tôn. Chốn mộ phần thường cố hữu câu kinh điển ấy. Thiển nghĩ thêm, tinh thần chẳng những tại tử tôn, con cháu mà với cả một thế hệ Việt?

Cách mạng tháng Tám, một biến cố lớn nhưng không thể gọi là gia biến của dòng họ Lê Đỗ và họ Đái - mà họ đã quyết ngay hai điều lớn. Đó là việc, bỏ và cho!

Đã đành gặp thời mới, cụ Lê Đỗ Kỳ bỏ chức Chánh thanh tra ngành nông lâm. Còn cho? Hai cụ đồng lòng gửi ba người con trai vào Vệ quốc đoàn. Còn cụ ông được tổ chức chuẩn thuận từng giữ các chức Chủ tịch huyện Đông Sơn, huyện Nông Cống.

Rồi cụ tự nguyện ưng thuận việc ứng cử rồi trúng cử vào QH khóa đầu của chính thể mới. Không có nhiều tài liệu về cái buổi đầu dân quốc ấy của cụ ông. Nhưng hậu thế nhớ nhiều hơn công của cụ đã sinh thành dưỡng dục những người con…

Người con trai cả của ông bà Tham Kỳ là Lê Hữu Khôi. Lê Hữu Khôi tham gia kháng chiến chống Pháp, hy sinh (năm 1954) chỉ vài giờ trước khi đơn vị của ông bắt sống tướng De Castries.

Người con thứ hai là Lê Đỗ Nguyên, chính là Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam.

Người con trai thứ ba, Lê Đỗ An, sau này lấy tên là Nguyễn Tiên Phong, nguyên Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (nay đã mất).

Lê Đỗ Thị Ninh là cô con gái kế tiếp, cô con gái yểu mệnh ấy đã đi vào cõi thiêng tâm linh bất tử của người Việt với màu tím hoa sim của ông con rể Hữu Loan!

***

Tôi cứ nghĩ mãi cái sự màu nhiệm bí ẩn… Năm 1935, bà vợ ông Lê Đỗ Kỳ đã nhìn ra điều gì ở chàng trai nhà quê Hữu Loan từ Nga Sơn lên thị xã Thanh Hóa trọ học, thi thoảng lại ngồi lỳ hàng buổi ở cái hiệu sách lớn nhất xứ Thanh của nhà Lê Đỗ Kỳ? Rồi bà quyết định mướn chàng trai nhà quê ấy về làm gia sư cho các con mình? Khi ấy có sự tham góp hay quyết định gì của chồng bà, cụ Lê Đỗ Kỳ không nhỉ? Và nữa, khi quyết định một việc hệ trọng là ưng thuận cho cô con gái Lê Đỗ Thị Ninh 16 tuổi lấy anh chồng Vệ quốc đoàn Hữu Loan có lẽ bà Tham Kỳ đã nhìn thấy tố chất chi đó khác người mà con gái mình sẽ trao thân gửi phận? Cái khác người ấy phải chăng là tiết tháo? Duyên do thi sĩ Hữu Loan bỏ tất tật vinh hoa Hà thành thuở ấy về Vân Hoàn Nga Sơn thồ đá kiếm sống có vài thứ chưa hẳn là cái việc này khác của “vụ Nhân Văn”…

Ấy là khi người ta riết róng xỉa xói kiểm thảo dè bỉu màu tím hoa sim của chiến binh Hữu Loan những là yếu đuối tiểu tư sản và phải nên đoạn tuyệt với những tình cảm ủy mỵ ấy!

Đoạn tuyệt với màu tím hoa sim, đoạn tuyệt với Lê Đỗ Thị Ninh? Hữu Loan sẽ thoắt thành một người không phải Hữu Loan?

Nhưng với Hữu Loan đâu phải dễ?

Một buổi chiều năm đã xa, được nhà thơ Đỗ Xuân Thanh - bạn học người Nga Sơn dẫn đến tận nhà Hữu Loan ở thôn Vân Hoàn. Đó là lần đầu tôi được diện kiến cái ông già đầu tóc xác xơ có ánh nhìn sắc lẹm, soi mói… Cả bọn đã nghe Hữu Loan thốt lên điều đơn giản nhưng cực hệ trọng là làm sao bắt ông từ bỏ màu tím hoa sim cho được?

Cái ông lão Hữu Loan hồi đó tuổi đã sắp 90 còn tình tứ đặt tay lên cái chân đau của bà vợ Nguyễn Thị Nhu cười móm mém.

Tôi có màu tím hoa sim tặng em Ninh nhưng cũng có Hoa lúa (bài thơ cũng khá nổi tiếng của Hữu Loan) tặng bà đó thôi.

Lại thoắt hiển hiện một Hữu Loan tiết tháo và bền bỉ!

Cái khúc nhôi trong thời kháng chiến chống Pháp, cụ Đái Thị Ngọc Chất là thành viên tích cực trong Hội Mẹ chiến sĩ là cả một câu chuyện dài. Chính cụ đã nuôi dưỡng, chăm sóc nhiều cán bộ, chiến sĩ quân đội, mà trong số họ không ít người sau này trở thành tướng lĩnh, sỹ quan cao cấp. Sau này khi cụ tuổi đã cao, con cháu đưa cụ ra sống ở Hà Nội. Nhiều sĩ quan của Quân khu 4 vẫn thường xuyên ghé Hà Nội thăm cụ. Họ đều gọi cụ là mẹ một cách thân thương, trìu mến. Cụ Đái Thị Ngọc Chất mất tại Hà Nội năm 1987.

Tôi chưa có cái duyên được gặp Trung tướng Hồng Cư người em đồng hao với tướng Giáp mà phu nhân là GS Đặng Thị Hạnh con gái cụ Đặng Thai Mai. GS Hạnh từng dạy chúng tôi về Văn học phương Tây hồi ở Khoa Văn ĐHTH.

Tôi cũng có cái may mắn vài lần được đi công tác với Bí thư thường trực Trung ương Đoàn Nguyễn Tiên Phong.

Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Tiên Phong và sau này Phó Ban dân vận TƯ lại cũng là câu chuyện dài. Đẹp trai và sau này kháu lão, sự thông tuệ và thẳng thắn bộc trực nhưng cực kỳ tinh tế và khéo nữa của Nguyễn Tiên Phong, ấn tượng ấy với những người từng gặp ông hơi bị dai bền.

Có cảm giác, bản tính cùng tính cách ấy, dường như ông chả phải luyện phải tập gì cả? Mà như đã găm sẵn trong máu, được cài đặt từ thuở nào trong cái gene của ông?

Mà khi ấy tôi đâu biết cụ thân sinh ra ông là ĐBQH khóa I Lê Đỗ Kỳ. Nhưng có loáng thoáng nghe đó là người anh vợ của nhà thơ Hữu Loan. Tôi chưa được chiêm quan tấm hình cô Lê Đỗ Thị Ninh về làm vợ Hữu Loan năm 16 tuổi. Nhưng cứ như Bí thư Nguyễn Tiên Phong rất kiệm lời (lựa trong khoảng thân mật của lộ trình công cán lần ấy, tôi đã cố gạn, gợi lại tích xưa người cũ) ông cũng chỉ vắn tắt rằng cô em mình rất giống tớ.

Mà rất giống anh trai, giống Nguyễn Tiên Phong thì chắc chắn là xinh gái rồi!

Tóc nàng xanh xanh ngắn chưa đầy búi…

Em ơi giây phút cuối…

Không được nghe nhau nói

Không được nhìn nhau chỉ một lần…

Đâu như đương thoảng trong chất giọng ngắt quãng ngậm ngùi khi nhắc về cô em gái của người thủ trưởng cũ của tôi!

Cũng phải mở một chút ngoặc là đâu đó những lời đồn thổi là thời ấy Bí thư thứ nhất Đặng Quốc Bảo và Bí thư TƯ Đoàn Nguyễn Tiên Phong ít khi chịu nhau?! Nhưng chả phải thế. Có lẽ là họ đôi lúc chứng kiến những cuộc tranh luận hơi căng giữa Bí thư thứ nhất và Bí thư Thường trực về công việc. Bộ đôi độc đáo ấy, một thời đã góp cho sử Đoàn ta những trang đầy dấu ấn với hậu thế? Chuyện ấy nói sau.

Mà lạ? Ông anh vợ Nguyễn Tiên Phong có hao hao cái tính cách ngang thẳng tiết tháo kiêm chút hài hước của người em rể Hữu Loan?

MỚI - NÓNG