Tại lễ trao bằng tiến sĩ vừa qua của trường ĐH Bách khoa Hà Nội, TS Nguyễn Văn Yên không giấu nổi niềm vui khi mình là một trong hai người được nhận giải thưởng luận án tiến sĩ xuất sắc nhất của trường. Giải thưởng này, lần đầu tiên được trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức xét duyệt và vinh danh.
Chia sẻ với Tiền Phong, TS Nguyễn Văn Yên cho biết là giáo viên phổ thông nhưng anh đến với nghiên cứu khoa học rất tình cờ và sự tình cờ đó đem lại cho anh sự đam mê. Khi học thạc sĩ, anh bắt đầu biết đến nghiên cứu khoa học. Người hướng dẫn luận văn thạc sĩ cho anh khi đó là PGS.TS Lê Thế Vinh. PGS Vinh vốn là cựu sinh viên của trường ĐH Bách khoa Hà Nội, (PGS Vinh học từ ĐH đến tiến sĩ đều ở trường ĐH Bách khoa Hà Nội).
Thầy của PGS Lê Thế Vinh là PGS. TS Nguyễn Văn Hồng. Sau khi được PGS. Lê Thế Vinh giới thiệu, anh đã ra trường ĐH Bách khoa Hà Nội học tiến sĩ từ tháng 6/2014. PGS Vinh và PGS Hồng là người đồng hướng dẫn luận án tiến sĩ cho anh. Đề tài anh chọn để nghiên cứu là cấu trúc và sự không đồng nhất động học trong vật liệu silicat ba nguyên gồm Chì silicat, Nhôm siliacat và Natri silicat (PbO.SiO2, Al2O3.2SiO2 và Na2O.2SiO2) ở trạng thái lỏng và vô định hình. Anh cho biết lý do lựa chọn đề tài này là do vật liệu silicat đang có tính thời sự, thu hút nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới. Từ đó nghiên cứu sẽ ứng dụng sang vật liệu để sản xuất như gốm, silicat… cùng nhiều vật liệu ứng dụng khác trong thực tế.
Trong thời gian làm nghiên cứu sinh, TS. Nguyễn Văn Yên đã có 7 bài báo ISI với tổng chỉ số trích dẫn (IF) là gần 10, trong đó có 2 bài đạt chỉ số Q1 (tạp chí chiếm vị trí cao nhất về chỉ số trích dẫn), 3 bài Q3, 2 bài Q4. Trong số 7 bài báo ISI của TS Nguyễn Văn Yên thì có 2 bài ở Ba Lan, 2 bài ở Anh, 1 ở Canada, 2 bài ở Singapore.
Đi làm gia sư để có tiền đi học
Nói về kết quả hôm nay, TS Nguyễn Văn Yên thầm cảm ơn người vợ của mình ở quê. Chị là giáo viên đang dạy hợp đồng tại một trường cùng huyện nhưng đã chăm lo, dạy dỗ hai con trong suốt 4 năm qua để anh yên tâm dành toàn thời gian để nghiên cứu ngoài Hà Nội. Anh cũng cảm thấy mình rất may mắn khi được ban giám hiệu, các bạn đồng nghiệp tại trường THPT Yên Thành 3 tạo điều kiện để anh đi học liên tục. Trong thời gian làm nghiên cứu, hầu như anh không thể tham gia giảng dạy ở trường.
Anh cũng cho biết, giữa một nghiên cứu sinh là giáo viên phổ thông và một nghiên cứu sinh là giảng viên ĐH thì nghiên cứu sinh là giáo viên sẽ có bất lợi nhiều hơn. Bất lợi thứ nhất là họ vốn “xuất phát” từ môi trường không có nghiên cứu nên không thể có sự trợ giúp của bạn bè đồng nghiệp. Thứ hai về điều kiện kinh tế, giảng viên ĐH có thể còn có sự hỗ trợ của trường ĐH nơi công tác, còn với giáo viên phổ thông thì không. Chính vì vậy, trong 4 năm học, ngoài thời gian lên viện làm nghiên cứu, anh đều tranh thủ làm gia sư để có tiền trang trải cuộc sống. Nhưng với TS Nguyễn Văn Yên, dù khó khăn nhưng trong quá trình làm tiến sĩ, anh luôn cảm thầy mình may mắn. Đó là bên cạnh động lực, năng lực của bản thân thì anh gặp các thầy giỏi. “Ngoài sự giúp đỡ của các thầy, bản thân cũng phải nỗ lực nhiều, cả đêm, cả ngày, thậm chí chuyện thức đêm đến 3h sáng là bình thường” - anh chia sẻ.
ISI là viết tắt của Institute for Scientific Information (Viện Thông tin Khoa học). ISI đã xếp các tạp chí có uy tín của khoa học tự nhiên vào 2 danh sách: SCI (Scientific Citation Index) và SCIE (Scientific Citation Index Expanded - danh sách SCI mở rộng). Mỗi tạp chí đều có chỉ số ảnh hưởng (Impact Factor – IF) được tính dựa trên số lượng trích dẫn tới các bài báo của tạp chí. Tiêu chí đánh giá và thống kê của ISI đã được hầu hết các tổ chức KHCN sử dụng làm nguồn tham khảo chính để đánh giá, xếp hạng năng lực nghiên cứu KHCN của một viện, một trường đại học hay một nước.