Trường đại học 'mua' bài báo khoa học, có nên?

Hoạt động nghiên cứu khoa học tại một trường ÐH ở Việt Nam . Ảnh: Tú Bảo
Hoạt động nghiên cứu khoa học tại một trường ÐH ở Việt Nam . Ảnh: Tú Bảo
TP - Lâu nay, giới khoa học Việt Nam trong các trường ÐH vẫn tồn tại chuyện người biên chế ở trường này nhưng nhận viết bài báo khoa học cho trường kia để có thêm kinh phí nghiên cứu. 

Trường bỏ tiền ra tài trợ thì được tiếng có công trình nghiên cứu khoa học trên các tạp chí có tiếng. Vì thế, một số trường ÐH có tuổi đời còn khá non trẻ nhưng thời gian qua cũng đã vươn lên “sánh vai” vì có bài báo khoa học trên các tạp chí. Việc dùng “ngoại lực” để tăng danh tiếng và vị trí xếp hạng liệu có ổn?

Trao đổi với PV Tiền Phong, một tiến sĩ có nhiều bài báo đăng trên các tạp chí ISI, Scoupus cho biết chuyện các trường ĐH sẵn sàng tài trợ các bài báo khoa học đối với những người ngoài trường là bình thường. Bản thân ông cũng đã từng nhận công việc này.  Theo ông, đây vẫn là công việc nghiên cứu, sản phẩm vẫn đứng tên tác giả, hơn nữa lại có thêm kinh phí để phục vụ tiếp công việc và miễn là hoàn thành công việc ở trường sở tại.

Trong khi đó, một tiến sĩ trẻ khác cho biết, cô chưa nhận được lời mời nào ngoài trường. Nhưng nếu có cô cũng từ chối vì cô thấy có gì đó không đúng.

Hiện nay, có hai hình thức các trường thu hút nghiên cứu ngoài trường. Thứ nhất, trong nhóm nghiên cứu phải có ít nhất một giảng viên của trường. Thứ hai, nhóm nghiên cứu không nhất thiết phải có người trong trường nhưng các tác giả phải lấy tên trường mà không được lấy tên trường họ đang giảng dạy chính thức.

Tuy nhiên, trước hiện tượng này, một chuyên gia băn khoăn liệu có chấp nhận được chuyện một người ăn lương, biên chế ở trường này nhưng lại đứng tên bài báo khoa học ở một trường ĐH khác? Rồi lại còn nhận tiền “hỗ trợ” thì như thế nào? Đối với trường “mua” bài báo đó mục đích là gì? Ai sẽ trả tiền để “mua” bài báo đó? “Rất khó có chuyện lấy ngân sách nhà nước để làm việc này. Nên có thể sẽ phải lấy từ học phí của sinh viên. Vậy sinh viên được lợi gì từ việc “mua - bán” này. Đó còn chưa kể, đề tài nghiên cứu, bài báo khoa học không liên quan đến các vấn đề sinh viên được học?” - vị chuyên gia này nhấn mạnh.

“Ðể xếp hạng các trường thì cũng cần rạch ròi, đâu là công bố khoa học được thực hiện toàn thời gian tại cơ sở đào tạo bởi các giảng viên có tham gia công tác giảng dạy và đào tạo sinh viên của trường đó. Ðâu là công bố khoa học của giảng viên, cán bộ nghiên cứu của đơn vị khác, được trường mua lại”.

GS Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam

Lãnh đạo một trường ĐH tại Hà Nội cũng thừa nhận có hiện tượng giảng viên của mình đi “đánh lẻ” ở trường khác. Tuy nhiên, đây là vấn đề tế nhị, nên cũng chỉ dùng giải pháp tâm lý để giảng viên kia biết “ăn cây nào nên rào cây đó”.  Vị này cũng thừa nhận, ở các trường ĐH công, rất khó có kinh phí để thưởng cao cho các bài báo khoa học như các trường ngoài công lập. Thế nên, cũng có một số nhỏ giảng viên có năng lực “sản xuất” bài báo khoa học cầm chừng cho trường để hoàn thành nhiệm vụ, còn lại là đi viết cho trường khác.

Cần sòng phẳng với sinh viên

GS. Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, cho rằng tình trạng một vài trường ĐH trả tiền để các tác giả ghi địa chỉ của trường đó, thậm chí còn yêu cầu chỉ ghi địa chỉ duy nhất trường “trả tiền” mà không được ghi trường tác giả đang công tác. 

“Ví dụ, giả ở trường A, muốn được trường B hỗ trợ kinh phí thì chỉ được ghi địa chỉ trường B trên bài báo, không được ghi trường A. Như vậy, rõ ràng có thực trạng mua  - bán” - GS Phùng Hồ Hải nói. GS Phùng Hồ Hải cũng cho biết có trường hợp cũng sang trường trả kinh phí nghiên cứu khoa học để giảng dạy nhưng nhiều trường hợp không tham gia giảng dạy ở các trường này.

GS Phùng Hồ Hải lấy ví dụ như ở  Viện Toán học Việt Nam, đến giờ mọi người đều không có bất kỳ một hỗ trợ nào khi có bài báo khoa học nhưng ông tin rằng không có ai làm chuyện đó. “Đây là quan điểm cá nhân của tôi. Còn nếu nói hành động đó là xấu thì cũng không phải. Vì nhiều người nói họ cần sự hỗ trợ, đó là quyết định cá nhân của người nghiên cứu” - GS Phùng Hồ Hải nói. Còn với tư cách một người đứng đầu đơn vị quản lý, GS Phùng Hồ Hải khẳng định không ủng hộ hành động này. Ông cũng cho rằng đây là vấn đề cần được trao đổi rộng rãi để có cái nhìn đa chiều, mọi việc rành mạch hơn. 

Điều GS Phùng Hồ Hải quan tâm ở đây là vấn đề của các đơn vị “mua” chứ không phải là vấn đề của các cá nhân, nên cần sòng phẳng và rạch ròi.  Vì dụ người giảng viên ở trường A được trường B tài trợ thì về nguyên tắc giảng viên phải cảm ơn sự tài trợ đó. Do đó, nếu ghi tên cả hai đơn vị thì không ai phản đối.

GS Phùng Hồ Hải cũng đặt câu hỏi, kinh phí mà các trường tài trợ cho những người nghiên cứu khoa học ngoài trường (không tham gia giảng dạy tại trường) có lấy từ học phí của sinh viên không? Nếu lấy từ học phí, về nguyên tắc, rõ ràng những người nghiên cứu kia không đóng góp học thuật cho trường bỏ tiền ra “tài trợ”.  Hiện nay, Nhà nước có quy định các trường ĐH phải hỗ trợ nghiên cứu. Nhưng nghiên cứu ở đây là tạo ra môi trường học thuật.

“Thiết nghĩ, khi chúng ta sử dụng số lượng công bố như một chỉ tiêu đánh giá năng lực khoa học, để xếp hạng các trường thì cũng cần rạch ròi đâu là công bố khoa học được thực hiện toàn thời gian tại cơ sở đào tạo bởi các giảng viên có tham gia công tác giảng dạy và đào tạo sinh viên của trường đó; Đâu là công bố khoa học của giảng viên, cán bộ nghiên cứu của đơn vị khác, được trường mua lại. Có như thế thì việc so sánh giữa các trường
mới công bằng”- GS Phùng Hồ Hải nói.

MỚI - NÓNG