Một cựu chiến binh chạy bộ xuyên Việt

Một cựu chiến binh chạy bộ xuyên Việt
TP - Trong vòng 70 ngày, cựu chiến binh Trần Ngọc Sơn (Vũ Quý, Kiến Xương, Thái Bình) chạy bộ xuyên Việt để thăm lại chiến trường Quảng Trị. Sau đó, anh sẽ tiếp tục cuộc hành trình để đúng ngày 30/4 có mặt tại TP.HCM kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam.
Một cựu chiến binh chạy bộ xuyên Việt ảnh 1
Cựu binh Trần Ngọc Sơn (trái) tại một điểm dừng chân ở Nghệ An

Xuất phát ngày 18/2/2007 tại Trụ sở của Hội Cựu chiến binh Việt Nam (Hà Nội), cuối tháng 2 vừa qua ông Trần Ngọc Sơn đã đến địa phận Nghệ An. Người cựu binh ấy đã vượt qua 300 km bằng đôi chân của mình, bất chấp thời tiết giá rét.

Ông Sơn cho biết: “Khi biết tôi có ý định chạy bộ xuyên Việt, vợ và các con không tán thành vì chặng đường quá dài, tôi lại bị thương tật mất 22% sức khỏe”.

Hành trang của ông gói gọn trong chiếc ba lô, gồm vài bộ quần áo để thay và mấy hộp thuốc được người cháu họ đang công tác tại Công ty Dược Đông Á tặng…

Bộ quân phục đang mặc ông xin được của một Sỹ quan hậu cần. Chỉ xuống bàn chân bỏng rát, người cựu binh 53 tuổi nói: “Chuyến đi này tôi quyết định đi đôi dép cao su cho có ý nghĩa và phù hợp với bộ quân phục mình đang mặc chứ không đi giày vải. Vì chạy bộ chặng đường quá dài, đôi bàn chân đã phồng rộp lên, đau nhức”.

Ông Sơn lục từ ba lô lấy ra cuốn sổ chi chít dấu đỏ của chính quyền địa phương những nơi ông đã đi qua. Mỗi lần dừng chân, việc làm đầu tiên của người cựu binh này là tìm đến chính quyền sở tại để xin dấu xác nhận. Không được một tổ chức nào tài trợ, ông tự bỏ số tiền tích góp được bấy lâu nay làm “lộ phí” thực hiện hành trình chạy bộ xuyêt Việt.

Ông bảo: “Mục đích của tôi là muốn rèn luyện ý chí, nghị lực của bản thân mình, đồng thời thăm lại chiến trường xưa, nơi tôi đã cùng đồng đội chiến đấu. Sau đó tôi sẽ tiếp tục chạy bộ vào Nam đúng ngày kỷ niệm giải phóng Sài Gòn (30/4)”.

Khi biết ý định của chúng tôi sẽ thực hiện bài viết về ông, cựu chiến binh Trần Ngọc Sơn nhắn nhủ: “Cho tôi nhắn với vợ tôi và các con, trong đó có cháu Trần Quang Thành, người con thứ ba của tôi bị nhiễm chất độc màu da cam, là bố vẫn khỏe và bố sẽ gọi điện về cho gia đình trên mảnh đất Sài Gòn đúng ngày 30/4 lịch sử”. Nói xong, người cựu chiến binh lại tiếp tục sải bước cho hành trình xuyêt Việt của mình.

MỚI - NÓNG