Một công trình thần tốc theo mệnh lệnh trái tim

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ngày 13/10 năm nay đúng 10 năm ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp về với đất Mẹ Quảng Bình, an nghỉ trên núi Rồng, nơi đất thiêng Vũng Chùa - Đảo Yến. Bao kỷ niệm về cái ngày mưa gió bão bùng, đau thương ngập đất trời ấy lại ùa về thổn thức trong trái tim mỗi người.

Thời khắc đau thương

Thông tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời bắt đầu lan truyền trên mạng xã hội vào chập tối ngày 4/10/2013, và tiếp theo là công bố chính thức từ các cơ quan báo chí. Ngày ấy, Quảng Bình chưa kịp hoàn hồn sau trận siêu bão số 10, thì bàng hoàng nhận tin người con kiệt xuất của quê hương - Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời.

Trên những ngả đường hướng về ngôi nhà tuổi thơ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, từng đoàn người nối nhau đổ về. Họ là những người dân nước Việt, với đủ thành phần về đây thắp nén tâm nhang để tri ân một vị “khai quốc công thần”, một vị tướng luôn chiến thắng giặc ngoại xâm nhưng lại bình dị, nhân ái trong lòng mỗi người dân.

Một công trình thần tốc theo mệnh lệnh trái tim ảnh 1

Làm đường trong mưa bão là điều không tưởng.

Đối với người dân Quảng Bình, nỗi đau thương tột cùng ấy bắt đầu vơi bớt phần nào khi hay tin Đại tướng sẽ về an nghỉ trong lòng đất mẹ quê hương. Cả Quảng Bình chuẩn bị đón Đại tướng trở về trong tâm thế hướng về Lệ Thủy, nơi chôn rau, cắt rốn của Đại tướng. Huyện Lệ Thủy lúc ấy đã cho xe máy thi công mở đường vào khu nghĩa trang gia đình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Nhưng rồi, thông tin Đại tướng sẽ không về Lệ Thủy bắt đầu lan truyền trên mạng xã hội. Cố Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, ông Trần Sự, người có quan hệ họ hàng cả đằng nội lẫn đằng ngoại với Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng không tin Vũng Chùa - Đảo Yến là do Đại tướng lựa chọn lúc sinh thời.

Thời điểm ấy chỉ ông Võ Đại Hàm, người trông coi ngôi nhà tuổi thơ của Đại tướng và gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng ông vẫn im lặng một cách bình thản trước những thắc mắc nóng hổi của nhiều người. Sau này ông Hàm mới kể, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chọn Vũng Chùa- Đảo Yến làm nơi an nghỉ cuối cùng từ lâu, nhưng ông Hàm cũng chỉ mới biết thông tin vào năm 2010, khi tỉnh Quảng Bình rục rịch thu hồi Dự án Du lịch Vũng Chùa- Đảo Yến của Công ty Cổ Phần Đông Sơn, do con trai Đại tướng làm người đại diện pháp luật. Gia đình Đại tướng bàn với nhau về việc đó, ông Hàm nghe được.

Kỷ lục “vô tiền khoáng hậu”

Ngày 7/10, nơi an nghỉ cuối cùng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Vũng Chùa - Đảo Yến mới chính thức công bố. Cũng ngay trong ngày hôm đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh, một doanh nghiệp hàng đầu về xây dựng giao thông của Quảng Bình chính thức được gọi tên.

“Khi tôi đang ở Hà Nội thì nhận được điện thoại của lãnh đạo tỉnh mời về gấp để tham dự cuộc họp khẩn giữa lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, Bộ GTVT, Sở GTVT bàn việc thi công tuyến đường vào khu mộ của Đại tướng. Cuộc họp kéo dài đến gần nửa đêm và vấn đề đau đầu nhất đó là bàn các giải pháp thi công tuyến đường trong điều kiện vừa gấp gáp về mặt thời gian, vừa bất lợi về thời tiết, bởi lúc này trời mưa xối xả sau siêu bão” - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trường Thịnh Võ Minh Hoài nhớ lại.

Ông Võ Minh Hoài kể: “Trong cuộc họp ai cũng rất lo lắng, vì thời gian quá gấp, khối lượng công việc lớn. Yêu cầu đặt ra là xây dựng tuyến đường cơ động dài 2km, trong đó có 1,1km làm mới hoàn toàn, 2 bãi đỗ xe và một khu vực phục vụ cho thực hiện các nghi lễ có cường độ chịu lực cao, hoàn thành thi công vào ngày 12/10. Bản thân tôi cũng rất áp lực, nhưng bằng trách nhiệm và danh dự của Tập đoàn Trường Thịnh cũng như tình cảm và trách nhiệm cá nhân đối với Đại tướng, tôi đã cam kết hoàn thành nhiệm vụ. Và ngay trong đêm chúng tôi đã điều động 100 xe máy và hơn 300 cán bộ, công nhân đến công trường”.

Một công trình thần tốc theo mệnh lệnh trái tim ảnh 2

Tiểu ban lễ viếng đón nhân dân tại nhà Đại tướng ở quê nhà.

Sáng sớm ngày 8/10/2013 công trình đường vào khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp chính thức khởi công. Làm đường trong điều kiện mưa tuôn, nước chảy như suối, bao nhiêu đất đá đổ xuống đều bị nước cuốn trôi, thứ trụ lại được thì nhão nhoét như bùn. Thêm hàng loạt túi bùn khổng lồ xuất hiện sau khi bóc lớp đất tầng phủ. Rồi xe lu, xe gạt không thể vận hành vì bùn đất nhão nhoẹt cứ dính chặt vào bánh. Mọi thứ chết lặng trong mưa. Rất may, một lượng lớn sỏi dự trữ chuẩn bị để lót nền cho công trình mở rộng Quốc lộ 1A của Tập đoàn vẫn còn đó. Hàng ngàn m3 tinh sỏi đã được đổ xuống để chống trôi và chống dính. Một mỏ đá hộc mới được hình thành ngay cạnh đó để phục vụ cho làm kè, cống thoát nước, đặc biệt là lấp đầy các túi bùn.

Một công trình thần tốc theo mệnh lệnh trái tim ảnh 3

Những chiếc linh xa lăn bánh an toàn trên con đường mới mở.

Con đường này, theo thiết kế thông thường phải mất 5 tháng, nhưng nó đã hoàn thành chỉ 5 ngày, trong điều kiện khắc nghiệt về thời tiết và thiếu thốn mọi bề. “Theo tính toán ban đầu, nếu đảm bảo tốc độ bình quân 5 phút một chuyến xe đổ vật liệu thì có thể hoàn thành con đường. Nhưng khi thi công, mới phát hiện các túi bùn, buộc chúng tôi phải tính toán lại, nâng lên 3,5 phút một chuyến. Và tính toán này khớp đến mức, đúng 24 giờ ngày 12/10 những công đoạn cuối cùng của con đường mới hoàn thành” - ông Võ Minh Hoài nhớ lại.

Công nhân lái máy gạt Hoàng Đức Dũng tự hào kể: “Em được điều từ công trường Quảng Trị ra trong đêm. Khi nghe thông báo làm đường vào khu mộ của Đại tướng thì ai cũng phấn khởi và vinh dự. Hầu hết từ lãnh đạo Bộ Giao thông, tỉnh Quảng Bình, Sở Giao thông và cả chúng em đều không ngủ, ngày đêm bám sát công trường”. Dũng là một lái máy giỏi và có nhiều sáng kiến. Thấy Dũng liên tục làm việc, lãnh đạo tập đoàn cho nghỉ ngơi lấy sức. Nhưng người khác vào thay ca thì tiến độ bị chững lại, do gạt không kịp cho xe khác vào đổ vật liệu. Vậy là Dũng tình nguyện bám máy đúng 3 ngày, 3 đêm không ngủ. Khi những đống sỏi cuối cùng được gạt bằng, cũng là lúc Dũng kiệt sức, đồng đội phải bế Dũng từ trên xe về lán.

Một sự cố không lường trước khiến mọi người tá hỏa. Theo tính toán, việc khắc phục các túi bùn mặc dù cấp tốc nhưng đã cơ bản. Những chiếc xe tải hạng nặng của đơn vị thi công qua lại không thấy có biểu hiện gì. Tuy nhiên, khi những chiếc xe tiêu binh được đưa vào chạy thử thì trục trặc xảy ra. Vốn bánh của những chiếc xe này có tiết diện nhỏ nên khi đi qua các túi bùn thì bị lún và dập dềnh như đi trên đầm lầy. Công tác khắc phục chỉ hoàn thành đúng vào rạng sáng ngày 13/10, ngày đón Đại tướng về với đất Mẹ Quảng Bình.

Khi đoàn linh xa chở linh cữu Đại tướng lăn bánh tiến vào Vũng Chùa, dừng ở bãi đỗ, tất cả mọi người phụ trách làm con đường lịch sử này mới thở phào nhẹ nhõm. Câu chuyện “thần tốc” làm đường vào khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp biến điều không thể thành có thể.

“Tôi không thể tưởng tượng chúng tôi đã làm được điều không thể ấy. Có lẽ trách nhiệm, tình cảm, vinh dự... và tinh thần tốc chiến, tốc thắng của Đại tướng đã giúp chúng tôi vượt qua tất cả. Đây có thể nói là kỷ lục làm đường vô tiền khoáng hậu”.

Ông Phạm Quang Hải, nguyên Giám đốc Sở GTVT Quảng Bình

MỚI - NÓNG