Người được “chọn”
Ông Võ Đại Hàm (đã đề cập ở những kỳ trước) kể: Năm 1978, trong chuyến về thăm “nơi chôn rau cắt rốn” ở làng An Xá, sau 50 năm thoát li hoạt động Cách mạng, chứng kiến ngôi nhà tuổi thơ được huyện nhà phục dựng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cảm ơn lãnh đạo huyện, bà con quê hương và xin phép để gia đình trông coi ngôi nhà, không làm phiền huyện nhà phải cử người trông coi.
Sau khi ra Hà Nội, Đại tướng cử em trai là ông Võ Thuần Nho về quê tìm người trông coi. Sau khi bàn bạc với các cụ cao niên trong dòng tộc, ông Nho ra Hà Nội họp gia đình và thống nhất cử ông Võ Đại Hàm về trông coi ngôi nhà.
Cuối năm 1978, khi đang làm cán bộ kỹ thuật ở Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo, ông Hàm được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi về gặp riêng. Đại tướng nói: “Bây giờ ngôi nhà trong quê đã được huyện nhà phục dựng. Ngôi nhà này chưa được công nhận di tích nên không thể làm phiền nhà nước trông coi cho mình được. Cả gia đình đã thống nhất cử cháu về trông coi, cháu nghĩ thế nào?”
Ông Hàm suy nghĩ một lúc và nhận lời. Đại tướng nói tiếp: “Bây giờ huyện còn nghèo, gia đình ông cũng không có tiền để trả lương cho cháu. Đất trong vườn rộng, quê mình cũng nhiều ruộng, cháu về đó phải chịu khó xin hợp tác xã mà làm”.
Hoa tươi luôn thắm trên mộ Ðại tướng |
Ông Hàm nhớ lại: “Lúc đó nói về là về chứ tôi cũng không suy nghĩ gì, vì tôi mang ơn gia đình Đại tướng quá nhiều. Cũng may là tôi chưa có vợ con, chứ có rồi thì không biết sẽ thế nào. Thật ra trước đó tôi cũng đã có người yêu học cùng khoa chế tạo máy với nhau ở trường Bách khoa. Cô ấy đã về chơi và ăn cơm ở nhà Đại tướng mấy lần. Đại tướng và những người trong gia đình cũng mến cô ấy. Ông Nho cũng lên nhà cô ấy ở Sơn Tây thăm ông bà trên đó. Một hôm Đại tướng gọi tôi lên gặp và hỏi: “Ông nghe nói bố cô ấy ngày xưa làm Lí trưởng, dân làng trên ấy nói sao?”. Ông Hàm trả lời: “Cháu nghe nói ông ấy là Lí trưởng, ngày làm việc cho Pháp nhưng đêm lại làm việc cho Việt Minh”. Suy nghĩ một lúc Đại tướng nói tiếp: “Việc cưới hay không cưới tùy quyết định của cháu, nhưng sau này trong lí lịch ghi vợ là con Lí trưởng thì sẽ rất khó cho công tác của cháu…”.
Ông Hàm về quê trông coi ngôi nhà tuổi thơ của Đại tướng sau 6 năm làm việc ở Nhà máy Trần Hưng Đạo, lúc đó 38 tuổi. Từ một kỹ sư chế tạo máy, ông Hàm về quê nhận đất, nhận ruộng cày cuốc như một nông dân thực thụ. Ông lấy vợ năm 39 tuổi, sinh được 3 người con, hai gái một trai, sống cuộc đời bình dị, toàn tâm, toàn ý trông coi ngôi nhà tuổi thơ của Đại tướng.
Vì sao Vũng Chùa - Ðảo Yến?
“Đúng 18 giờ 9 phút ngày 4/10, Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời. Tui cầm máy điện thoại như chết lặng, không hỏi thêm được câu gì vì quá bất ngờ. Mới đây thôi, trước bão một ngày (29/9) chú Võ Điện Biên về thăm nhà, nói ông vẫn bình thường. Ngay trưa ấy, chú Biên còn điện vào thông báo sẽ về để khắc phục hậu quả bão lụt, vì trước đó tui có điện ra nói về thiệt hại do bão gây ra với quê hương và ngôi nhà của ông” - ông Hàm nhớ lại.
Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Võ Nguyên Giáp - Ðại tướng của Bộ đội Cụ Hồ, Ðại tướng của Nhân dân” do báo Tiền Phong tổ chức ngày 8/10/2013, bà Võ Hạnh Phúc, con gái Ðại tướng Võ Nguyên Giáp đã có những chia sẻ về quyết định chọn nơi an nghỉ của ba mình: Từ giữa những năm cuối của thập niên 90, ba chúng tôi và gia đình cũng có ý định tìm một số nơi... Ông có ý định suy nghĩ về việc đó từ rất lâu. Ban đầu, ba chúng tôi có ý định đi về căn cứ địa Việt Bắc (ở Thái Nguyên). Cũng có những lúc ba chúng tôi nghĩ ở đâu đó vùng Sơn Tây (Hà Nội) để gần Bác Hồ. Cuối những năm 1990, ông nhiều lần về thăm quê hương Quảng Bình. Ông nghĩ mình sẽ về với quê hương. Gia đình cũng đã đi xem xét nhiều nơi trong tỉnh nhưng cuối cùng ông chọn vùng Vũng Chùa- Ðảo Yến thuộc huyện Quảng Trạch. Ðó là quyết định của ông. Chúng tôi nghĩ cũng như em trai Võ Ðiện Biên đã trả lời với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị khi bàn về vấn đề tổ chức tang lễ. Võ Ðiện Biên nói: Suốt đời ông không có yêu cầu gì với tổ chức nhưng đây là yêu cầu duy nhất. Ông muốn về với miền Trung, miền đất nghèo khó nhưng giàu truyền thống anh hùng. Về Quảng Bình nhưng không nhất thiết là ở quê nhà làng An Xá. Quyết định về Vũng Chùa - Ðảo Yến có từ năm 2006. Ông có bút tích để lại về việc này.
Ngay khi nhận được thông tin Đại tướng qua đời, lãnh đạo xã Lộc Thủy và huyện Lệ Thủy tập trung về ngôi nhà tuổi thơ của Đại tướng để thắp hương nhưng chưa ai biết Đại tướng sẽ an nghỉ ở đâu.
“Mấy ngày sau khi nghe tin Đại tướng sẽ về quê Quảng Bình an nghỉ nhưng không về Lệ Thuỷ mà là Vũng Chùa - Đảo Yến ở huyện Quảng Trạch, đã gây ra một cuộc tranh cãi lớn đối với người quê Lệ Thuỷ. Nhiều người còn nghi ngờ đây không phải là quyết định của Đại tướng. Tất cả lời “xì xào” đổ dồn cho chú Võ Điện Biên. Nhiều người tìm tôi hỏi, tôi khẳng định đó là nơi Đại tướng đã chọn nhưng họ vẫn không tin. Thật ra, Đại tướng chọn Vũng Chùa - Đảo Yến từ năm 2006, nhưng gia đình bí mật đến phút chót. Như tôi, mãi đến năm 2010 mới biết Đại tướng chọn Vũng Chùa - Đảo Yến làm nơi an nghĩ cuối cùng. Năm đó, Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Bình họp có bàn đến việc thu hồi Dự án du lịch tại Vũng Chùa - Đảo Yến của Công ty CP Đông Sơn, do chú Võ Điện Biên làm giám đốc vì không thấy xây dựng gì trên đó” - ông Hàm nói.
Ông Hàm cho biết, trước đó khoảng những năm 1990 gia đình Đại tướng có ý tìm nơi an nghỉ của Đại tướng. Các nơi như Thái Nguyên rồi Sơn Tây cũng đã được nhắm đến. Nhưng sau nhiều lần về thăm quê, cảm cái tình của người dân quê hương, Đại tướng đã chọn Vũng Chùa - Đảo Yến, một nơi sơn thuỷ hữu tình. “Vì sao gia đình Đại tướng lại bí mật đến phút chót? Muốn giải thích điều này lại phải nhắc lại đức tính tự lực, không làm phiền ai của Đại tướng. Nếu biết trước Đại tướng chọn nơi an nghỉ cuối cùng của mình, chắc các bộ ngành rồi chính quyền tỉnh nhà sẽ phải đau đầu tìm phương án đầu tư sao cho xứng tầm với Đại tướng, trong lúc đất nước, quê hương còn khó khăn. Cả cuộc đời Đại tướng chưa bao giờ đòi hỏi sự đền đáp dù công trạng rất lớn, nên lúc qua đời cũng vậy, ông không muốn phiền luỵ đến ai” - ông Hàm nhận định.