Chuyện chưa kể về ngôi nhà tuổi thơ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

0:00 / 0:00
0:00
Ông Đỗ Trung Tuân và những người thợ thi công trùng tu ngôi nhà được Đại tướng mời gặp, cảm ơn trong lần Đại tướng về thăm quê năm 2004
Ông Đỗ Trung Tuân và những người thợ thi công trùng tu ngôi nhà được Đại tướng mời gặp, cảm ơn trong lần Đại tướng về thăm quê năm 2004
TP - Ngôi nhà gỗ ba gian bình dị ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), nằm bên dòng Kiến Giang thơ mộng là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp cất tiếng khóc chào đời và có những năm tháng tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm... Ngôi nhà đã từng bị giặc Pháp đốt phá vào năm 1947, nhưng đã được phục dựng sau ngày đất nước thống nhất với tất cả tấm lòng của quê hương tri ân vị tướng lừng danh.

Phục dựng lại miền ký ức

Theo ông Võ Đại Hàm (cháu thúc bá gọi Đại tướng bằng ông, đã nói ở những kỳ trước), ngôi nhà rường 3 gian và gian bếp đang hiện hữu này là được phục dựng lại sau ngày đất nước thống nhất trên đất hương hỏa của bố mẹ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Từ khi phục dựng đến nay đã qua 2 lần sửa chữa và tiệm cận hình thức ngôi nhà xưa của gia đình Đại tướng. Đại tướng rất yêu quý ngôi nhà này. Từ ngày nghỉ hưu, mỗi lần về thăm quê, Đại tướng bao giờ cũng dành thời gian ngủ lại trong ngôi nhà này ít nhất 1 đêm.

Ông Hàm nói: “Nhiều người đến thăm cứ hỏi tôi, nghe nói gia đình Đại tướng ngày xưa nghèo sao lại có ngôi nhà gỗ 3 gian đẹp thế này? Tôi lại phải giải thích: Ngày xưa vùng Lệ Thủy rất nhiều gỗ, một sơn tràng cùng một con trâu, trong 1 ngày có thể khai thác được 2 cái cột nhà nên gỗ rất rẻ. Cũng ở Lệ Thủy ngày xưa ở làng Quảng Cư có một đội thợ mộc chuyên làm nhà. Vì cụ Võ Quang Nghiêm vừa là thầy dạy học, vừa là thầy thuốc, có công với làng xã, đội thợ mộc chỉ ăn cơm làm nhà mà không lấy tiền công, nên gia đình Đại tướng mới có ngôi nhà như thế này”.

Chuyện chưa kể về ngôi nhà tuổi thơ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ảnh 1

Ngôi nhà tuổi thơ của Đại tướng được phục dựng sau trận lũ lịch sử năm 2020

Ông Hàm kể: Đại tướng không phải sinh ra trong ngôi nhà này mà là dưới gốc cây khế trước mặt nhà. Năm ấy gặp trận lụt to, ngôi nhà bị hư hỏng nặng, ông cụ thân sinh dựng một chiếc lán dưới gốc cây khế trước mặt nhà và Đại tướng sinh ra ở đó (25/8/1911). Cây khế đó nay không còn, gia đình đã nhiều lần trồng lại, nhưng vì trồng cây nhỏ nên không sống được. Cậu bé Võ Giáp được nuôi nấng trong căn nhà này đến năm 9 tuổi thì về Đồng Hới trọ học. Năm 13 tuổi, do thi trượt Quốc học - Huế, Võ Giáp quay về nhà ở 1 năm, quyết chí ôn luyện và năm 14 tuổi (1925) thì đỗ vào Quốc học. Năm 1927, sau 2 năm học ở Quốc học - Huế, Võ Giáp bị đuổi học do tổ chức bãi khóa phản đối nhà trường đuổi học Nguyễn Chí Diễu, cậu bé Võ Giáp lần nữa về nhà, được 1 năm thì trở lại Huế hoạt động. “Đại tướng rời nhà đi hoạt động Cách mạng năm 1928, mãi 50 năm sau, năm 1978 mới quay lại làng An Xá nơi chôn rau cắt rốn, khi ngôi nhà được phục dựng sau ngày đất nước thống nhất. Tính ra là thời thơ ấu của Đại tướng ở trong ngôi nhà này đúng 11 năm” - ông Hàm nói.

Theo ông Hàm, năm 1947, giặc Pháp đã đi ca nô theo sông Kiến Giang từ Đồng Hới lên bắt cụ thân sinh Đại tướng là Võ Quang Nghiêm và đốt phá ngôi nhà với lí do “cha đẻ của hai Việt Minh cộm cán”. Ngày đất nước thống nhất, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Lệ Thủy rất muốn phục dựng lại ngôi nhà “để Đại tướng có dịp thăm quê nghỉ lại”.

Phục dựng ngôi nhà bằng cả tấm lòng

Ông Đỗ Trung Tuân, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, từng làm Trưởng ban chỉ đạo tu sửa, trùng tu ngôi nhà Đại tướng, cho biết: Sau ngày đất nước thống nhất, lãnh đạo huyện Lệ Thủy sau nhiều lần xin ý kiến thì được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đồng ý. Theo mô tả của bác Võ Thuần Nho (em ruột của Đại tướng) thì ngôi nhà của gia đình ngày xưa được làm theo kiểu nhà 3 gian 2 chái “thượng chua hạ gõ”.

Ngôi nhà được đội thợ mộc làng Quảng Cư phục dựng xong năm 1977, thì năm 1978 Đại tướng về thăm. Sau khi đứng nhìn ngôi nhà và đi thăm quanh vườn, Đại tướng nói với lãnh đạo huyện Lệ Thủy: “Cảm ơn lãnh đạo huyện đã quan tâm làm nhà cho tôi. Nhưng nhà tôi xưa không to và tốt bằng ngôi nhà này. Nó nhỏ và thấp hơn một chút, gỗ cũng không được tốt như hiện nay vì ngày xưa nhà mình cũng không phải giàu có gì lắm. Cựa ngọ (cổng vào) cũng không đúng như ngày xưa…”.

Những năm sau đó, mỗi lần ra Hà Nội thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lãnh đạo huyện Lệ Thủy đã ngỏ ý, muốn xin Đại tướng cho phép huyện sửa lại ngôi nhà, nhưng ông đã nhẹ nhàng nói: “Phục dựng ngôi nhà là tấm lòng của nhân dân huyện Lệ Thủy nên dù không giống nhà cũ lắm nhưng trong ý thức của bà con và du khách đã xem là nhà của Đại tướng. Hơn nữa, huyện cũng đang nghèo, nhiều nhà dân còn tạm bợ. Vì vậy, không nhất thiết phải tháo ra để thay nhà khác cho giống nhà cũ”.

Mãi đến tháng 8/1999, nhân dịp Đại tướng về thăm quê, lãnh đạo huyện Lệ Thủy đã đặt vấn đề với Đại tướng về việc tôn tạo, trùng tu lại ngôi nhà. Lần này được Đại tướng nhất trí và ủy quyền cho cô Võ Hồng Anh (Con gái đầu của Đại tướng với bà Nguyễn Thị Quang Thái) thay mặt gia đình làm việc với huyện trong những việc liên quan đến ngôi nhà.

Ông Võ Giáo Sư, người được huyện Lệ Thủy giao nhiệm vụ thiết kế lại ngôi nhà của Đại tướng kể lại: Năm 1977, ngôi nhà ba gian của Đại tướng được phục dựng theo kiểu thượng chua hạ gõ nhưng tường xây, nền lát gạch… Ngôi nhà không đúng lắm với nhà rường truyền thống ở huyện Lệ Thủy. Hàng tháng trời, ông Sư đã tỉ mẩn đo từng cột nhà, từng cái xuyên ba, xuyên vách, tìm hiểu thêm một số chi tiết khác. Khi đã hoàn thành bản vẽ, ông cùng đoàn lãnh đạo huyện Lệ Thủy ra Hà Nội để xin ý kiến Đại tướng và được đồng ý.

Sau hai năm triển khai xây dựng, năm 2002 ngôi nhà ba gian hai chái lợp ngói cùng nhà ngang lợp tranh được dựng lên trên nền đất cũ cùng với những vật dụng gia đình, như: tủ sách, tấm phản, bộ tràng kỷ, rương chí góc (sập gụ), tủ thờ… đã được phục dựng lại như xưa.

Năm 2004, Đại tướng cùng gia đình về thăm quê, ông đứng nhìn ngôi nhà thật lâu, rồi đi xem từng hiện vật trong nhà, vòng quanh thăm khu vườn... Đại tướng rất xúc động khi nhìn thấy ngôi nhà của cha mẹ, của ký ức tuổi thơ đã được phục dựng gần như vẹn nguyên. Sau khi cảm ơn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lệ Thủy, đặc biệt là đội thợ phục dựng, Đại tướng dặn con cháu trong gia đình: “Phải làm sao để nhà và vườn tược luôn có bàn tay chăm sóc, để khi bà con đến thăm, người ta không cảm thấy lạnh”. (Còn nữa)

Tháng 10/2020, trận lũ lịch sử đã đánh tan ngôi nhà tuổi thơ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngôi nhà chỉ còn lại bộ khung và mái ngói. Sau lũ, gia đình Đại tướng và các tổ chức đoàn thể đã chung sức, chung lòng phục dựng lại như cũ. Trong gian nhà gỗ 3 gian 2 chái, ở gian giữa đặt bàn thờ tổ tiên, có ảnh hai cụ thân sinh của Đại tướng; phía dưới có ảnh bà Nguyễn Thị Quang Thái phu nhân đầu tiên của Đại tướng; phía ngoài cùng là bàn thờ đặt tượng và di ảnh của Đại tướng...

MỚI - NÓNG