Thi trượt Quốc học
Theo ông Võ Đại Hàm, kiến thức Nho học của cụ thân sinh không thể lấp đầy và thỏa mãn đầu óc ham học hỏi của cậu bé Võ Giáp (tên khai sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp), ông cụ phải gửi con về thị xã Đồng Hới học, cách nhà 40km. Ở đây trò Giáp luôn đứng đầu lớp và thủ khoa toàn tỉnh tại kỳ thi tốt nghiệp bậc sơ học. Năm 13 tuổi (1924), cậu bé Võ Giáp khăn gói lên đường vào Huế để thi vào Trường Quốc học. Tại kỳ thi này, thí sinh Võ Giáp bị đánh trượt do vấn đề “tư tưởng”, vì bài luận đụng chạm đến những vấn đề “nhạy cảm” của chế độ Thực dân - Phong kiến.
“Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tấm gương về sự vượt khó để theo đuổi sự nghiệp học hành. Không chỉ khó khăn về tài chính, mà sự nghiệp học hành của Đại tướng còn vấp phải sự ngăn cấm của chế độ cũ, nhưng Đại tướng đã vượt qua tất cả. Sau này, khi nhắc nhở con cháu trong gia đình về chuyện học hành, Đại tướng luôn truyền cảm hứng bằng chính những câu chuyện của bản thân mình”.
Ông Võ Đại Hàm
Không từ bỏ con đường học hành, kỳ thi tiếp theo (1925) thí sinh Võ Giáp đứng thứ nhì toàn khoá của Trường Quốc học - Huế. Trong 2 năm học ở Trường Quốc học, hàng tháng trò Giáp luôn đứng đầu, chỉ duy nhất 1 tháng đứng thứ nhì. “Mặc dù nhà ông cụ thân sinh Đại tướng có ruộng Tiên Điền (ruộng làng cấp cho người có công với làng xã) nhưng cũng không đủ ăn. Gia đình Đại tướng vẫn thường xuyên vay nợ lúa gạo của hàng xóm để sinh sống. Hai anh em Võ Giáp vào học được ở trường Quốc học là nhờ sự chu cấp từ hai người chị gái. Mặc dù còn nhỏ tuổi, nhưng hai người chị gái của Đại tướng đã phải theo đò từ Lệ Thủy về Đồng Hới để buôn bán những sản vật quê nhà, dành dụm tiền nuôi hai em ăn học - ông Hàm kể.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp Năm 1936 (Nguồn ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) |
Trong thời gian học tại Huế, cậu thanh niên Võ Giáp đã may mắn gặp được nhiều nhà tư tưởng lớn như Phan Bội Châu, Nguyễn Chí Diễu, Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Khoa… “Những lúc rỗi, trò Giáp lại chạy sang đọc sách và trò chuyện về những vấn đề quốc kế, dân sinh với cụ Phan Bội Châu. “Ông già Bến Ngự” rất quý trò Giáp và từng hứa sẽ bàn giao lại toàn bộ sách vở của mình cho trò Giáp. Tuy nhiên, khi cụ Phan qua đời thì cậu thanh niên Võ Giáp đã sang Trung Quốc hoạt động Cách mạng” - ông Hàm kể.
Theo ông Hàm, thời gian Đại tướng Võ Nguyên Giáp học ở Quốc học rất ngắn, chỉ 2 năm. Mặc dù còn nhỏ tuổi, nhưng Đại tướng luôn là người đứng đầu, dẫn dắt các phong trào yêu nước trong giới trí thức, học sinh tại Huế. Năm 1927, Võ Giáp bị nhà trường đuổi học, do tổ chức tổng bãi khoá rầm rộ để phản đối việc Nguyễn Chí Diễu bị nhà trường đuổi học.
Về nhà được gần 1 năm, bỗng nhiên một hôm Nguyễn Chí Diễu lặn lội từ Huế về làng An Xá tìm gặp bạn đồng môn Võ Giáp. Nguyễn Chí Diễu mang theo một tập tài liệu về “Liên đoàn các dân tộc bị áp bức trên thế giới” và một số văn kiện cuộc họp của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội ở Quảng Châu, trong đó có 2 bài phát biểu của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Có lẽ đó là sợi dây đầu tiên nối liền số mệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự nghiệp Cách mạng Việt Nam.
Tờ báo tiếng Pháp Le travail, nơi Đại tướng viết nhiều bài báo trong thời kỳ hoạt động bí mật ở Hà Nội (Nguồn ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) |
“Không biết hai cụ (Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Chí Diễu - PV.) đã nói với nhau những gì trong lần gặp đó, mà không lâu sau Đại tướng quay lại Huế làm ở Nhà xuất bản Quan Hải Tùng thư, một nhà xuất bản do các nhà Cách mạng sáng lập và làm báo. Năm 1930, Đại tướng bị bắt cùng với nhiều nhà cách mạng, trong đó có cả người yêu là Nguyễn Thị Quang Thái và em trai Võ Thuần Nho trong sự kiện Xô Viết - Nghệ Tĩnh.
Từ chối học bổng của người Pháp
Bị giam cầm 3 năm, Đại tướng được nhà cầm quyền tha tù nhưng cấm ở lại Huế. Ông rời Huế ra Hà Nội tiếp tục con đường Cách mạng của mình. Ở Hà Nội, Đại tướng tham gia làm báo và dạy trường Tư thục Thăng Long, đồng thời theo học ngành Luật và Kinh tế. “Tại sao lại có trường Tư thục Thăng Long mà Đại tướng lại được vào đó dạy?
Là vì trường Tư thục Thăng Long trước là của một người Pháp thành lập, ở Hàng Cót. Nhưng không hiểu thế nào những năm ấy, người sáng lập lại rao bán ngôi trường này. Lúc đó cụ Hoàng Minh Giám và cụ Đặng Thai Mai hùn vốn mua lại và đưa giáo viên mình vào dạy, thay thế người Pháp. Cụ Đặng Thai Mai đã mời Võ Nguyên Giáp vào dạy môn Lịch sử và Địa lí” - ông Hàm kể.
Ông Hàm cung cấp: Học trò ở Trường Tư thục Thăng Long rất yêu quý thầy giáo Võ Nguyên Giáp. Bài giảng của ông luôn truyền cảm hứng cho học trò của mình về tư tưởng Cách mạng, tinh thần yêu nước, yêu độc lập, tự do. Đặc biệt, trong các bài giảng về lịch sử thế giới, thầy giáo Võ Nguyên Giáp có thể đồ hoạ các trận đánh lớn của Napoleon, sôi nổi nói về những chiến thắng của Cách mạng các nước trên thế giới… “Thầy Võ Nguyên Giáp muốn học trò của mình hiểu rằng, Việt Nam cũng có thể thoát ách nô lệ của Thực dân - Phong kiến, nếu chúng ta cùng nhau đoàn kết, tranh đấu cho độc lập, tự do” - ông Hàm nói.
Theo ông Hàm, để hoàn thiện bậc Trung học còn dang dở ở trường Quốc học - Huế, Võ Nguyên Giáp đã xin vào học ở Trường Trung học Albert Sarraut, một trường trung học nổi tiếng do người Pháp thành lập, chuyên đào tạo con em người Pháp và con em quan chức bản địa của xứ Đông Dương. Tại đây, Đại tướng học rất giỏi, ông hiệu trưởng người Pháp đã dành một suất học bổng để Đại tướng sang Pháp học.
“Ông ấy gọi trò Giáp lên và đề nghị trò Giáp sang Pháp học theo suất học bổng dành cho những học sinh xuất sắc nhất của trường. Tuy nhiên, lúc ấy Đại tướng đã chọn con đường làm Cách mạng nên cảm ơn vị hiệu trưởng người Pháp và từ chối không nhận suất học bổng này. Sự kiện trò Giáp được người Pháp ưu tiên suất học bổng trong trường nhiều người biết. Sau này có người thêu dệt, đồn thổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là con nuôi mật thám Pháp là vì thế” - ông Hàm nói.
Ông Hàm cho biết thêm, mặc dù bận rộn với các hoạt động của Cách mạng, cùng với thu nhập ít ỏi từ dạy học và làm báo, nhưng Đại tướng vẫn theo học ngành Luật và Kinh tế. Năm 1937, ông nhận bằng Cử nhân Luật. Năm 1938, ông đành bỏ dở chương trình năm thứ tư về Kinh tế Chính trị và không lấy bằng Luật sư. (còn nữa).
Ông Võ Đại Hàm, người cháu thúc bá gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng ông, là người được “chọn” trông coi ngôi nhà tuổi thơ của Đại tướng ở làng An Xá, xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ (Quảng Bình) như một “cuốn sử sống”, nắm giữ nhiều “bí mật” đời thường của gia đình Đại tướng.