Tướng sĩ hòa chung dòng máu
Với Thiếu úy quân nhân chuyên nghiệp Trần Văn Tiệp, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 7 (Trung đội 13, Đại đội vệ binh 3, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 144), quãng thời gian là chiến sĩ đeo quân hàm binh nhất làm nhiệm vụ canh gác, bảo vệ Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong những năm tháng cuối cùng của ông là niềm vinh dự lớn đối với anh.
Thiếu úy Trần Văn Tiệp nhớ lại: Sau khi kết thúc huấn luyện tân binh và qua khóa huấn luyện nghiệp vụ tại Tiểu đoàn 1, anh được biên chế về Trung đội 4, Đại đội vệ binh 4 làm nhiệm vụ canh gác, bảo vệ Khoa A11 trong Bệnh viện T.Ư Quân đội 108. Tại đây, anh đã chứng kiến các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhiều tướng lĩnh cấp cao trong Quân đội tới thăm khám và điều trị tại Khoa A11. Và người để lại cho anh ấn tượng sâu sắc cùng kỷ niệm khó quên nhất là Đại tướng của Nhân dân - Vị Tổng tư lệnh kính yêu được quân dân cả nước và bạn bè quốc tế cảm phục, kính trọng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết lời giới thiệu cho cuốn lịch sử kỷ niệm 45 năm ngày truyền thống Lữ đoàn 144 (1951-1996) |
Ngày 6/9/2013, trong khi Thiếu úy Trần Văn Tiệp đang đảm nhiệm ca gác từ 19 giờ đến 21 giờ thì sức khỏe của Đại tướng không được tốt, cần được tiếp thêm máu. Ngay lập tức, Trung đội trưởng Nguyễn Tiến Ngành tập trung đơn vị thông báo tình hình. Không ai bảo ai, tất cả đồng thanh tình nguyện được hiến máu cho Đại tướng điều trị. Sau đó, cả trung đội được đi thử máu để tìm ra người có thể cho máu giúp Đại tướng duy trì sự sống.
“Thật may mắn và vinh dự khi cả trung đội chỉ có tôi và đồng chí Nguyễn Văn Ngọc có nhóm máu phù hợp với Đại tướng. Khi các y bác sỹ thông báo Đại tướng đã qua cơn nguy kịch, anh em chúng tôi xúc động rưng rưng. Cá nhân tôi càng cảm thấy tự hào hơn khi mình được hòa chung dòng máu với vị tướng huyền thoại của dân tộc”, Thiếu úy Tiệp xúc động nói về khoảnh khắc anh vẫn nhớ như in.
Tới tận bây giờ, mỗi khi có ai đó nhắc đến Đại tướng thì những ký ức về một thời được làm nhiệm vụ canh gác, bảo vệ cho Đại tướng trong những năm tháng cuối đời lại ùa về trong tâm trí Thiếu úy Tiệp. Anh nói: “Sau khi Đại tướng qua đời ít lâu, tôi và đồng chí Nguyễn Văn Ngọc được cấp trên tạo điều kiện tham gia đoàn công tác của Lữ đoàn vào Quảng Bình viếng mộ ông. Trước phần mộ Đại tướng, tôi lặng đi hồi lâu và xin hứa quyết tâm phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”.
Tháp tùng Đại tướng xem văn nghệ
17 năm thực hiện nhiệm vụ đặc biệt, bảo vệ tuyệt đối an toàn tại khu vực Khoa A11 của Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, Trung tá quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Tiến Ngành (Trung đội trưởng Trung đội 16, Đại đội vệ binh 3, Tiểu đoàn 1) là một trong số ít quân nhân của Lữ đoàn 144 được ở gần Đại tướng lâu nhất. Khi đó, Trung tá Ngành mới được điều động về nhận nhiệm vụ và giữ chức Trung đội phó rồi quyền Trung đội trưởng Trung đội 9, sau đổi phiên hiệu thành Trung đội 4 và nay là Trung đội 16.
Trung tá Ngành kể: Giữa năm 2005 đến năm 2009, Đại tướng thường đến Khoa A11 khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ. Lần nào tới đây, ông cũng ân cần hỏi thăm các y bác sĩ và những người lính cận vệ về cuộc sống gia đình và công việc. Từ năm 2009, Đại tướng nằm điều trị tại phòng 207 trên tầng 2, Trung tá Ngành và đồng đội được tiếp xúc với ông nhiều hơn.
“Lúc Đại tướng đi dạo trên hành lang tầng 2 hay khi xuống tầng 1 để làm các xét nghiệm kiểm tra sức khỏe, khi đi qua mục tiêu gác, gặp chúng tôi đứng nghiêm chào theo điều lệnh, Đại tướng đều mỉm cười, giơ tay chào đáp lễ và ân cần nói “Chào đồng chí!”, dù chúng tôi chỉ là những người lính binh nhất, binh nhì”, Trung tá Ngành chia sẻ.
Bức ảnh vô giá chụp cùng Đại tướng được Trung tá Nguyễn Tiến Ngành treo trang trọng trong nhà |
Cũng trong thời gian này, khi tiếp xúc nhiều với Đại tá Nguyễn Văn Lợi -người bảo vệ trực tiếp Đại tướng, Trung tá Ngành được nghe kể nhiều câu chuyện về tài thao lược của vị Tổng tư lệnh tối cao trong các trận đánh vang lừng chiến địa. Đặc biệt là việc kéo pháo ra trong chiến dịch Điện Biên Phủ là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Không chỉ có vậy, những đức tính cao đẹp nhưng rất đỗi bình dị trong đời thường và khi nắm giữ những cương vị khác nhau qua lời kể của những người thân cận với ông khiến anh càng thêm cảm phục Đại tướng.
Một buổi chiều tháng 2/2009, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 tổ chức liên hoan văn nghệ quần chúng chào mừng ngày Thầy thuốc Việt Nam. Chủ nhiệm Khoa A11 nói với Trung tá Ngành: “Chiều nay khoa có tiết mục văn nghệ, đồng chí cho bộ đội tháp tùng Đại tướng đến hội trường để cổ vũ nhé”.
Quá đỗi bất ngờ và vui sướng, Trung tá Ngành vội báo cáo xin phép cấp trên và thông báo cho anh em trong trung đội biết. Nghe tin được trực tiếp tháp tùng Đại tướng, cả trung đội đều háo hức. Những người có may mắn hôm ấy đều chuẩn bị kỹ về tác phong, chọn cho mình bộ quần áo đẹp nhất, là lượt phẳng phiu, đánh giày sạch sẽ và hồi hộp chờ đến giờ được gặp Đại tướng.
“Chúng tôi đứng hai hàng nghiêm chỉnh dưới sảnh tầng 1 chờ đón. Thế rồi Đại tướng xuất hiện trong bộ quân phục uy nghiêm với đôi mắt sáng như ánh sao, dù tuổi đã cao và sức khỏe giảm sút nhiều. Chúng tôi giơ tay chào theo điều lệnh, sau đó đứng im như tượng, không ai nói được điều gì vì quá xúc động. Đại tướng cười hồn hậu và nói: “Chào các đồng chí, các đồng chí có khỏe không?”. Mọi người lúc đó như bừng tỉnh, đồng thanh trả lời: “Chúng cháu khỏe ạ!”. Đại tướng lại cười vui: “Chúng ta đi cổ vũ văn nghệ nào”, Trung tá Ngành kể.
Sau buổi văn nghệ, trên đường dìu Đại tướng về Khoa A11, Trung tá Ngành cùng đồng chí Nhung điều dưỡng của Khoa A11 may mắn được một cán bộ của bệnh viện chụp lại khoảnh khắc ấm áp này. Anh đã treo bức ảnh vô giá trong đời quân ngũ ở vị trí trang trọng nhất trong nhà mình suốt bao năm qua…
Có một chi tiết đủ nói lên niềm kính yêu vô hạn của những người lính cận vệ có vinh dự thay mặt cho toàn quân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Đại tướng, đó là các anh đều nhớ chính xác số ngày Đại tướng nằm viện kể từ năm 2009 đến ngày ông mất là 1.559 ngày. Con số hơn 1.500 ngày ấy, đồng nghĩa với 18.708 ca gác và vô vàn những lo lắng, thương yêu mà các anh dành cho Đại tướng.
(còn nữa)