Cô gái có cái tên mĩ miều, Ngọc Diễm, song cuộc đời lại không giống như tên. Diễm bị khuyết tật bẩm sinh, mọi sinh hoạt đời thường đều phụ thuộc vào người khác. Cô chưa từng được cắp sách đến trường, mày mò tự học, đến nay chỉ có thể đọc chậm, viết chậm, tính toán chậm… Người chưa từng mơ về “ngôi nhà và những đứa trẻ” lại gặp được người kiên trì mở khóa trái tim. Minh Trí, một chàng trai khỏe mạnh, phong trần, đã chinh phục được người con gái thiếu niềm tin ở tình yêu và hôn nhân.
Bỏ quê, bỏ việc thu nhập khá để “cắm rể”
5 năm trước, vào một ngày mưa gió mịt mùng, Ngọc Diễm và Minh Trí lần đầu gặp nhau tại thị trấn Long Thành, tỉnh Đồng Nai: “Chúng tôi đã nói chuyện qua điện thoại, giao lưu trên mạng xã hội vài năm. Bữa đó sinh nhật nhóm khuyết tật của Diễm nên Diễm hẹn tôi và mấy chàng khác tới. Tôi chạy xe máy trong mưa xối xả gần mấy chục cây số bám theo nàng đang ngồi trên xe hơi với nhóm khuyết tật”, Minh Trí kể.
Trước khi đến với Ngọc Diễm, chàng trai sống ở huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An đã có nghề nghiệp ổn định với thu nhập khá. Anh làm nghề cơ khí tàu biển, mỗi tháng thu nhập từ 20-30 triệu đồng. Như nhiều chàng trai có thu nhập ở quê, Trí chi tiêu phóng khoáng, yêu đương rộn ràng. Diễm không phải người con gái đầu tiên của Trí nhưng lại là người đầu tiên khiến chàng trai phong trần bỏ nghề, bỏ quê kiên quyết đeo bám.
Nhắc đến cuộc hẹn đầu, Trí bỗng sôi nổi: “Đã quen với công tác thiện nguyện nên tôi không bất ngờ, cũng không ái ngại trước người khuyết tật. Song với Diễm, ngay khi chạm mặt, tôi đã có cảm giác thật đặc biệt. Giữa buổi gặp, tôi phải tham gia một công việc thiện nguyện khác nên tạm biệt Diễm.
Trước khi chia tay, tôi chỉ mang theo 200 ngàn đồng và chiếc điện thoại, còn bóp đựng tiền, lúc ấy còn hơn 30 triệu đồng, tôi đưa Diễm giữ hộ, như một cách làm tin. Hoàn thành việc thiện nguyện, tôi quay lại Long Thành, trời vẫn mưa. Diễm thương tình cho tôi về nhà mình ở tạm một hôm. Nhưng tôi không ở nhờ một buổi mà lây nhây suốt cả tuần”.
Suốt một tuần bên nhau Trí không ngỏ lời yêu Diễm nhưng khi chia tay anh hôn trộm vào má cô, thay lời muốn nói. Mối quan hệ của Diễm - Trí không được người thân ủng hộ.
Mẹ Trí ở quê tuyên bố: “Mày có thể lấy bất cứ ai, trừ nó”, thậm chí dọa từ con. Trí bỏ quê hương, bỏ công việc mang lại thu nhập tốt, lên Sài Gòn lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Anh thuê nhà trọ, chấp nhận làm phụ hồ với lương tháng chưa đầy 10 triệu đồng. Thoát khỏi vòng kiểm soát của mẹ, cứ chiều thứ 7 Trí lại về huyện Đức Hòa, tỉnh Long An thăm bạn gái.
Người thân duy nhất ủng hộ chuyện tình của Trí - Diễm, chính là mẹ của Diễm. Thương Trí vất vả đi về giữa Sài Gòn - Long An, bà bảo Trí cứ chuyển hẳn về nhà bà sống rồi tìm một công việc khác để làm.
“Được lời như cởi tấm lòng”, Trí bỏ việc ở Sài Gòn về Đức Hòa, Long An “cắm rể”, tiếp tục với nghề phụ hồ vất vả. 7 giờ sáng Trí ra khỏi nhà, 6 giờ chiều anh trở về nhà, cùng ăn tối với mẹ Diễm và Diễm. Cha Diễm ăn riêng, ông không đồng ý chuyện tình của cô gái khuyết tật và chàng trai khỏe mạnh. Không ít lần ông đuổi Trí: “Ở chi mà ở hoài? Đi đi”.
Nhưng sự xua đuổi của cha Diễm không làm Trí chạnh lòng, chàng vẫn kiên quyết “cắm rể”, đến độ cha Diễm cũng nguôi dần. Ông chấp nhận chuyện tình của cả hai nhưng đưa ra điều kiện: Trí phải thuyết phục được gia đình đến nói chuyện, để sau đó làm mâm cơm ra mắt họ hàng, làng xóm. Trí không thể thực hiện điều kiện này. Anh là con trai một trong một gia đình không êm thấm. Cha mẹ anh trục trặc từ khi các con còn nhỏ. Mới 9-10 tuổi Trí đã phải đi bán vé số để lấy tiền mua sách vở và nuôi em gái mới vài tuổi. Anh là niềm tin, hi vọng của mẹ. Bà không muốn anh lấy một người vợ khuyết tật, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc chồng, lại không có khả năng sinh nở.
Vợ chồng Trí- Diễm trong đám cưới Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Khó khăn điệp trùng nhưng người muốn buông tay không phải Trí mà chính là Diễm. Cô chia sẻ, ngay trong gia đình, chứng kiến ba mẹ cơm không lành, canh không ngọt, cô đã giảm niềm tin ở hôn nhân. Hơn nữa, trước Trí, cũng đã có một vài chàng trai đến với cô.
Một mối tình sâu đậm đã thành vết xước trong trái tim cô: “Người ta cũng siêng đến nhà tôi, như anh Trí vậy. Người ta nói, người ta từng có vợ nhưng đã li dị rồi. Sau này, gia đình tôi bí mật điều tra mới biết, anh vẫn đang có vợ”.
Diễm chưa từng được đến trường, từ bé đến lớn thui thủi một mình, cô làm bạn với Zalo, Facebook, ti-vi, đài. Cô đã từng kể chuyện tình buồn của mình trong một chương trình trên đài phát thanh và công khai số điện thoại. Trí chính là khán giả của chương trình ấy. Anh đã ghi lại số điện thoại của Diễm, từ đó làm quen với cô. Khi chuyện tình của Trí -Diễm vấp phải rào cản lớn, chính Trí đưa bờ vai để Diễm tựa vào.
Sau ngày mẹ Diễm bị tai biến, em trai Diễm là người thay mẹ chăm sóc chị gái. Trí xuất hiện và lại thay em trai Diễm phục vụ Diễm hàng ngày. Lần đầu vệ sinh cá nhân cho bạn gái, Trí cũng mắc cỡ, Diễm cũng mắc cỡ. Nhưng không sự ngại ngùng hay vất vả nào cản trở được chuyện tình của đôi trẻ.
Năm 2018, sau gần 1 năm yêu nhau, họ kết hôn trong một đám cưới tập thể dành cho người khuyết tật tại TP.Hồ Chí Minh. Trí - Diễm chọn điểm hẹn đầu tiên, thị trấn Long Thành, Đồng Nai, là nơi sinh sống và lập nghiệp. Diễm bắt đầu mưu sinh bằng nghề bán vé số, cái nghề mà thời niên thiếu chính chồng cô, Minh Trí, đã từng làm.
Cho đi là còn mãi
Trí không mảy may ý nghĩ muốn làm “anh hùng” hay người tử tế trong cuộc sống xô bồ hôm nay, bằng chuyện tình với cô gái khuyết tật, hơn anh 3 tuổi. Mới mấy hôm trước, trên trang cá nhân anh còn dùng lời lẽ có màu giang hồ với kẻ đã bắt nạt Diễm, khi cô đi bán vé số. Trí nói, đã có lúc anh tự hỏi mình, liệu có nên vào nhà thương điên? Bởi chính anh không giải thích được vì sao lại chọn Diễm mà không phải cô gái nào khác?
Nhưng ngẫm kỹ, Trí lại thấy mình đã lựa chọn đúng: “Sự thật nhiều người con gái lành lặn chưa chắc đã mang lại hạnh phúc. Đơn giản thế này, nếu vợ lành lặn, chồng lành lặn, hai vợ chồng làm hai múi giờ khác nhau, sẽ không thể ngồi cùng nhau ăn một bữa cơm”.
Với Trí, hạnh phúc bắt đầu từ những điều giản dị. Chỉ cần nghe tiếng cười của Diễm, chỉ cần nằm bên nhau chia sẻ chuyện trong ngày, cũng đủ giúp Trí thấy ấm áp.
Trong mắt anh, Diễm thật ngọt ngào: “Cô ấy nhõng nhẽo, nũng nịu khác với người con gái bình thường. Cuối tuần, tôi hỏi, em muốn ăn gì? Cô ấy bảo không muốn ăn gì mà trong bụng lại thèm món gà rán. Tôi đoán được ý nghĩ nên lại mua cho cô ấy”. Ngày lễ nào Trí cũng đều nhớ tặng quà cho vợ, ngay cả Tết thiếu nhi.
Vợ chồng Ngọc Diễm cùng bạn bè |
Cũng có lúc Diễm làm Trí giận. Khi ấy, Trí sẽ bỏ ra ngoài với bạn bè một lát rồi lại quay về. Sốt ruột với người vợ không thể tự xoay sở khiến nỗi giận trong Trí cũng tan biến. Ở thị trấn Long Thành, Đồng Nai, Trí đã tìm được công việc nhẹ nhàng hơn phụ hồ, anh bán hàng cho một công ty chuyên đồ nội thất.
Nhưng trước khi ký hợp đồng, Trí đã thỏa thuận với ông chủ: “Em sẽ làm đủ 8 tiếng/ngày nhưng khi vợ gọi phải cho em về nhà”. Nếu chủ không chấp nhận, anh đành tìm việc khác. Nhưng may sao người chủ ấy đã thông cảm với hoàn cảnh của Trí. “Cô ấy không thể tự vệ sinh cá nhân nên đang đi làm tôi cũng phải quay về”, Trí giải thích.
Đã 5 năm trôi qua, từ ngày “cắm rể” đến bây giờ, Trí chưa từng than vãn hay cáu gắt vợ. Họ dự định năm tới khi tình hình tài chính ổn định hơn sẽ nhận con nuôi. Họ đều yêu con nít, Trí cũng không muốn nghe người ta buông lời nghiệt ngã với vợ mình: “Cây độc không trái, gái độc không con”.
Mẹ chồng coi con dâu như con gái
Diễm kể, cô đã được thăm quê chồng, mẹ chồng Diễm giới thiệu với họ hàng: “Diễm là con dâu tôi đó”. Nhưng ở trong nhà bà nhận Diễm là con gái. Bà lo Trí nông nổi, lo một ngày nào đó Trí sẽ bỏ Diễm ra đi như người đàn ông của bà từng bỏ rơi bà và các con… Nỗi lòng người mẹ trăm mối, Diễm không trách mẹ chồng, chỉ cố gắng tặng bà một đáp án đẹp, bằng cách sống vui cùng Trí. Người phụ nữ không thể đi lại này lại chính là người đã giúp Trí bớt bồng bột, biết lo toan, biết tích cóp. Xung quanh Trí vẫn có những “bóng hồng” đeo bám nhưng Diễm không lo vì Trí nói: “Bám Trí có được gì đâu? Trí không phải đại gia. Trí chẳng có gì, ngoài hai bàn tay trắng”.
Trí- Diễm biết chặng đường phía trước còn dài. Cả hai không dám hứa hẹn điều gì với nhau. Trí không dám hứa sẽ nắm tay Diễm đến cuối con đường, không thề ước sống với nhau đầu bạc răng long. Diễm cũng nói với Trí: “Khi nào hết yêu em rồi, hãy nói cho em biết, em sẽ trả lại tự do cho anh. Đừng gian dối sau lưng em. Nếu anh làm thế em sẽ đau lắm!”. Ngày trước, khi còn độc thân, thu nhập 20-30 triệu đồng/tháng, có khi Trí chỉ để dành được 1 triệu. Nay thu nhập của anh chỉ 10 triệu đồng mà vẫn dành được vài triệu mỗi tháng: “Tiền vợ bán vé số để chi tiêu ăn uống, thu nhập của tôi để trang trải mọi thứ và tích lũy”, Trí bảo.
Dù còn ở nhà trọ, thu nhập không dồi dào, Trí vẫn bỏ ra vài trăm ngàn đồng mỗi tháng để làm từ thiện: “Một người vợ lành lặn chưa chắc đã thông cảm khi tôi đi phát cơm từ thiện. Diễm cũng yêu thích những hoạt động từ thiện nên luôn động viên và ủng hộ tôi”, anh tâm sự. Người chồng đặc biệt tiết lộ tuổi thơ bão tố của anh: “Khi 3-4 tuổi, tôi mắc bạo bệnh. Ngoại phải bán đất, bán vàng để tôi có điều kiện chữa bệnh. Chỉ đến khi gặp ba nuôi tôi, bệnh tôi mới khỏi. Ba nuôi tôi hành nghề bốc thuốc nam, ông bốc thuốc cho tôi nhưng không lấy tiền. Dù hồi đó, ba nuôi tôi không có quan hệ đặc biệt nào với gia đình tôi. Sau này, khi tôi lớn lên, thường xuyên qua lại nhà ba nuôi. Có lần, tôi hỏi ông: Tại sao ba bốc thuốc cho con mà không lấy tiền? Ba cười, bảo: Cuộc sống mà con. Giúp được ai cứ giúp. Cho đi là còn mãi”. Trí ít đọc sách, học đến giữa lớp 12 đã bỏ học lao vào đời, hành trang vào đời của anh chỉ có câu nói của ba nuôi: “Cho đi là còn mãi”.