Chợ nổi về đâu? - Bài 1:

Mong manh đời chợ nổi

Chợ nổi Cái Răng. Ảnh: Duy Khương.
Chợ nổi Cái Răng. Ảnh: Duy Khương.
TP - Người dân đồng bằng sông Cửu Long sống gắn liền với sông nước mà manh nha từ chợ nổi đầu thế kỷ 19, hình thành và phát triển ở thế kỷ 20.

Từ ngày thống nhất đất nước 30/4/1975, chợ nổi được nhân rộng khắp nơi trở thành điểm du lịch thu hút du khách. Tuy nhiên, gần đây, nhiều chợ nổi lừng danh teo tóp dần. Hiện thời, sầm uất chỉ còn chợ nổi Cái Răng cách trung tâm thành phố Cần Thơ chục cây số, nhưng tương lai chưa biết trôi về đâu.

Linh hồn của chợ nổi là những người buôn bán, cuộc sống gắn chặt với con nước lớn ròng suốt ngày đêm. Nhưng họ, cho đến nay vẫn là những thân phận nhỏ nhoi, bấp bênh, hầu hết vô định như những chiếc ghe cũ kỹ, đối diện nhiều hiểm nguy.

Buôn bán cho “cò ăn”

Sáng sớm, mặt trời vừa hửng nắng, bà Trịnh Thị Điệp ngồi trên chiếc ghe bồng bềnh trên chợ nổi Cái Răng bán bún riêu. Chợ nổi buổi sớm nhộn nhịp tiếng rao hàng, cảnh mua bán của thương hồ, khách du lịch tham quan. Chiếc ghe của bà Điệp trọng tải chưa được một tấn đã cũ kỹ, đóng thêm tấm ván mỏng cao gang tay để be cho nước đỡ tạt vào. Bà cho biết, ghe mua lại 3 triệu đồng hơn chục năm trước, nay mục rồi, đang gắng dành tiền mua ghe mới. “Sau lần bị sà lan đâm chìm hồi tháng 8 vừa qua ghe đã nứt nhiều chỗ. Hôm đó, may có ghe khác cứu sống, trong túi có được vài chục ngàn bán bún cũng trôi theo nước. Bây giờ, đi bán phải tát nước thường xuyên không thì chìm giữa sông”, giọng bà buồn bã.

Bà Điệp năm nay 67 tuổi, tóc đã bạc, da đen nhăn nheo, khi cười lộ hàm răng trống hoác. Đò chở khách du lịch chạy ngang gặp bà liền kêu lại, mua tô bún riêu. Trong lúc chờ khách ăn, bà lấy nón lá trên đầu xuống quạt. Bà tâm sự: “Hơn tháng nay, bán ế ẩm vì các nhà hàng nổi cạnh tranh chi hoa hồng cho lái tàu du lịch nhiều nên tụi tôi không bán được”.

Theo lời bà, 5 năm trước tô bún riêu giá chỉ 15.000 đồng. Khi nhà hàng nổi xuất hiện cũng bán bún riêu nhưng chi mỗi tô cho lái tàu du lịch (cò) 5.000 đồng, rồi lên 10.000 đồng. Bà kể: “Tôi hỏi lái tàu tại sao không ghé cho khách ăn bún của tôi mà chạy thẳng lên nhà hàng nổi. Họ nói nhà hàng chi hoa hồng một tô 10.000 đồng, bà có chi không. Sau đó, tôi đành phải bán cho khách mỗi tô 30.000 đồng để chi cho lái tàu 10.000 đồng. Tôi dậy từ hơn hai giờ sáng để nấu nướng rồi đi bán đến xế chiều mới về, lời hơn 100.000 đồng. Có khi bán không hết đem bún về ăn. Trong khi lái tàu chở hơn chục khách là kiếm nhiều hơn tiền lời của tôi rồi. Vậy mà làm không hài lòng là họ chạy thẳng lên nhà hàng nổi coi như mình đói. Bây giờ, “cò” đã ăn của nhà hàng nổi mỗi tô 13.000 đồng”.

Bà nhớ lại lần bán cho sinh viên bị lỗ mà giọng ấm ức: “Tàu du lịch chở 7 sinh viên đến tham quan chợ nổi. Các cháu thấy tôi liền tấp vô và hỏi giá bao nhiêu. Tôi biết tụi nhỏ chưa làm ra tiền nên gợi ý ăn tô 20.000 để khỏi phải chi hoa hồng. Hôm sau, lái tàu gặp tôi vẫn buộc nộp tiền “cò” 70.000 đồng, thế là bị lỗ nặng”.

Câu chuyện của bà Điệp khiến phóng viên Tiền Phong chú ý theo dõi. Đầu tháng 12, phóng viên thuê ghe nhỏ từ bờ ra chợ nổi Cái Răng, chưa đầy 2 giờ với giá 250.000 đồng, nhờ bà chủ đò tìm ghe bán bún riêu. Chạy một vòng, bà tấp vào ghe của vợ chồng trẻ từ Phong Điền, kêu 3 tô, ăn xong chủ bán bún nói 90.000 đồng. Trong lúc, chất lượng tô bún nếu trên bờ giá chỉ 15.000 - 20.000 đồng. Hỏi ra, được biết người bán bún phải chi tiền “cò” cho cả chủ đò. Như thế “cò” không chỉ là lái tàu du lịch mà còn là các chủ đò nhỏ và nói chung là ai dẫn khách tới mua bán. Bà Điệp than thở: “Mình muốn bán tô chỉ 20.000 đồng nhưng phải nâng lên 30.000 đồng để trả tiền cho “cò”, khách ăn kêu mắc, cảm thấy lương tâm day dứt lắm mà không biết làm sao”.

Mong manh đời chợ nổi ảnh 1

Bà Điệp bán bún riêu.

Cuộc sống lắt lay

Có chiếc tàu cao tốc chạy ngang, sóng vỗ làm ghe lắc lư, bà Điệp cố giữ chặt nồi nước súp đang sôi sùng sục. Bà kể, quê ở huyện Phong Điền ra đây sinh sống bằng nghề bán bún riêu từ năm 1968. Vợ chồng bà có 8 người con (5 trai, 3 gái). Các con học chưa hết lớp 3, lớn lên lấy vợ, gả chồng và đều sống quanh quẩn với chợ nổi.

Bà cho biết, trước đây cả gia đình sống ở nhà bè nhỏ, bị tàu cao tốc chạy ngang qua đánh chìm. Hàng xóm thấy tội nghiệp cất cho cái nhà sàn cặp sông ở được 5 năm để sinh sống cả 4 thế hệ gồm mẹ của bà, vợ chồng bà, vợ chồng con trai cùng 2 cháu nội. Thế nhưng, căn nhà vừa cháy rụi hôm 28/11/2015.

Vụ cháy nhà thiêu rụi cả căn nhà kế bên của con trai út Nguyễn Hồng Xinh. Hôm đó, sáng sớm bà và vợ chồng con trai út đi bán ở chợ nổi. Trong nhà chỉ có mẹ của bà là cụ Nguyễn Thị Mười năm nay 91 tuổi. Khi phát cháy, cụ Mười bò được ra ngoài, may mắn thoát nạn nhưng bị bỏng nặng, được người dân đưa vào Bệnh viện Đa khoa quận Cái Răng cấp cứu, nằm gần 10 ngày. Sau vụ cháy, chính quyền địa phương hỗ trợ gia đình bà 7 triệu đồng và nhu yếu phẩm, cho gia đình bà ở tạm trong căn nhà thuê trên bờ cạnh chợ nổi.

“Mình muốn bán tô chỉ 20.000 đồng nhưng phải nâng lên 30.000 đồng để trả tiền cho “cò”. Khách ăn kêu mắc, cảm thấy lương tâm day dứt lắm mà không biết làm sao”.

Bà Trịnh Thị Điệp

Tai họa quá lớn bên cạnh cuộc sống cũng có niềm vui nho nhỏ. Nhớ lại kỷ niệm vui, bà kể: “Khách nước ngoài đến ăn, họ nói xem trên mạng biết tôi bán bún riêu nổi tiếng ở đây nên tìm ăn thử, đúng là ngon thiệt. Có lần, tàu cao tốc chạy ngang, tôi bị sóng vỗ té xuống sườn ghe, bầm mình mẩy, may mà nồi nước súp không đổ lên người. Khách thấy vậy, ăn xong còn “bo” thêm mấy trăm ngàn”.

Ở chợ nổi, có nhiều gia đình lay lắt như bà Điệp. Gia đình chị Phan Thị Thu Hương, năm nay 37 tuổi. Chị Hương quê huyện Phong Điền, vợ chồng lấy nhau nhưng hai bên cha mẹ đều nghèo, nên mượn tiền mua cái ghe nhỏ chèo ra chợ nổi Cái Răng vừa làm nhà vừa chở thuê. Gia đình chị Hương lênh đênh ở chợ nổi đã trên 15 năm, có 2 con, đứa lớn học lớp 8 đã nghỉ học theo cha vô vườn chở dưa hấu thuê. Còn con gái Thu Thảo may mắn thoát chết trong một lần té sông.

Mong manh đời chợ nổi ảnh 2

Bé Thu Thảo trong chiếc ghe cũ. Ảnh: Hòa Hội.

Chị Hương dừng tay rửa chén trên chiếc ghe mong manh, kể: “Năm bé Thảo lên 5 tuổi, cũng trong lần tôi đang rửa chén phía sau như thế này, chồng tôi ngồi trước mũi, cháu ngồi giữa, lại té sông. Rửa chén xong, tôi nhìn vào không thấy con đâu nên hô hoán rồi phóng xuống sông mò tìm. Tôi quơ tay loạn xạ dưới nước một hồi, may túm được cổ áo nó đem lên bờ. Lúc đó, mắt nó gần đứng tròng, nhưng sơ cứu một hồi, nôn mửa nước ra ngoài rồi khóc ré lên, thoát chết”. Ở chợ nổi, trẻ té xuống sông là thường và nhiều trẻ không được may mắn như Thảo. Bé Thảo năm nay 11 tuổi, gương mặt sáng sủa, đã học lớp 5.

Cuộc sống lênh đênh sông nước có người buồn thê thảm như ông Sáu sửa cân, tên thật Nguyễn Văn Út, năm nay 69 tuổi, bị sông nước cướp đi 3 người thân là vợ và 2 con. Ông kể: “Vợ chồng có ghe 2 tấn, buôn bán khắp các chợ nổi. Một lần, đang chạy trên sông bị sóng đánh chìm, vợ tôi ôm chặt 2 con nhỏ, tôi cố kéo vợ con vào bờ nhưng nước chảy xiết nên kiệt sức. Tôi được ghe chài vớt lên bờ khi đã ngất xỉu”.

Sau tai họa, ông Sáu làm nghề sửa cân ở chợ nổi Cái Răng, cũng đã gần 30 năm. Trò chuyện một hồi, ông bước ra mũi bè, chỉ tay về nơi có đông ghe neo đậu, giọng não nề: “Mỗi năm, có trên dưới chục đứa trẻ ra đi trên đoạn sông này”. Tiếng ông tan ra trong gió loang mặt sông như một tiếng thở dài buồn nẫu ruột...

Chợ nổi Cái Răng từng được tạp chí Rough Guide của Anh bình chọn là một trong mười khu chợ ấn tượng nhất thế giới. Hằng ngày có 300 - 500 ghe, tàu, xuồng mua bán và khoảng 500 - 700 khách du lịch tham quan. Tuy nhiên, những năm gần đây hoạt động mua bán ngày càng tẻ nhạt, kém hấp dẫn. 

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.