Mong Luật Biểu tình sớm được ban hành

Luật sư Lưu Văn Đạt
Luật sư Lưu Văn Đạt
TP - Trao đổi với Tiền Phong, Luật sư Lưu Văn Đạt - Chủ tịch Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp Luật của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam bày tỏ mong muốn Luật Biểu tình sớm được ban hành, để góp phần giải tỏa bức xúc của người dân đồng thời tăng cường sự quản lý của Nhà nước.

> Đẩy nhanh sửa đổi Hiến pháp
> Đề nghị sớm có Luật biểu tình

Luật sư Lưu Văn Đạt
Luật sư Lưu Văn Đạt.

Phải có Luật

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Tư pháp cho biết Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề xuất xây dựng Luật Biểu tình và giao Bộ Công an chủ trì soạn thảo, ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

Tôi hoan nghênh quyết định đó của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Bởi vì, trước hết đây là quyền của công dân, một quyền rất quan trọng mà trong Hiến pháp của chúng ta đã ghi nhưng rất tiếc chúng ta vẫn chưa có văn bản nào quy định rõ, cụ thể về chuyện này.

Thực tế xã hội hiện nay cho thấy yêu cầu sự cấp thiết phải có Luật Biểu tình.

Nhưng, thực tế có tình trạng chúng ta vẫn có tâm lý rất e ngại khi nhắc đến hai chữ “biểu tình”, ông nghĩ sao?

Đúng là chúng ta bấy lâu vẫn có tâm lý rất e ngại chuyện biểu tình, nhưng bây giờ thấy được sự bức thiết rồi thì phải làm. Sự e ngại bấy lâu là cũng có cơ sở nhưng mình phải tính toán cả hai mặt, mặt lợi thì phát huy, mặt không lợi thì tìm cách hạn chế.

Ở đây, tôi đặt vấn đề là “phải có” chứ không phải chỉ là “nên có” Luật Biểu tình. Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân nên phải tạo điều kiện cho người dân nói lên ý chí nguyện vọng của mình một cách hòa bình, trong khuôn khổ pháp luật.

Tôi cho rằng biểu tình trong khuôn khổ pháp luật là hoạt động bình thường trong một xã hội. Người dân có quyền được bày tỏ cảm xúc, nếu không xã hội sẽ tiềm ẩn những xung đột bất ổn về lâu dài. Ví như vấn đề như thu hồi đất của dân để kinh doanh bất động sản thời gian qua, là vấn đề người dân rất bức xúc, người dân muốn bày tỏ sự bức xúc theo cách đúng luật với cơ quan chính quyền.

Tránh bạo lực

Theo ông, cơ quan soạn thảo nên có những bước bắt đầu thế nào để xây dựng Luật?

Theo tôi, cơ quan soạn thảo trước hết phải nhận định lại tất cả những vụ biểu tình tự phát từ trước đến nay, ít nhất là trong khoảng 5 năm trở lại đây. Từ việc tổng kết đó sẽ phần nào cho thấy thực trạng hiện nay của chúng ta.

Cần có sự nghiên cứu rất sâu sắc tất cả các khía cạnh liên quan những vụ biểu tình tự phát. Đây là vấn đề mới với chúng ta, ngoài nghiên cứu thực trạng tình hình của đất nước, chúng ta nên nghiên cứu các hình thức biểu tình ở nước ngoài để trên cơ sở đó ta rút kinh nghiệm và đưa ra được những cơ chế, luật lệ thích hợp.

Cá nhân ông rút ra được những điều gì qua việc quan sát những cuộc biểu tình tự phát của người dân trong thời gian qua?

Tôi cho rằng, nhất thiết biểu tình là phải hòa bình, không được gây ra những bạo lực từ tất cả các phía. Ở phía người dân, khi tham gia biểu tình không được kích động gây rối, ngược lại, phía các cơ quan chức năng cũng không được dùng bạo lực. Phải hết sức tránh để xảy ra bạo lực vì như thế chỉ đổ thêm dầu vào lửa.

Mặt trận Tổ quốc sẽ có tiếng nói như thế nào trong quá trình xây dựng Luật này?

Mặt trận Tổ quốc đại diện cho quyền lợi ích hợp pháp của người dân chắc chắn cần phải tham gia. Tôi nghĩ rằng, trong Ban soạn thảo nên có một thành viên của Mặt trận Tổ quốc. Còn khi hình thành dự án rồi thì cơ quan Mặt trận Tổ quốc chắc chắn sẽ phải thảo luận, bàn bạc và góp ý thêm.

Cá nhân tôi rất mong Luật này sớm được ban hành để góp phần giải tỏa nhiều bức xúc của người dân đồng thời cũng tăng cường sự quản lý của Nhà nước một cách công khai, minh bạch.

Cảm ơn ông.

Cao Nhật

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG