Món tiết canh: Thưa vắng nội thành, rộn ràng ngoại thành

Món tiết canh: Thưa vắng nội thành, rộn ràng ngoại thành
Món tiết canh có vẻ đã thưa vắng tại các quán ăn nội thành Hà Nội sau một tuần Sở Y tế TP ban hành lệnh cấm bán. Tuy nhiên, nếu chịu khó ra khu vực ngoại thành là có liền.
Món tiết canh: Thưa vắng nội thành, rộn ràng ngoại thành ảnh 1
Cấm nhưng sao tiết canh vẫn bán vô tư? (ảnh chụp lúc 23h30, 5/11/2005 tại quán tiết canh ngan Cây Mít đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội)  

Vài ngày trước, ngõ Tô Hoàng – một con phố chuyên tiết canh ngan vịt còn tấp nập khách. Thế mà, chiều 5/11, chúng tôi lùng sục khắp dãy phố này mà không kiếm được hàng nào bán tiết canh. Mấy người bán hàng nhìn vẻ dò xét khi chúng tôi hỏi có tiết canh không.

Đi hỏi tiết canh khắp phố Mai Hắc Đế cũng không hàng nào có. Chủ quán phở số 109 lè lưỡi: “Bây giờ mà bán “nó” bắt chết!”

Quán Ngan Khoa nổi tiếng phố Hai Bà Trưng cũng thôi bán tiết canh. Dãy phở đêm khu Kim Liên (gần siêu thị Unimart) vẫn còn chữ “tiết canh vịt” ghi trên biển nhưng vào hỏi thì không có.

Cẩn thận hơn, có hàng lấy giấy dán đè lên chữ “tiết”, chỉ để lại mỗi chữ “canh”! Hàng phở, tiết canh vịt đường Phương Mai, ngay gần Viện Y học lâm sàng Các bệnh nhiệt đới thì hẹn khách hết mùa dịch quay lại ăn tiết canh cho đắt hàng. Chủ quán bảo: “Bây giờ làm ai ăn. Người ta sợ rồi!”.

Thế nhưng xuống đến khu Thanh Xuân Bắc thì khác. 22h30 đêm 5/11, chúng tôi tấp vào quán tiết canh ngan Cây Mít số 528 đường Nguyễn Trãi. Gọi tiết canh chủ quán “có liền”. Lúc sau bê ra một đĩa.

Tiết canh ở đây bán theo đĩa chứ không phải bát như nhiều hàng khác. Càng về đêm khách đổ về càng đông. Bàn bên cạnh hai thanh niên vừa kéo ghế đã “làm tí tiết cho đỏ nhỉ?”. Cái đĩa toen hoẻn có ít tiết nên loáng cái đã nghe cậu béo hơn gọi chủ quán cho thêm hai đĩa nữa.

Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy những hàng bún phở dọc đường Nguyễn Trãi và Nguyễn Quý Đức, quận Thanh Xuân, đa phần mở về đêm, tới tảng sáng mới đóng cửa. Những hàng này vẫn phục vụ tiết canh vì vẫn có nhiều người ăn.

Một cậu phục vụ cho biết mỗi đêm “chế” vài chục bát tiết hết veo, thậm chí có vị khách còn rên rỉ thèm quá mà ở nội thành mấy “ông” y tế thỉnh thoảng “sờ gáy” nên các quán không dám bán, phải lặn lội tận “vùng sâu vùng xa”.

Khách chủ yếu là cánh xe ôm và dân chơi đêm. Nhiều người nhận thức rất thấp về nguy cơ nhiễm cúm gia cầm từ tiết canh, dù các phương tiện thông tin đại chúng đã nói nhiều. Mấy cô tóc vàng chóe vừa thun thút ăn tiết canh vừa trêu nhau: “ăn đi cho H5N1 nó mọc đầy người”.

Như vậy là, vào giờ các thanh tra y tế đi ngủ, món tiết canh lại được bê ra.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Trưởng phòng Truyền thông, Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm, cho biết, ngoài nguy cơ nhiễm virus cúm H5N1, người ăn tiết canh còn có nguy cơ mắc nhiều bệnh nguy hiểm khác.

“Không có gì đảm bảo tiết canh bán tại các quán được lấy từ thủy cầm khỏe mạnh. Ăn tiết canh dễ bị nhiễm sán, một loại ký sinh trùng sống bám vào thành ruột và lưu thông trong máu”.

“Với tiết canh lấy từ gia cầm sạch, người ăn vẫn có nguy cơ mắc bệnh đường ruột do ô nhiễm trong quá trình chế biến như ô nhiễm vết cắt, phân, lông rơi vào bát tiết. Môi trường huyết cũng rất dễ cho các vi khuẩn gây bệnh như Ecoli, Shigela Staphinocoecus phát triển nếu bảo quản không cẩn thận” - ông Phong cảnh báo.

Những cửa hàng vẫn tiếp tục bán tiết canh khi đã có lệnh cấm của thành phố, nếu bị phát hiện sẽ bị xử phạt theo Nghị định 45 về phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Nếu để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

MỚI - NÓNG