Môi trường nông nghiệp, nông thôn chịu sức ép 'tứ phía'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo các chuyên gia, cần có giải pháp căn cơ giúp bảo vệ và phát triển môi trường nông nghiệp, nông thôn một cách bền vững, trước sức ép của quá trình phát triển, đô thị hoá cũng như biến đổi khí hậu.

Ngày 6/4, Khoa Tài nguyên và Môi trường - Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia về Môi trường nông nghiệp, nông thôn và phát triển bền vững.

Môi trường nông nghiệp, nông thôn chịu sức ép 'tứ phía' ảnh 1

PGS.TS. Trần Trọng Phương - Trưởng khoa Tài nguyên và Môi trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo.

Theo PGS.TS. Trần Trọng Phương - Trưởng khoa Tài nguyên và Môi trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, hiện môi trường nông nghiệp, nông thôn không những chịu sức ép trực tiếp từ hoạt động sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân nông thôn, mà còn chịu tác động từ hoạt động của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu vực đô thị lân cận. Đặc biệt, tình hình biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp, khó lường đã đe doạ trực tiếp tới chất lượng môi trường, cảnh quan thiên nhiên và sự phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn nước ta.

Môi trường nông nghiệp, nông thôn chịu sức ép 'tứ phía' ảnh 2Môi trường nông nghiệp, nông thôn chịu sức ép 'tứ phía' ảnh 3Môi trường nông nghiệp, nông thôn chịu sức ép 'tứ phía' ảnh 4

Các nhà khoa học báo cáo, trao đổi tại hội thảo.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã tập trung thảo luận 3 chuyên đề chính: Hiện trạng môi trường nông nghiệp, nông thôn và biến đổi khí hậu; ứng dụng khoa học, công nghệ trong bảo vệ môi trường; quản lý tài nguyên môi trường và phát triển bền vững.

Theo đó, nhiều nghiên cứu có tính mới và gợi mở giải pháp thực tiễn, những “kịch bản” để thích ứng với biến đổi khí hậu. Cụ thể, trong nghiên cứu về “Tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực của Việt Nam”, nhóm tác giả đã đưa ra khuyến nghị đẩy mạnh việc chuyển đổi phát triển nông nghiệp sang nền nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, phát thải cacbon thấp nhằm giảm phát thải khí nhà kính; nâng cao năng suất xuất và duy trì sự ổn định, bền vững cho hệ thống nông lương, đảm bảo an ninh lương thực.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp nhằm tối ưu hóa các điều kiện sản xuất, khai thác hiệu quả tài nguyên đất, nước và giảm thiểu tối đa phát thải khí nhà kính trong mọi hoạt động của sản xuất nông nghiệp.

Báo cáo nghiên cứu về “Hiện trạng phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và giải pháp thực hiện” của TS. Nguyễn Đình Đáp - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cũng gây chú ý hội thảo.

TS Đáp đã chỉ ra một số giải pháp nhằm nâng cao, phát huy hiệu quả việc phân loại chất thải rắn tại nguồn cần đến từ nhiệm vụ xây dựng hướng dẫn đối với công nhân thu gom... Cùng đó là thiết lập mạng lưới thu gom, phương tiện thu gom đảm bảo; áp dụng triệt để nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” thông qua phương thức thu phí.

Bất cập đào tạo nguồn nhân lực tài nguyên và môi trường

Theo GS.TS. Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng khoa học và Đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, muốn hướng đến sự phát triển bền vững, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực tài nguyên và môi trường thời kỳ 4.0 rất quan trọng và hết sức cấp thiết.

Hiện cả nước có khoảng gần 100 trường đại học, cao đẳng đào tạo các ngành, chuyên ngành tài nguyên và môi trường (chiếm khoảng 20%). Tuy nhiên, công tác đào tạo về lĩnh vực tài nguyên và môi trường vẫn còn mất cân đối giữa các ngành, các cấp đào tạo.

Nhiều lĩnh vực quản lý mới chưa được các cơ sở đào tạo quan tâm mở ngành đào tạo kịp thời. Hệ thống các cơ sở đào tạo cũng thiếu đồng bộ và chưa có tính liên thông, liên kết cao.

GS. Viên cho rằng, việc đổi mới đào tạo và nghiên cứu trong các cơ sở đào tạo cần được chú trọng nhằm thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Theo đó, cần đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo theo chuẩn của quốc gia và khu vực, có kiểm định và đánh giá chương trình đào tạo thường xuyên để cải tiến và nâng cao chất lượng.

Quá trình đào tạo nghề cần tăng cường kết nối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh có hoạt động liên quan đến lĩnh vực TN&MT, thực tập trải nghiệm, quản lý cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường tại các sở, phòng ban TN&MT.

Bên cạnh đó, cần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, tổ chức các hội thảo trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong nước và quốc tế về ứng dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực quản lý TN&MT.

MỚI - NÓNG