Mọi phương án đều khả thi và có lợi cho thí sinh

Thí sinh sẽ không quá nặng nề ôn thi thuộc lòng kiến thức. Ảnh: Hải Nguyễn (Lao Động)
Thí sinh sẽ không quá nặng nề ôn thi thuộc lòng kiến thức. Ảnh: Hải Nguyễn (Lao Động)
Đó là khẳng định của ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GDĐT) liên quan đến những băn khoăn, lo lắng của học sinh, giáo viên và cả phụ huynh về kỳ thi THPT quốc gia năm 2015. Giai đoạn này, Bộ GDĐT đang gấp rút hoàn thiện dự thảo Quy chế tuyển sinh 2015 và sớm công bố rộng rãi đến công chúng.

Tăng cơ hội đỗ ĐH cho thí sinh

Với cách thức dự thi 4 môn bắt buộc (để xét tốt nghiệp THPT), trung bình thi từ 5 - 6 môn thi và đặc biệt là thi nhiều nhất 8 môn thi, kỳ thi THPT quốc gia - 2015 hứa hẹn mang đến cho thí sinh nhiều cơ hội lựa chọn ngành nghề phù hợp để có “tấm vé” vào ĐH.

Ông Mai Văn Trinh khẳng định điều này khi cho rằng, nếu như trước đây thí sinh tham dự cả hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH phải tiến hành khoảng 7 lượt môn thi (4 môn thi thi tốt nghiệp và 3 môn thi ĐH - chưa kể những thí sinh lựa chọn nhiều đợt thi tuyển), thì với kỳ thi mới, mỗi thí sinh chỉ phải dự thi 4 môn bắt buộc, nhiều nhất là 8 môn thi và phổ biến sẽ là 5 hoặc 6 môn thi.

“Với các thí sinh tự do (đã tốt nghiệp THPT từ năm 2014 về trước) thì số môn thi còn giảm đi, do vậy áp lực thi cử sẽ giảm đi rất nhiều. Thí sinh và gia đình, xã hội sẽ giảm được chi phí cho kỳ thi” - ông Trinh cho hay.

Về điểm mới khá thu hút sự quan tâm của người thi là sau khi có điểm thi kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, thí sinh mới đăng ký xét vào các trường ĐH, CĐ muốn học, ông Mai Văn Trinh khẳng định, thí sinh sẽ tránh được rủi ro như trước đây là đạt điểm cao nhưng vẫn có thể trượt ĐH, đồng thời giúp các trường ĐH, CĐ tự chủ và linh hoạt trong việc tuyển sinh theo các khối thi, cho phép các trường tuyển được các thí sinh có năng lực sát hơn với ngành nghề đào tạo. Như vậy, cơ hội đỗ ĐH sẽ nhiều hơn với các thí sinh.

Ông Mai Văn Trinh cũng giải thích kỹ hơn về các loại giấy chứng nhận kết quả thi để giúp thí sinh và người thân định hình rõ hơn về quy trình đăng ký ngành nghề. Theo đó, sau khi có kết quả thi, căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh của trường ĐH, CĐ, thí sinh đăng ký tuyển sinh vào các trường theo nguyện vọng cá nhân.

Mỗi thí sinh được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi có mã vạch nhận dạng từng đợt xét tuyển và đóng dấu của trường ĐH chủ trì cụm thi. Thí sinh dùng các giấy chứng nhận kết quả thi này để đăng ký xét tuyển tối đa 4 đợt, mỗi đợt xét tuyển thí sinh chỉ được phép sử dụng một giấy với mã vạch tương ứng.

Đề thi: Giải tỏa khối nặng kiến thức

Cũng theo Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, đây là khoảng thời gian học sinh tập trung định hướng ôn thi tốt nhất để chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới. Vì vậy, cục đã sớm có những định hướng cơ bản ban đầu, giúp giải tỏa phần nào âu lo của các em.

Đề thi trong kỳ thi THPT quốc gia sẽ có định dạng tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014. Nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12.

Đề thi bao gồm các câu hỏi ở mức độ từ dễ đến khó, đáp ứng yêu cầu cơ bản, phù hợp với hầu hết thí sinh và yêu cầu nâng cao để phân hóa trình độ thí sinh.

Theo ông Mai Văn Trinh, thí sinh không quá nặng nề việc ôn luyện kiểu “nhồi nhét” kiến thức, không cần phải học thuộc lòng bài học quá nhiều mà quan trọng là vận dụng tư duy, sự sáng tạo để phân tích bài thi.

Liên quan đến thang điểm chấm thi, mới đây, tư lệnh ngành giáo dục - đào tạo - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận - đã khẳng định, nhiều khả năng sẽ vẫn giữ thang điểm 10 để tránh băn khoăn cho học sinh và giáo viên. Trước đó, dự thảo Quy chế tuyển sinh 2015 đưa ra phương án chấm thi thang điểm 20 gây nhiều tranh cãi.

Về tổ chức cụm thi, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận cho hay, các địa bàn khó khăn thuộc Tây Bắc và Tây Nguyên có những huyện rộng hơn cả một tỉnh ở đồng bằng, nếu TS chỉ có nguyện vọng thi tốt nghiệp, không sử dụng kết quả thi này vào xét tuyển ĐH và CĐ sẽ được tạo điều kiện thi tại địa phương.

“Tuy nhiên, cụm thi tỉnh vẫn được tổ chức giống với cụm thi liên tỉnh do các trường ĐH chủ trì. Một số trường ĐH sẽ được điều động tổ chức thi ở vùng khó khăn” - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói.

Theo Theo Lao Động
MỚI - NÓNG