Mỗi ngày đều được nói về Hoàng Sa…

Nhà trưng bày Hoàng Sa. Ảnh: Thanh Trần.
Nhà trưng bày Hoàng Sa. Ảnh: Thanh Trần.
TP - “Ðược tiếp cận hàng trăm tư liệu quý báu về Hoàng Sa với chúng tôi là niềm vinh hạnh. Ðược kể về Hoàng Sa mỗi ngày, làm chiếc cầu nối cho quần đảo này gần thêm với đất liền là một niềm tự hào”.

Đó là chia sẻ của những thuyết minh viên trong Nhà trưng bày Hoàng Sa (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng). Những bạn trẻ miệt mài “truyền lửa” Hoàng Sa, khơi dậy tinh thần dân tộc, tình yêu biển đảo trong lòng mỗi người.

Yêu Hoàng Sa nên có mặt ở đây!

Túc trực trước sảnh nhà trưng bày, cô thuyết minh vừa tròn 30 tuổi quê Vũng Tàu, Đào Thị Trúc Giang chốc chốc rùng mình vì gió lạnh. Đã vượt qua ba mùa đông Đà Nẵng, vậy mà những ngày hè này, ngồi hướng mặt ra biển hứng những trận gió bạt vào vô tội vạ chị phải rúm người lại. “Mùa đông ở vùng biển còn lạnh hơn giờ nữa, vậy nên mình chỉ mong đón nhiều khách tham quan để dẫn đi suốt ngày, để nói, để kể với họ về Hoàng Sa là ấm áp ngay thôi”. Vẻ háo hức ấy nguyên vẹn trong đôi mắt chị như ngày đầu được đứng trước hàng chục người thuyết minh về quần đảo thiêng liêng.

Cánh cửa nhà trưng bày mở ra chào đón chị,  nhưng chẳng hề dễ dàng. Để làm chiếc cầu nối Hoàng Sa với mọi người, chị cũng như các thuyết minh viên khác mất 6 tháng “luyện công” về Hoàng Sa. Ai cũng phải trang bị thêm cho mình những kiến thức, hiểu biết sâu rộng. Những câu chuyện ẩn nấp đằng sau hai tiếng thân thương ấy như một lực hút hấp dẫn họ tìm đến và bị  “nghiện” khi nào không hay. “Thú thực lúc đầu mình choáng ngợp trước khối lượng kiến thức khủng về biển đảo,  phải học ngày học đêm, đến nỗi Hoàng Sa “nhập” vào mình, vào cả bữa ăn giấc ngủ. Càng đọc lại càng thấy thân thương. Giờ mình chỉ biết, mình rất yêu Hoàng Sa, mình mới có mặt ở đây. Hoàng Sa là của mình, thì mình phải làm cho hết sức”, chị Giang nói.

Thuyết minh không phải “trả bài”, cứ nói thao thao bất tuyệt, mà còn thức tỉnh tư liệu, không để nó lặng thinh, vô hồn”. 

Chị Na đúc kết

Từ tầng hai lên đến tầng bốn, các thuyết minh viên rành rẽ Hoàng Sa như… chuyện nhà mình. Từng vị trí trên bản đồ cổ, tình hình tranh chấp, chiến sự cho đến Hoàng Sa hôm nay, họ thuộc nằm lòng. Đoàn khách tới thăm, ngay từ tầng đầu tiên, họ sẽ giới thiệu về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của quần đảo. Tiếp đó, Hoàng Sa trong thư tịch cổ Việt Nam trước và trong thời nhà Nguyễn (1802-1945). Rồi hàng loạt bằng chứng chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa từ năm 1945 - 1974, và từ 1974 đến nay. Toàn bộ thông tin cơ bản về quần đảo này được các bạn trẻ truyền đạt một cách đầy đủ, rõ ràng hấp dẫn cho du khách.

Từ ngày nhà trưng bày đi vào hoạt động đến nay, đoàn tới thăm nhiều nhất lên đến 100 người, là thầy cô, cán bộ giáo dục của TPHCM. Niềm vui của các thuyết minh trẻ tuổi không nằm ở con số, mà ở chỗ rồi đây, Hoàng Sa sẽ được các thầy cô giáo ấy tô đậm hơn trong từng bài giảng với học trò mình. Tôi hỏi các chị mỗi ngày đều đi lại trong khuôn viên nhà trưng bày, cùng nói về một câu chuyện, có “chán” không? “Mình được nói về quần đảo của Tổ quốc mình, giúp những ai còn mơ hồ hiểu thêm về Hoàng Sa, tự hào không hết chứ chán sao được! Hơn nữa mỗi lần chúng tôi thuyết minh cho một nhóm người khác nhau, cảm hứng bao giờ cũng đổi khác. Cho tới thời điểm này, mình vẫn nghĩ sẽ gắn bó dài lâu với nhà trưng bày Hoàng Sa”, chị Giang bày tỏ.

Mỗi ngày đều được nói về Hoàng Sa… ảnh 1 Ðể được đứng trước mọi người nói về Hoàng Sa, Trần Thị Lê Na đã dành rất nhiều thời gian tìm hiểu về quần đảo này, đồng thời phải học cách truyền đạt, khơi gợi cảm xúc cho người nghe. Ảnh: Thanh Trần.

Không để tư liệu lặng thinh

Ông Lê Tiến Công, Phó Giám đốc Nhà trưng bày Hoàng Sa nói rằng thuyết minh cho nhà trưng bày có tính đặc thù, bởi đây là bảo tàng chuyên đề, đòi hỏi tuân thủ thông tin khoa học từ đầu đến cuối, thuyết minh chuyên sâu từng tư liệu một. “Trọng trách của người thuyết minh rất cao, phải thuyết minh tốt, phải tạo nên câu chuyện, gợi xúc cảm để người xem không nhàm chán và cảm nhận được mọi không gian trong nhà trưng bày này đều là Hoàng Sa”, ông nói.

Giới thiệu xong tư liệu chứng minh chủ quyền, chị Trần Thị Lê Na (25 tuổi) cùng mọi người đứng thật lâu trước khu vực trưng bày những hình ảnh về hải chiến Hoàng Sa năm 1974. Giọng chị Na khi buồn buồn, khi thống thiết, kể: Ngày 19/1/1974, trong trận hải chiến với Trung Quốc, khi hạm trưởng HQ - 10 hy sinh, Thiếu tá Nguyễn Thành Trí anh dũng đứng lên điều động chiến hạm. Sau những giờ phút chiến đấu cam go với sự bao vây bởi hỏa lực đông đảo của địch, chiến hạm bị trúng đạn, Thiếu tá Trí cũng bị thương. Dù trọng thương, ông vẫn dồn hết sức mình để chỉ huy anh em. Vết thương trên người ông tiếp tục chảy máu xuống biển, phát hiện đàn cá mập đuổi theo vết máu, ông đã xin đồng đội thả mình xuống biển, nếu không cá mập cứ bám theo thì mọi người sẽ chết hết. Nhưng đồng đội không nỡ lòng nào bởi ông vẫn còn sống. Sau khi Thiếu tá Nguyễn Thành Trí trút hơi thở cuối cùng, không còn cách nào khác để bảo toàn lực lượng còn lại, mọi người đau đớn bỏ thân xác ông xuống biển. Một lát cắt hải chiến được chị Na thuật lại dựa trên câu chuyện từ một nhân chứng sống khiến mọi người có mặt không kìm được nước mắt.

Ngang qua những tấm hình giàn khoan HD 981, tàu cá ĐNa 90152 bị đâm chìm, cô thuyết minh nhắc lại hàng loạt hoạt động trái phép, ngang ngược của Trung Quốc trên biển bằng chất giọng trầm lắng chất chứa niềm phẫn uất. “Mỗi lần chúng tôi nhắc đến những người không tiếc máu xương ngã xuống vì biển đảo, những ngư dân - những cột mốc sống kiên gan bám biển bất chấp đâm va, vòi rồng… nhiều khách tham quan đã bật khóc. Tôi nghĩ như vậy mới được coi là thuyết minh thành công. Bởi thuyết minh không phải “trả bài”, cứ nói thao thao bất tuyệt, mà còn thức tỉnh tư liệu, không để nó lặng thinh, vô hồn”, chị Na đúc kết.

Mỗi đoàn khách ghé thăm, một nguồn vui cho ngôi nhà mang ý nghĩa chủ quyền hướng mặt ra biển Đông. Từ em nhỏ, cụ già, khách nước ngoài, nhà trưng bày luôn rộng cửa đón chào. Với những người truyền lửa Hoàng Sa ở đây, họ rất ấn tượng với ngư dân, sau chuyến ra khơi người chưa kịp bay mùi biển đã lật đật đến thăm nhà trưng bày. Những người đạp sóng xé gió ấy xem không bỏ tầng nào. Ai cũng bày tỏ mong muốn được nhìn thấy con tàu ĐNa 90152 được đưa về đây, để mỗi khi ra biển, thấy rằng phía đất liền vẫn quan tâm và dõi theo họ. “Chúng tôi đặc biệt mong chờ các bạn học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên đến đây nhiều hơn nữa. Vì các bạn là tương lai đất nước, chắc chắn phải hiểu biết, nắm rõ về Hoàng Sa, sau này mới làm chủ vận mệnh dân tộc mình”, chị Giang kỳ vọng.

Ông Lê Tiến Công, Phó Giám đốc Nhà trưng bày Hoàng Sa cho hay ngoài đội ngũ thuyết minh, nhóm sưu tầm cũng hội tụ rất nhiều bạn trẻ. Họ có nhiệm vụ sưu tầm những thông tin tư liệu mới, quan trọng; tiếp cận các nhân chứng, lễ hội để lấy thông tin, hình ảnh; sưu tầm các tài nguyên biển đảo… “Rất may, các bạn trẻ ở đây vừa chịu khó học hỏi, làm việc, vừa có niềm say mê, yêu Hoàng Sa vô bờ bến”, ông Lê Tiến Công cho biết.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.