Rưng rưng nhà trưng bày Hoàng Sa

Nhà trưng bày Hoàng Sa. Ảnh: Thanh Trần.
Nhà trưng bày Hoàng Sa. Ảnh: Thanh Trần.
TP - Những tấm bản đồ khẳng định chủ quyền, những bức ảnh về quần đảo, mô hình thuyền buồm, cột mốc… đã có mặt trong nhà trưng bày Hoàng Sa nằm trên con đường cùng tên ở quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng). Đến đây, ai cũng rưng rưng khi thấy máu thịt của Tổ quốc đã thật gần…

Sau hơn 2 năm xây dựng, đến nay, nhà trưng bày Hoàng Sa chính thức khánh thành, mở cửa đón người dân đến tham quan. Nơi chất chứa những tư liệu quý giá về quần đảo thiêng liêng mới ngày nào là mong ước của chính quyền, người dân cả nước, đặc biệt là những người từng công tác tại đây nay đã hóa thành hiện thực.

 Con dấu chủ quyền bên bờ biển Đông

Lạc giữa những tòa cao tầng nối tiếp trên con đường ven biển, ngôi nhà có mặt tiền cờ đỏ sao vàng đồ sộ hiện ra khiến mỗi đoàn xe qua đây phải đi chậm lại, ngắm nhìn. Dòng chữ “Nhà trưng bày Hoàng Sa” khiến nhiều người tò mò. Ít ai biết rằng, ngôi nhà này được lấy cảm hứng từ hình tượng con dấu của vua Minh Mạng trong Sắc chỉ thành lập Hải đội Hoàng Sa năm 1835.

Còn nhớ năm 2014, UBND huyện Hoàng Sa đề xuất ý tưởng và được lãnh đạo thành phố Đà Nẵng chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng công trình Nhà trưng bày Hoàng Sa. Cuộc thi tìm kiếm phương án kiến trúc, đáp ứng tối đa các yêu cầu về tư tưởng, ý nghĩa công trình…nhà trưng bày được mở ra. Chỉ sau 45 ngày đã có hơn 40 đồ án của giới kiến trúc sư cả nước và Nhật Bản gửi về dự thi, với rất nhiều mô hình thiết kế sáng tạo độc đáo, giàu ý nghĩa. Hội đồng giám khảo ngay sau đó đã trưng bày các đồ án tại Bảo tàng Đà Nẵng và công khai trên trang thông tin điện tử của huyện Hoàng Sa, để lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Qua 3 vòng chấm thi và tham khảo ý kiến bầu chọn, đồ án lấy ý tưởng từ con dấu của vua Minh Mạng trong Sắc chỉ thành lập Hải đội đến Hoàng Sa năm 1835, để minh chứng mốc chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam được lựa chọn. Đồ án này của nhóm tác giả Fuminori Minakami đến từ Nhật Bản.

Nhà trưng bày hướng mặt ra biển, trong lòng lưu giữ hàng trăm tư liệu, hiện vật, hình ảnh quý báu. Ông  Lê Tiến Công, Phó Giám đốc Nhà trưng bày Hoàng Sa cho hay, tòa nhà được bố trí trưng bày trong 3 tầng, với 5 chủ đề giới thiệu về Hoàng Sa qua các thời kỳ. Từ tầng đầu tiên, người ta có thể nắm bắt thông tin về quần đảo, kế bên là tấm bản đồ Việt Nam với hai giọt máu thiêng liêng Hoàng Sa, Trường Sa. Tầng tiếp theo, những bằng chứng chủ quyền trưng khắp nơi, là Hoàng Sa trong các thư tịch cổ, hình ảnh ghi lại hoạt động trên quần đảo từ 1858 - 1945. Đặc biệt là những tấm bản đồ Trung Quốc do Trung Quốc, hoặc Trung Quốc và phương Tây xuất bản xác định lãnh thổ nước này không có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Hay bản đồ do phương Tây xuất bản xác nhận chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa…Ông Công nhìn nhận rằng đây là những tư liệu vô cùng quý giá, khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Rưng rưng nhà trưng bày Hoàng Sa ảnh 1 Một góc giới thiệu những nhân chứng lịch sử của Hoàng Sa.

Theo ông Võ Ngọc Đồng, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, Nhà trưng bày Hoàng Sa là thiết chế văn hóa, lịch sử có ý nghĩa chính trị rất quan trọng, như một dấu mốc chủ quyền để khẳng định, minh chứng một cách sinh động, trực quan về quá trình khai phá, xác lập, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Xúc động Hoàng Sa

Mỗi không gian trong căn nhà “nhập” vào người xem một cảm xúc khác nhau. Trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974 được bố trí riêng một góc, với những con tàu của Trung Quốc ngang ngược xâm chiếm lãnh hải, bên dưới còn nguyên từng dòng nhật trình hải chiến, những tuổi xuân gửi lại trùng dương, những vành khăn tang, tờ khai tử… làm người xem nhói đau. Ở một góc khác là giàn khoan HD981, vòi rồng, tàu Trung Quốc cản phá đâm va tàu Việt Nam. Nhưng có lẽ căm phẫn nhất vẫn là hình ảnh chiếc tàu cá ĐNa 90152 của bà Huỳnh Thị Như Hoa (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) bị tàu Trung Quốc đâm chìm ngày 26/5/2014 tại phía tây giàn khoan HD 981 đang hoạt động trái phép trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. 10 ngư dân trên tàu bị hất văng xuống biển, may mắn được tàu cá cứu vớt. Vài ngày sau, con tàu ĐNa 90152 được lai dắt về bờ, mang trên mình đầy thương tích.

Còn đây, công trình xây dựng trái phép của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm, đảo Cây, rồi tiến hành khảo sát trên đảo Đá Bắc, Đá Hải Sâm, Cồn Cát Nam… Tất cả đều được phơi bày, như lời ông Đồng nói, là để phản ánh trung thực sự thật lịch sử, tố cáo sự xâm phạm chủ quyền Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Đó cũng là cách giáo dục thế hệ trẻ nhận thức rõ lịch sử và thấy được trách nhiệm trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Rồi lòng người cũng nhẹ dần đi, khi thấy từng người con đất Việt trong sắc áo đỏ đổ xuống mọi nẻo đường tận Seoul (Hàn Quốc), Grenoble (Pháp)… mít tinh, biểu tình phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam. Cạnh đó, nụ cười của ngư dân Huỳnh Văn Tạo (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) bên con tàu chuẩn bị xuất bến, tổ đội Hoàng Sa của Nghiệp đoàn nghề cá Bình Châu (Quảng Ngãi) nối nhau thẳng tiến ra khơi, lão thuyền trưởng từng bị Trung Quốc bắt và cướp phá đồ đạc vẫn kiên gan bám giữ ngư trường. Cả những con tàu chở đầy ắp cá trở về… khiến người xem càng thêm yêu quần đảo thiêng của đất nước.

Rưng rưng nhà trưng bày Hoàng Sa ảnh 2 Những hình ảnh tố cáo tội ác của Trung Quốc trên biển.

 Đã thật gần…

Không giấu được cảm xúc vì cuối cùng Nhà trưng bày Hoàng Sa đã hóa thành hiện thực, ông Nguyễn Văn Dữ (65 tuổi, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) reo lên: “Tôi sung sướng quá! Đây là điều ao ước bấy lâu của mọi người, của những anh em đồng đội từng gắn bó với Hoàng Sa”. Lật dở ký ức 45 năm trước, ông còn nhớ y nguyên ngày 27/1/1973, trúng ngày 30 Tết, ông xuống tàu rời cảng Đà Nẵng ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ canh giữ, bảo vệ biển đảo. “Ấn tượng đầu tiên là bãi cát vàng phẳng lì và nước biển xanh như ngọc. Tôi còn nhớ nơi tôi ở cách nhà khí tượng chừng trăm mét, khí hậu mát mẻ. Lúc rảnh rỗi, tụi tui rủ nhau ra câu cá bằng lưỡi câu làm từ lò xo tấm nệm cũ. Sau 3 tháng hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi trở lại đất liền, mang theo cả tạ cá khô Hoàng Sa về làm quà”, ông kể. Từ đó đến nay, ông không có cơ hội để ra lại quần đảo thiêng liêng này. “Giờ có một nơi để tới ngắm nhìn, tìm hiểu kỹ hơn về Hoàng Sa thì còn gì bằng nữa”, ông bày tỏ.

Cũng mang tâm trạng như ông Dữ, ông Trương Văn Quảng (78 tuổi, quận Ngũ Hành Sơn) thủ thỉ rằng ông thấy ấm lòng khi cầm trên tay tấm giấy mời tới khánh thành Nhà trưng bày Hoàng Sa, nơi ấy như được kéo gần về với đất liền, không còn cách trở nữa. Ông Quảng trước đây phục vụ lực lượng hải quân Sài Gòn, là quân nhân cơ khí trên chiến hạm HQ - 400. Đầu năm 1959, ông theo chiến hạm này ra tiếp tế lương thực, nước cho lính và nhân viên khí tượng trên đảo. Năm 1970, ông đi chuyến tàu cuối cùng ra nơi này, sau đó về làm xưởng trưởng trong nhà máy đóng tàu X50 (Đà Nẵng). “Có một chuyện mà tôi không thể quên, đó là trận hải chiến năm 1974, hai tàuTrần Khánh Dư và Trần Bình Trọng “bị thương”, đưa về nhà máy sửa chữa. Lúc ấy cảm giác đau đớn về Hoàng Sa lên đến tột cùng…”, ông nghẹn ngào bỏ lửng câu chuyện giữa chừng. Lần khánh thanh này, ông đã được tận mắt xem những tư liệu về trận hải chiến ấy, và biết rõ hơn về Hoàng Sa hôm nay. “Nhà trưng bày là bằng chứng lịch sử để chúng ta nhìn lại quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Cũng là nơi để chúng tôi có thể tìm đến mỗi khi nhớ về Hoàng Sa, để ôn lại một thời trai trẻ đã cống hiến và gắn bó không thể nào quên”, ông nói.

Sau lễ khánh thành, Nhà trưng bày sẽ mở cửa tự do đón tất cả mọi người đến tham quan và thuyết minh miễn phí cho các đoàn. Ông Công cho biết thêm sẽ chủ động truyền thông cho nhân dân đến tìm hiểu nhiều hơn, đặc biệt chú trọng đến lớp trẻ, đoàn viên thanh niên, học sinh sinh viên.

“Nhà trưng bày Hoàng Sa là một địa chỉ phổ biến, giáo dục kiến thức, nhận thức về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc cho thế hệ trẻ được tốt hơn. Đây cũng là nơi giới thiệu cho du khách, bạn bè quốc tế thấy rõ sự chiếm đóng trái phép, phi nghĩa và âm mưu độc chiếm biển Đông của Trung Quốc”

ông Võ Ngọc Đồng, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa

Ông Lê Tiến Công, Phó Giám đốc Nhà trưng bày Hoàng Sa cho hay Nhà trưng bày đang tiến hành đưa tàu cá 90152 của bà Huỳnh Thị Như Hoa (quận Thanh Khê) về trưng bày ở khu vực phía sau tòa nhà. Đây là hiện vật tố cáo tội ác của tàu Trung Quốc khi đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam. Ngoài ra, còn có thêm tuyển tập báo chí viết về Hoàng Sa, Trường Sa dày hơn 1.000 trang từ năm 1979 đến nay . Đặc biệt, người dân tới đây sẽ được ngắm nhìn lá cờ đỏ sao vàng 100m2 do cụ bà Phan Thị Phán (tỉnh Hải Dương) tặng huyện Hoàng Sa.

MỚI - NÓNG
Giá vàng bất ngờ giảm mạnh
Giá vàng bất ngờ giảm mạnh
TPO - Sáng nay (11/10), giá vàng miếng SJC giảm 500.000 đồng/lượng, về mức 84,5 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn tròn cũng giảm về mức 82,8 triệu đồng/lượng. Dù quay đầu giảm nhưng tính chung 9 tháng đầu năm, chỉ số giá vàng vẫn tăng tới 26%.