Chúng ta từng tin rằng tự kỉ và rối loạn tăng động thiếu tập trung (ADHD) không có nhiều điểm chung, nhưng các nghiên cứu mới đã đưa ra những bằng chứng thuyết phục về sự tương đồng rõ rệt giữa hai rối loạn này.
Chắc chắn rối loạn phổ tự kỉ (ASD) và ADHD khác nhau ở nhiều khía cạnh. Tuy nhiên, chúng có nhiều điểm chung quan trọng. Đó là cả hai đều là những rối loạn phát triển thần kinh phổ biến, có tính chất gia đình, và đặc trưng bởi các triệu chứng như khó chú ý và suy giảm tương tác xã hội.
Đáng nói, các nhà khoa học ngày càng nhận thấy, tự kỷ và ADHD thực sự xảy ra cùng nhau ở một tỷ lệ lớn các bệnh nhân.
Trong khi đó, trước đây, ngay cả khi thực tế có khoảng từ 30 – 80% bệnh nhân tự kỷ cũng bị tăng động, nhưng cho đến hai năm trước, Sổ tay thống kê và công cụ chẩn đoán các rối loạn tâm thần vẫn nói rằng một người không thể bị đồng thời cả hai rối loạn này.
Theo đó, các nhà khoa học đã phát hiện thêm những cơ chế não làm nền cho sự tương tác của hai rối loạn.
Trong một nghiên cứu mới được công bố, nhóm các nhà nghiên cứu Hà Lan và Thụy Sĩ đã phân tích hình ảnh MRI của hơn 500 người tình nguyện để xác định những cấu trúc não tham gia trong sự chồng lấn giữa tăng động ADHD và tự kỷ. Những phát hiện này cho thấy có thể dự đoán các đặc điểm tự kỷ ở người bị tăng động ADHD qua sự tương tác của một số vùng đóng vai trò trong hệ thống xử lý phần thưởng của não.
"Những người bị tăng động ADHD trong nghiên cứu của chúng tôi bị tăng khó khăn về hiểu biết xã hội và giảm hứng thú trong giao tiếp xã hội", Laurence O'Dwyer, một nhà thần kinh học tại Đại học Radboud ở Hà Lan và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết. "Họ cũng biểu hiện tăng mức độ hành vi lặp đi lặp lại, cũng như sự phản kháng với thay đổi, có nghĩa là họ thích sự ổn định hoặc bất biến của thế giới xung quanh hơn".
Điều này phù hợp với những gì chúng ta biết về sự phổ biến của những nét tính cách kiểu tự kỷ ở những người không bị rối loạn này. Các triệu chứng tự kỷ không chỉ hay gặp hơn ở những người bị ADHD, mà còn ở những người sáng tạo và các nhà khoa học. Các triệu chứng ASD nhẹ dưới mức lâm sàng cũng có mặt ở người bình thường, tác giả của nghiên cứu lưu ý.
Có thể xác định tự kỷ, tăng động qua nhân đuôi trong não
Những bất thường trong xử lý phần thưởng - cách não xử lý mong muốn, phần thưởng và động lực - là chung cho cả bệnh tự kỷ và tăng động, và nghiên cứu mới hé mở một cái nhìn sâu hơn về cơ chế điều này diễn ra ở mức độ thần kinh. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng một vùng não cụ thể gọi là nhân đuôi - một khối chất xám, tham gia vào những việc như lập kế hoạch, định hướng cử động và hành vi hướng đích - có thể dự đoán mức độ của các nét tự kỷ ở bệnh nhân ADHD.
Nhưng nhân đuôi không hoạt động đơn độc để quyết định những nét tự kỷ. Nó tham gia trong tương tác phức tạp với một phần khác của não gọi là cầu nhạt (globus pallidus), tham gia vào các chức năng như điều hòa vận động tự chủ.
Cả hai cấu trúc đều nằm trong một vùng não gọi là thể vân, hoạt động như một hệ thống theo dõi về phần thưởng và đóng vai trò quan trọng trong lập kế hoạch, ra quyết định và động lực. Trong hệ thống này, nhân đuôi hướng dẫn việc lựa chọn các mục tiêu trong khi cầu nhạt cập nhật giá trị phần thưởng dựa trên kết quả của một hành động.
Hoạt động bất thường của chu trình trao thưởng của thể vân có thể dẫn đến giảm động lực đáp ứng với các tín hiệu xã hội, như âm thanh của giọng nói ai đó hoặc khi nhìn thấy một cái cau mày hoặc nụ cười. Điều này thường được thấy trong tự kỷ và cũng xảy ra trong các trường hợp ADHD.
Những phát hiện này cung cấp bằng chứng thuyết phục rằng cân nghiêm túc nhìn nhận về sự chồng lấn giữa bệnh tự kỷ và ADHD nếu muốn hiểu rõ hơn cả hai rối loạn này.
"Các phát hiện đã nêu bật những vùng não cụ thể có tầm quan trọng trong việc dự đoán các nét tự kỷ ở những người bị ADHD," O'Dwyer nói. "Chúng tôi đang bắt đầu hiểu một số chu trình chung và những khác biệt giải phẫu cụ thể trong não nơi có sự chồng lấn giữa tự kỷ và ADHD và kiến thức này sẽ là thiết yếu cho sự phát triển những cách tiếp cận điều trị mới trong tương lai".
Cẩm Tú
Theo Huffingtonpost