Nhưng ông Trump vẫn cần LHQ về ngoại giao hơn bất kỳ đời tổng thống Mỹ nào gần đây. Dù ông Trump luôn cho rằng LHQ không hiệu quả và chống Mỹ, nhưng cuộc khủng hoảng Triều Tiên buộc ông phải suy nghĩ nghiêm túc về vai trò của tổ chức này. Chỉ trong vòng 2 tháng, Mỹ đã phải thuyết phục Trung Quốc và Nga ký vào hai nghị quyết để trừng phạt việc Triều Tiên thử hạt nhân và tên lửa.
Ông Trump từng công khai nghi ngờ liệu những biện pháp trừng phạt như vậy có tác dụng hay không, và đúng như vậy: Ngay cả những người ủng hộ cách tiếp cận của LHQ cũng thừa nhận các biện pháp trừng phạt khó có thể thay đổi tính toán của Bình Nhưỡng. Nhưng cho đến giờ, Mỹ không có cách nào khác để có thể tránh hành động quân sự cũng như để giữ Nga và Trung Quốc tham gia vào cuộc xung đột ngoài việc thông qua Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ. Kết quả là vị tổng thống từng hứa hẹn một chính sách đối ngoại biệt lập vẫn đang phải dựa vào tổ chức đa phương lớn nhất thế giới để xử lý cuộc khủng hoảng lớn nhất trong chương trình nghị sự của ông.
Một số người có thể coi đây là chỉ dấu cho thấy vị trí của Mỹ trên toàn cầu đang yếu đi. Đối với ông Trump, đó có thể chỉ là một giai đoạn trong câu chuyện cá nhân dài với LHQ. Khi tổng thống Mỹ phát biểu trước các nhà lãnh đạo thế giới, tâm trí ông có thể nhớ lại những ngày ông vẫn là nhà tài phiệt xây dựng. Vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, ông Trump nhiều lần khúc mắc với tổ chức này vì các dự án. Rắc rối bắt đầu khi ông xây dựng tòa tháp Trump World Tower, một tòa nhà màu đen không có tính thẩm mỹ cao ở Đại lộ số 1, nằm ở phía nam tòa trụ sở hiện đại mang tính biểu tượng của LHQ.
Ông Kofi Annan, Tổng thư ký LHQ vào thời gian đó, phàn nàn về tòa tháp Trump và cái bóng nó phủ xuống khu dân cư xung quanh, nhưng ông Trump không lung lay. Thay vào đó, ông đề nghị đại tu tòa nhà của LHQ, khi đó đang trong tình trạng không được tốt. Ông Trump tuyên bố ông có thể đảm nhận công việc tốn hơn 1,5 tỷ USD này, và cảnh báo các nhà thầu khác không được tham gia. Năm 2005, ông Trump đề nghị một ủy ban của Thượng viện Mỹ xem xét vấn đề rằng ông có “giấc mơ” di chuyển LHQ đến địa điểm Trung tâm Thương mại thế giới nhằm giải phóng khu Midtown East để phục vụ các dự án bất động sản mới. Nhưng ông đã không thuyết phục được các quan chức quốc tế, và có tin đồn rằng những người New York giàu có khác đã cảnh báo ông Annan chớ tin ông Trump.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm ngoái, ông Trump nói rằng, LHQ “không phải một người bạn của dân chủ, không phải người bạn của tự do, thậm chí không phải người bạn của nước Mỹ”.Nhưng khác với những chỉ trích dành cho NATO hay các đồng minh châu Á của Mỹ, ông Trump chỉ đơn giản là nhắc lại những lời lẽ tấn công của phe Cộng hòa đối với LHQ. Đáng chú ý hơn, ông Trump còn nghĩ về việc ông có thể làm gì cho LHQ. Tháng 5/2016, sau khi nhận được đề cử từ đảng Cộng hòa, ông Trump nói với báo Mỹ The New York Times: “LHQ không làm gì để chấm dứt các cuộc xung đột lớn trên thế giới… Vì thế, bạn cần một đại sứ sẽ chiến thắng bằng cách thay đổi LHQ một cách triệt để”.
Xây dựng lại hình ảnh
Sự ám ảnh của ông Trump về LHQ tiếp tục lắc lư giữa hai thái cực sau khi ông đắc cử. Ông lên án tổ chức này là câu lạc bộ của những nhà ngoại giao muốn “có thời gian vui vẻ” sau khi HĐBA thông qua một nghị quyết lên án Israel xây khu tái định cư vào tháng 12 năm ngoái. Nhưng không lâu sau đó, ông Trump có “cuộc thảo luận rất tích cực” với Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres qua điện thoại về những lợi ích chung trong “tiềm năng lớn” của tổ chức này. Vài tháng sau khi tuyên thệ nhậm chức, ông Trump mời đại sứ các nước thành viên HĐBA dự bữa trưa vui vẻ gây ngạc nhiên tại Nhà Trắng. Ông còn bảo đảm với các vị khách rằng ông thấy thuyết phục về tiềm năng của LHQ hơn “bất kỳ ứng viên nào trong 30 năm qua từng thậm chí nghĩ về điều đó”.
Những thách thức cá nhân của ông Trump đối với hệ thống của LHQ, như việc rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, đã phản tác dụng. Trái với mong muốn của ông rằng một số nước sản xuất năng lượng lớn như Nga và Ả-rập Xê-út sẽ theo gót Mỹ mà rút khỏi thỏa thuận này, không một nước nào dọa sẽ hủy bỏ thỏa thuận. Tổng thống Trump có vẻ đã thấy mình lạc lõng trong vấn đề đó tại hội nghị thượng đỉnh G7 và G20 trong năm nay, và thậm chí ông đưa ra manh mối mờ nhạt rằng ông có thể đảo ngược quyết định. Nhận ra hệ thống quốc tế mạnh mẽ hơn ông tưởng, Tổng thống Mỹ có vẻ phải suy nghĩ lại cách tiếp cận của mình.
Trong tuần này, chính quyền Mỹ sẽ tìm cách xây dựng lại hình ảnh tổng thống như một người bạn có đóng góp xây dựng cho hệ thống của LHQ. Ông Trump được cho là sẽ chỉ trích LHQ trong một số vấn đề như thiên vị Israel, nhưng ông sẽ chủ trì một phiên họp đặc biệt để bàn cách giúp ban thư ký và các chương trình của LHQ hoạt động hiệu quả hơn. Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley đã tạo dựng quan hệ làm việc vững vàng với Tổng thư ký Guterres xung quanh những vấn đề này.
Khoảng 120 lãnh đạo thế giới và ngoại trưởng các nước sẽ nghe Tổng thống Mỹ trình bày quan điểm về những vấn đề như sự cần thiết của LHQ phải “thu hút, phát triển và giữ lại những người làm việc hiệu quả, thúc đẩy bình đẳng giới và đa dạng địa lý”. Nhưng quan hệ của Tổng thống Mỹ với LHQ sẽ không được xác định bởi việc ông sẵn sàng tham gia vào những cuộc thảo luận về cải cách thể chế, mà sẽ được quyết định bằng việc liệu HĐBA có hợp sức trong vấn đề Triều Tiên hay không. Những hành động quyết liệt của Triều Tiên trong năm nay buộc chính quyền của ông Trump phải nhờ đến HĐBA để lên án Triều Tiên. Nếu không có LHQ, ông Trump sẽ cực kỳ khó tránh mâu thuẫn với Nga và Trung Quốc về vấn đề đó. Trong khi ông Trump luôn nghi ngờ liệu Trung Quốc có sẵn lòng hoặc có thể khiến Bình Nhưỡng khuất phục hay không, Bắc Kinh chỉ có khả năng hợp tác với Mỹ trong vấn đề này trong khuôn khổ LHQ.