Mổ xẻ tận gốc vấn nạn bạo lực học đường

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trao đổi với các thầy cô bên lề buổi tọa đàm. ảnh: Nghiêm Huê
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trao đổi với các thầy cô bên lề buổi tọa đàm. ảnh: Nghiêm Huê
TP - Thời gian qua, một trong những nguyên nhân của bạo lực học đường, của rào cản trong đổi mới giáo dục, được cho là xuất phát từ áp lực đối với giáo viên. Hôm qua 14/12 tại trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chủ trì buổi tọa đàm nhằm tìm kiếm giải pháp cho vấn đề này.

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng để nhìn  nhận áp lực của giáo viên phải xét rất nhiều thành tố. Từ bản thân các giáo viên, môi trường của các thày cô, cơ chế chính sách việc làm, cơ chế đãi ngộ, vấn đề xã hội, gia đình phụ huynh thậm chí đến cả phụ huynh.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ:

“Tôi lấy ví dụ như giáo viên mầm non có cần điểm cao hay thấp đâu nhưng phẩm chất cô giáo là yêu trẻ, kiên trì. Tiến tới chuẩn giáo viên không chỉ về điểm mà tính đến các khía cạnh khác nữa về nghề nghiệp”.

Tuy nhiên, ông Phùng Xuân Nhạ khẳng định nếu giáo viên vin vào áp lực để có những hành vi đi ngược  lại thuần phong mỹ tục, đi ngược lại chuẩn mực đạo đức là không thể chấp nhận. Tuy nhiên, không thể vì một hai trường hợp đó khái quát lên thành hiện tượng. “Quan điểm của Bộ trước hết tập trung vào các trường Sư phạm. Khi nào các trường tuyển sinh được giáo sinh phù hợp với nghề? Chính sách tuyển sinh hiện nay của chúng ta đã ổn chưa? Trong quá trình đào tạo, chương trình chuyên môn có thể yên tâm. Nhưng phần dạy người, đặc biệt là rèn cho các giáo sinh phát triển năng lực của mình thành  nhà giáo thì thế nào ?” - Bộ trưởng Nhạ đặt câu hỏi.

Với  góc độ trực tiếp đứng lớp, cô Hoàng Phương Ngọc, giáo viên trường THCS Cầu Giấy, Hà Nội cho biết giáo viên hiện nay bị áp lực từ nhiều phía, nhiều khi có cảm giác áp lực bủa vây nên rất mệt. “Nhưng áp lực hàng ngày chúng tôi phải chống chịu đó là áp lực với học sinh. Thứ nhất, với học sinh giỏi, áp lực ở đây là sự kỳ vọng của học sinh với giáo viên, giáo viên phải nỗ lực cố gắng không ngừng. Thứ hai với học sinh trung bình, nếu dạy cao quá các em không hiểu được.  Vậy với lớp học có những học sinh giỏi và chưa giỏi chúng tôi phải thiết kế bài tập, thiết kế giảng dạy như thế nào?” - Cô Hoàng Phương Ngọc nêu.

Đó còn chưa kể mỗi lớp học đều có những học sinh cá biệt về tính cách. Do đó, trong giờ học, giáo viên vừa chú trọng kiến thức vừa chú trọng đến tính cách cũng như là quan tâm đến các em. Vì học sinh có nhiều nét riêng về tính cách, tâm sinh lý, giáo viên ngoài dạy kiến thức còn đối mặt với nhiều tình huống sư phạm  xảy ra. Có nhiều lúc giáo viên còn là nhà tâm lý, đóng vai thay cha mẹ trò chuyện với học sinh.

Chính vì vậy, cô Ngọc cho biết, giải pháp được cô đưa ra đó là phân loại học sinh theo lớp học. Cô mong muốn chương trình học sắp tới có phần cứng, phần mềm để giáo viên linh hoạt trong giảng dạy; Giảm bớt thủ tục hành chính cho giáo viên để họ có thêm thời gian bên học sinh của mình; Đưa chương trình trải nghiệm vào chương trình cứng, học sinh và giáo viên có không gian sư phạm ngoài trường để hiểu nhau hơn.

Cách tuyển sinh, đào tạo đều có vấn đề

Chia sẻ tại buổi Tọa đàm, nhà giáo Nguyễn Văn Hòa, chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống trường phổ thông liên cấp Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội cho rằng những sự việc xảy ra trong giáo dục thời gian qua không thể không có lỗi của đào tạo.  

Giáo viên hiện nay 70% được đào tạo theo cách cũ, cổ hủ, bảo thủ, giáo viên vẫn lối nghĩ không ai hơn mình. Đây là vấn đề nghiêm trọng. Nguyên nhân thứ hai là vấn đề mục tiêu, lâu nay chúng ta dạy học sinh ngoan, vâng lời, chấp hành kỷ luật, thầy cô cũng là sản phẩm của lối dạy này, nên không chấp nhận học sinh hư.

Do đó, dễ bức xúc khi  xử lý học sinh phạm lỗi. Thứ ba, lối dạy hiện nay chủ yếu cung cấp kiến thức. Vì vậy tạo áp lực về điểm số, chạy theo thi cử, thành tích và dẫn đến tình trạng “dán tem” học sinh yếu kém quá sớm.

Cô Đỗ Thị Mai, trường tiểu học Dịch Vọng B cũng nêu đề xuất, các trường sư phạm khi đào tạo sinh viên cần rèn thực tế nhiều hơn nữa.

Ông Nguyễn Đức  Sơn, trưởng khoa tâm lý giáo dục, trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho hay,  khảo sát với 1.500 giáo viên cho thấy  những giáo viên yêu nghề cảm thấy hài lòng hơn với  công việc này. Do đó, phải có giải pháp để tuyển chọn được người làm đúng với nghề. Họ có tố chất  làm giáo viên không, có định hướng giá trị nghề nghiệp đúng không? Cũng theo khảo sát thì có khoảng gần 70% người lựa chọn sư phạm yêu thích nghề giáo. Còn 30% lựa chọn vì hoàn cảnh. Trong khi đó, tuyển sinh vào sư phạm hiện nay mới chỉ căn bản dựa trên kiến thức về môn học, còn đánh giá tư chất của họ như thế nào, chưa làm được. Giáo dục đạo đức không đơn giản chỉ thuộc bài và ngồi trên giảng đường. Đây là vấn đề các trường đều nhìn thấy.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhìn nhận, tuyển sinh của trường sư phạm đã đổi mới, ngưỡng điểm đầu vào đạt yêu cầu nhất định nhưng chưa đủ. Do vậy, cần có thêm  các phương thức tuyển sinh để xác định được phẩm chất, năng khiếu nghề nghiệp để hạn chế những người vào học sư phạm không phù hợp. Bộ trưởng cũng lưu ý, chưa làm đại trà nhưng từ mùa tuyển sinh tới cần nghiên cứu để có hình thức kiểm tra năng khiếu, phẩm chất nghề nghiệp như thế nào cho phù hợp. Với các trường kỹ thuật điểm đầu vào là số 1 nhưng đối với giáo viên thì điểm đầu vào mới là điều kiện cần, quan trọng nữa là phẩm chất nghề nghiệp.

MỚI - NÓNG