Bạo lực học đường: Cái gốc từ nhà trường

Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa
Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa
TPO - Theo nhà giáo Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị hệ thống trường phổ thông liên cấp Cầu Giấy, Hà Nội, những vụ bạo hành học đường vừa qua có gốc rễ từ chính các nhà trường.

Chia sẻ với Tiền Phong, Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa cho rằng, lâu nay những chuyện bạo lực học đường xảy ra tại các trường người ta hay đổ lên đầu giáo viên và chỉ nhìn ở góc độ giáo viên. Tôi nghĩ rằng quan điểm này cũng có một phần đúng. Vì giáo viên của chúng ta cũng được đào tạo theo cách “ngoan, vâng lời, chấp hành kỷ luật”.

Tức là họ được đào tạo theo cách đào tạo ra để dạy SGK, để mang kiến thức ban phát cho học trò nên có yêu cầu rất cao với học trò. Nếu học trò không làm họ vừa ý là không chấp nhận được. Chính vì vậy, giáo viên không chấp nhận được học sinh sai, học sinh có lỗi, học sinh không chấp hành kỷ luật… Họ nghĩ trách nhiệm của họ là phải đưa học sinh vào kỷ luật, dạy cho học sinh biết vâng lời. Những bức xúc vừa qua của dư luận đối với những hành vi của giáo viên là do giáo viên non nớt về mặt kỹ năng, về mặt giá trị.

Nhưng như thế chưa đủ. Nếu giáo viên có giỏi mấy đi chăng nữa mà trong môi trường sống, giáo dục, nhà trường, xã hội không thích hợp được với giá trị họ mang lại thì không đạt được kết quả gì.

Giáo viên được đào tạo theo cách đến trường để dạy SGK, để mang kiến thức ban phát cho học trò nên có yêu cầu rất cao với học trò. Nếu học trò không làm họ vừa ý là không chấp nhận được. Chính vì vậy, giáo viên không chấp nhận học sinh sai, học sinh có lỗi, học sinh không chấp hành kỷ luật…

     Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa

Tôi cho rằng, cái gốc ở đây là từ nhà trường.

Theo tôi, cần quán triệt mục tiêu giáo dục là dạy con người và thoát khỏi tình trạng chỉ cung cấp kiến thức. Vì chỉ cung cấp kiến thức tạo ra áp lực thi cử, áp lực thành tích cho cả thầy và trò.

Chạy theo thành tích đó gây bức xúc cho các thầy cô giáo, do sức ép từ nhiều phía đưa lại. Cha mẹ chạy theo thành tích, nhà trường chạy theo thành tích, cấp trên chạy theo thành tích, chạy theo thi cử là chạy theo thành tích, tạo áp lực cho chính giáo viên.

Cần lấy chỉ số hạnh phúc của học trò, hài lòng của cha mẹ, chỉ số tiến bộ của mỗi học trò làm thước đo giá trị, thước đo chất lượng của thầy cô giáo và nhà trường. Trường không tính điểm số, không tính kết quả thi mà tính mức độ hài lòng của học sinh, có tiến bộ hơn so với bản thân nó không.

Tôi nêu ra những giá trị tinh thần của con người, giá trị yêu thương, giá trị tôn trọng, giá trị trung thực, giá trị của trách nhiệm. Giáo viên được học thêm sâu hơn về tâm lý học để hiểu hơn học trò tâm sinh lý học sinh từng cấp học. Giáo viên đi theo cơ sở tâm sinh lý đó của học sinh để giáo dục.

Khi giáo viên về trường giảng dạy cần được đào tạo về giá trị bản thân nhà trường có, cô giáo có. Khi được đào tạo thêm kỹ năng thì giá trị nào sẽ đi theo kỹ năng đó. Kỹ năng đó chính là nghiệp vụ của giáo viên. Nếu chỉ quan tâm đến kỹ năng mà không quan tâm đến giá trị thì giáo viên cũng không chuyển hóa được cảm xúc. Và như thế, sẽ vẫn thất bại.

Gần đây trên cả nước liên tiếp xảy ra những vụ bạo hành gây chấn động dư luận, chưa hết dư âm của “231 cái tát ở Quảng Bình”, “50 cái tát tại Hà Nội” thì lại có cô giáo ở Long An đánh học sinh khuyết tật bầm tím người... Nguyên nhân đều từ phía giáo viên. Vậy tại sao lại có những chuyện đau lòng này trong môi trường giáo dục? 

PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Khoa học Quản lý Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục cho rằng, hiện nay, bệnh thành tích đè xuống, khiến hiệu trưởng, giáo viên tìm mọi cách để đạt được thành tích. Để trường có thành tích thì học sinh mắc lỗi giáo viên bị xử lý, lẽ tất nhiên người cuối cùng bị xử lý và không thể chống đỡ là học sinh.

Bạo hành trẻ thực chất là ở những thời điểm giáo viên khó kiểm soát bản thân, lòng nhân ái của họ khi đó có những “khoảng trống”. PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền, cũng chỉ ra rằng, tuyển dụng đầu vào sư phạm còn bị buông lơi, chương trình đào tạo ít gắn với thực hành sư phạm, xử lý các tình huống sư phạm, giải quyết vấn đề trong bối cảnh thực tế hiện nay...

MỚI - NÓNG