Giáo viên phạt tát học sinh lệch cả mặt: Chao đảo niềm tin

TPO - Chưa đầy 1 tháng đã có 4 vụ bạo hành học đường mà nguyên nhân đều từ phía giáo viên. Tại sao lại có những chuyện đau lòng này trong môi trường giáo dục?

PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Khoa học Quản lý Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục chia sẻ với Tiền Phong. Theo bà Huyền, tháng 12, chưa bao giờ buồn thế với những vụ bạo hành học sinh các cấp học nhỏ tuổi từ mầm non, tiểu học đến trung học cơ sở, mỗi cấp học chỉ 1 vụ thôi mà làm chao đảo lòng tin của không biết bao nhiêu người, cho dù cả nước có hơn 40.000 trường mầm non, phổ thông (15.256 trường mầm non, 14.937 trường tiểu học, 10.939 trường Trung học cơ sở), với hơn 1 triệu cán bộ, giáo viên, nhân viên ( 496.495 cán bộ, giáo viên mầm non, 509.035 cán bộ, giáo viên tiểu học và 388.755 cán bộ, giáo viên Trung học cơ sở). Không phải “con sâu làm rầu nồi canh” mà là “con sâu làm rầu cả nước”!

“Thương người như thể thương thân” vốn là đức, là nhân, là nghĩa mà chúng ta vốn tự hào! Vậy thì vì đâu lại có những thầy cô thiếu vắng tình thương yêu, nhân ái ở những “ca khó đỡ” như thế?

Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục không vô can

Trong trường sư phạm cũng như ở các nhà trường mầm non, phổ thông, sinh viên, giáo viên được học giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, trong đó có kỹ năng phòng tránh tai nạn, thương tích. Chắc chắn các trường sư phạm không dạy cho sinh viên sử dụng bạo lực trong giáo dục trẻ.

Giáo viên phạt tát học sinh lệch cả mặt: Chao đảo niềm tin ảnh 1 PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền.

Nhưng có thể chúng ta tập trung đào tạo các lý thuyết giáo dục, kỹ thuật dạy học, khoa học,…trong sách vở mà không chú trọng giáo dục đạo đức nghề nghiệp, tính nhân văn, lòng nhân ái trong mỗi con người. Một người nhân văn, nhân ái, dù họ chẳng được học chữ nhiều cũng không bao giờ nghĩ đến làm đau một đứa trẻ chứ đừng nói đến bạo hành.

Tuyển dụng đầu vào sư phạm buông lơi, chương trình đào tạo ít gắn với thực hành sư phạm, xử lý các tình huống sư phạm, giải quyết vấn đề trong bối cảnh thực tế hiện nay,… những thứ mà giáo viên rất cần khi thì lại còn trống vắng trong chương trình của nhiều trường sư phạm.

Cách làm thi đua, bệnh thành tích trong giáo dục không vô can.

Để có thành tích thì tốt khoe xấu che, cứ như thế những cái xấu bị che đậy, tốt ảo cứ thế mà thành bệnh, gọi là bệnh thành tích cho đẹp, thực ra là giả dối để được khen. Bệnh thành tích đè xuống, khiến hiệu trưởng, giáo viên tìm mọi cách để đạt được thành tích. Để trường có thành tích thì học sinh mắc lỗi giáo viên bị xử lý, lẽ tất nhiên người cuối cùng bị xử lý và không thể chống đỡ là học sinh.

Tôi nghĩ, bắt đầu từ bệnh thành tích. Gỡ hết thành tích sẽ không còn những chuyện này. Những ai làm thật, thực tế thì hãy công nhận những nhà trường thực sự tiến bộ, học sinh tiến bộ so với chính họ. Cần lắm sự khích lệ cho những nỗ lực chân chính để mỗi học sinh hạnh phúc, tiến bộ khi tới trường. Cái này chẳng khác gì làm kinh tế trước đổi mới, báo cáo thành tích nào cũng vượt chỉ tiêu kế hoạch trên giao, nhưng ruộng không có thóc, kho chẳng có hàng, chỉ có những chồng sổ công điểm và báo cáo sơ kết, tổng kết hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Tài tình thay, chỉ cần thay đổi cơ chế quản lý, vẫn những con người ấy, đồng ruộng ấy mà từ chỗ thiếu ăn thành ra xuất khẩu gạo thứ ba thế giới. Giáo dục cũng chẳng khác gì, phải bỏ cách làm thi đua đã tạo ra bệnh thành tích đi, thi đua không xấu nhưng cách làm thi đua đang sai thì cần bỏ.

Nhầm nghề và tuyển dụng có vấn đề 

Thực tế có nhiều người không phù hợp với nghề dạy học, họ sợ bẩn, vất vả, sợ gặp học sinh kém, khó khăn,… nhưng không đủ can đảm bỏ nghề và họ đem buồn phiền đó trút lên đầu những đứa trẻ kém may mắn. Hiện nay nhà trường là nơi sử dụng giáo viên nhưng trường không được tuyển dụng giáo viên tốt và sa thải giáo viên không đủ phẩm chất và năng lực nghề nghiệp. Việc tuyển dụng nặng về những tiêu chuẩn về bằng cấp, hình thức nhiều hơn là thực tế.

Thi tuyển mang tính hình thức, với một tiết giảng thử và một bài thi viết không thể đánh giá được hết giáo viên đó có đủ năng lực gắn bó với nghề. Cần phải thay đổi cách tuyển dụng giáo viên để chọn được giáo viên thực sự yêu nghề, mến trẻ, “giáo viên ra giáo viên”, “hiệu trưởng ra hiệu trưởng”, có nghĩa là giáo viên phải đạt chuẩn năng lực nghề nghiệp, hiệu trưởng phải đạt chuẩn hiệu trưởng trên thực tế.

Tiêu cực xã hội ô nhiễm lòng nhân ái

Bạo hành trẻ thực chất là ở những thời điểm giáo viên khó kiểm soát bản thân, lòng nhân ái của họ khi đó có những “khoảng trống”. Lòng nhân ái được giáo dục từ tấm bé từ gia đình, nhà trường đến khi trưởng thành trong xã hội. Trong khi đó, xã hội đang có nhiều vấn đề phức tạp, xô bồ. Nhà trường chắc chắn bị ảnh hưởng vì trường học không phải là một môi trường “chân không”.  

Cho dù thế nào đi chăng nữa, cho dù vì lý do nào đi chăng nữa cũng phải chấm dứt ngay tình trạng giáo viên bạo hành trẻ, chấm dứt cách đào tạo nặng về chữ, nhẹ về đạo đức nghề nghiệp, cách làm thi đua với các thành tích ảo, cách tuyển dụng, sử dụng giáo viên, cách giáo dục nhân ái trong từng gia đình, thôn xóm,… rào cản còn nhiều, khó khăn chưa bao giờ hết với ngành giáo dục, nhưng chắc chắn ở mỗi người làm giáo dục không thể thiếu lòng nhân ái, nhân văn.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.