Cô gái không gục ngã: Khi còn thở là còn cơ hội

TPO - 13 tuổi, dịch giả Nguyễn Bích Lan buộc phải nghỉ học ở nhà bởi căn bệnh loạn dưỡng cơ không có phương pháp điều trị. Nhưng không đầu hàng số phận, chị đã tự học và nổi tiếng với việc dịch hơn 30 đầu sách và là một nhà văn với nhiều tác phẩm sáng tác.

Mới đây, chị Nguyễn Bích Lan là 1 trong 6 nhân vật tiêu biểu được vinh danh với “Giải thưởng khuyến học - Tự học thành tài” trong giải Nhân tài Đất Việt 2018. PV Tiền Phong đã có cuộc trò chuyện với chị, một “Cô gái không gục ngã”!

Cô gái không gục ngã: Khi còn thở là còn cơ hội ảnh 1 Dịch giả Nguyễn Bích Lan và Nick Vujicic năm 2013 - Ảnh: NVCC
Dịch sách mang lại cho tôi con đường sống

PV: Chị nghĩ sao khi mọi người gọi chị là “cô gái không gục ngã” ?

Dịch giả Nguyễn Bích Lan: Tôi nghĩ mọi người gọi tôi như vậy là bởi “Không gục ngã” là tên cuốn tự truyện của tôi. Buổi sáng tôi làm thế nào để dậy khỏi giường, quên đi việc đau ốm đó cũng là một vấn đề. Hay việc, ngày nào cũng như ngày nào ngồi dịch hết dòng này đến dòng khác, hết trang này đến trang khác cũng là một câu hỏi với chính bản thân tôi. Với tôi, cứ biết ngày hôm nay tôi còn đang thở và còn làm việc được, là đủ tốt rồi!

PV: Chị đã dịch hơn 30 đầu sách. Vậy điều gì thôi thúc chị dịch những cuốn sách như vậy? Trong đó, cuốn nào chị cảm thấy ưng  ý nhất?

Hầu hết những cuốn sách tôi dịch là do tôi chọn, chứ không phải được giao cuốn nào thì dịch cuốn nấy. Tôi không chọn những cuốn sách thuần túy để giải trí. Tôi thích dịch những cuốn sách văn học, đậm chất văn hóa, lịch sử, và những tác phẩm  có giá trị nhân văn, góp phần bồi dưỡng tâm hồn người đọc, và tôi cũng quan tâm nhiều đến những cuốn sách kể về những con người sống cuộc đời đầy nghị lực, ý nghĩa. 

Với cuốn “Vũ điệu trái tim” tôi có nhiều kỷ niệm đặc biệt hơn cả. Tác giả của cuốn sách đó là Shirley Cheng, một cô gái bị mù, bị liệt nhưng đã viết được 15 cuốn sách. Khi dịch sách của Shirley, tôi trải qua sự xúc động sâu sắc trước những câu chuyện trong sáng, tràn ngập tình yêu cuộc sống và sự lao động phi thường của cô ấy. 

Nhờ dịch cuốn này mà tôi và Shirley đã trở thành bạn của nhau. Giờ đây, chúng tôi thường xuyên chia sẻ với nhau những suy nghĩ về cuộc sống, về văn chương và an ủi, động viên nhau trong cuộc đấu tranh của mỗi người trước những khó khăn do bệnh tật gây ra.

PV: Tại sao chị chọn dịch sách. Trong công việc này, mang lại cho chị điều gì?

Tôi buộc phải nghỉ học từ khi kết thúc lớp 8, và kể từ đó sự giáo dục của tôi hoàn toàn là tự học. Những cuốn sách là những người thầy, người bạn quý giá, là ngôi trường không biên giới của tôi. Tôi dịch những cuốn sách chính là vì tôi hiểu giá trị tinh thần mà chúng mang lại cho chúng ta, nhất là những người tự học như tôi. 

Việc dịch sách mang lại cho tôi điều gì ư? Nó cho tôi một con đường sống. Tôi không thể tưởng tượng nổi mình có thể sống mà không lao động. Việc dịch sách cho phép tôi được làm việc trong điều kiện sức khỏe hạn chế, khó khăn về di chuyển: dịch sách là việc độc lập, bạn có thể làm một mình, tại nhà.

Việc dịch  sách là việc công phu, cho phép tôi huy động mọi khả năng trong con người mình và luôn thúc đẩy tôi tiếp tục tự học. Nếu bạn trải nghiệm việc dịch một cuốn sách văn học, bạn sẽ biết rõ dù bạn tài giỏi đến mức nào, giàu kinh nghiệm đến mức nào, thì bạn cũng chẳng bao giờ  có thể nói một cách trung thực rằng “cuốn  này tôi dịch hoàn hảo”.

Luôn có một khoảng để người dịch cố gắng cải thiện khả năng dịch của mình hơn nữa, và điều đó khá hấp dẫn. Sau gần 20 năm dịch sách tôi đã có được một lượng độc giả khá lớn, và sự tìm đọc của họ đối với những cuốn sách của tôi là nguồn động viên, khích lệ, niềm hạnh phúc không nhỏ .

Cô gái không gục ngã: Khi còn thở là còn cơ hội ảnh 2 Dịch giả Nguyễn Bích Lan đồng thời là tác giả của tự truyện "Không gục ngã"
Biết rằng mình đang sống một cuộc sống không phí hoài

PV: Chị luôn phải đối diện với bệnh tật. Vậy đâu là nền tảng thực sự cho đời sống tinh thần của chị? Hiện tại ai là  người truyền cảm hứng sống để chị có thành công như hôm nay không, thưa chị?

Trong hoàn cảnh của tôi, nếu không thể sống một cuộc sống có ý nghĩa thì tôi nghĩ tôi sẽ chẳng tồn tại đến hôm nay. Biết rằng mình đang sống một cuộc sống không phí hoài là nền tảng để tôi cố gắng vượt qua bệnh tật mỗi ngày để làm việc và giữ cho tinh thần vui vẻ. Tôi không có một thần tượng nào cụ thể nhưng tôi tìm thấy ở nhiều người sống quanh tôi những điểm đáng khâm phục, đáng yêu mến, đáng học tập, chẳng hạn như mẹ tôi, cô chú của tôi, chị và các em tôi chẳng hạn.

PV: Chị tự học ngoại ngữ và ngoại ngữ cũng mở ra công việc dịch cũng như nhiều điều trong cuộc sống cho chị? Chị có thể  chia kinh nghiệm trong việc tự mày mò, nghiên cứu?

Nếu tôi nhớ không nhầm thì Nguyễn Hiến Lê, người thầy trong tâm tưởng tôi, đã nói thế này: “Biết thêm một ngoại ngữ là được sống thêm một cuộc đời khác về tinh thần”. Một cuốn cuốn sách là một  chuyến đi ra thế giới. Không đi được bằng chân, tôi đi bằng khối óc và trái tim. Mỗi lần dịch một cuốn sách là tôi được sống trong khung cảnh mới, hiểu thêm những điều bổ ích.

Còn việc học ngoại ngữ, tôi nhớ, em trai tôi lúc đó đang học lớp 10, mỗi lần thấy em học tiếng Anh, tôi thấy thích nên hạ quyết tâm học cùng em.  Ngoài việc có giáo trình, tôi học thêm ngoại ngữ bằng cách nghe lỏm cậu em trai phát âm từ tiếng Anh rồi đọc nhẩm theo. Khi em trai đến trường, chị học thêm khả năng phát âm qua việc nghe đài…Với tôi, những cuốn sách và chiếc đài chính là người thầy của mình.

Mỗi người có một hoàn cảnh riêng và việc tìm ra cách riêng để sống một cuộc sống có ý nghĩa là việc mà mỗi người phải tự đảm nhận vì hạnh phúc của bản thân, của gia đình. 

Tự học là sự nắm bắt cơ hội một cách chủ động, trong mọi hoàn cảnh. Bỏ lỡ cơ hội đó là một điều thực sự đáng tiếc!

PV: Trong rất nhiều những giá trị sống mà giới trẻ cần thiết để bước vào đời, chị có gửi gắm cũng như nhắn nhủ gì với họ không?

Nói về người trẻ ư? Tôi không còn là một người trẻ nữa và như vậy sự khác nhau giữa các thế hệ sẽ khiến cho bất cứ lời khuyên nào của tôi trở nên lạc hậu. Nhưng có một điều tôi muốn khích lệ họ và cả những người không còn trẻ là hãy tận dụng cơ hội tự học, dù các bạn được đến trường, bởi vì theo kinh nghiệm của tôi chính việc tự học sẽ khiến bạn trở thành một con người độc đáo, chứ không phải là một chú rô-bốt bị động. 

Ưu tiên lớn nhất trong cuộc sống của tôi là giữ sức khỏe để sống có ích

PV: Mỗi khi gặp khó khăn, thất bại, chị thường làm gì?

Tôi nghĩ đến những điều tốt đẹp, và tôi thường nghĩ đến những gì mình đang có ở hiện tại. Tôi từng viết một bài thơ với câu mở đầu: ‘Chúng ta ở đây, phút này, đang còn thở”. Đang còn thở là còn cơ hội. 

PV: Trong năm tới, chị có dự định gì đặc biệt không ạ? Ưu tiên lớn nhất trong cuộc sống của chị sẽ là gì?

Tôi sẽ xuất bản ít nhất 2 cuốn sách dịch trong năm tới. Chúng là những đứa con tinh thần của tôi. Tôi chuẩn bị cho sự ra đời ấy từ bây giờ. Ưu tiên lớn nhất trong cuộc sống của tôi là giữ sức khỏe để sống có ích. 

Xin cảm ơn chị!

MỚI - NÓNG