Bạo lực học đường bùng phát: Từ lối dạy quyền uy, áp đặt?

Minh họa: Khều.
Minh họa: Khều.
TP - Liên quan tới vụ việc cô giáo không nói gì suốt hơn 3 tháng đứng trên bục giảng ở TPHCM, hay vụ cô giáo phạt HS uống nước vắt từ giẻ lau bảng ở Hải Phòng, TS Nguyễn Tùng Lâm, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, giáo dục đang mắc khiếm khuyết lớn, đó là lối dạy học quyền uy, áp đặt, thầy cô là trên hết, không quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng học sinh.

Chiều 11/4, báo Tiền Phong tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Bạo lực học đường, góc nhìn thẳng” với sự tham gia của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, lãnh đạo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, các chuyên gia giáo dục cùng đại diện các thầy cô…

Phát biểu mở đầu tọa đàm, Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền Phong cho rằng, Bộ GD&ĐT đã và đang có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học, đạt được những thành tựu nhất định. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại những khiếm khuyết, thiếu sót, tập trung vào mối quan hệ giữa nhà trường – học sinh và gia đình. Ông Sơn hi vọng các chuyên gia, nhà quản lý sẽ tập trung phân tích, tìm ra căn nguyên và giải pháp để giải quyết vấn đề này.

 “Trong các vụ việc cụ thể gần đây, tôi khẳng định có ảnh hưởng của xã hội và nhà trường. Tôi không đồng ý với ý kiến đạo đức xã hội đang xuống cấp vì đây chỉ là một bộ phận nhỏ”, TS Tùng Lâm khẳng định. Ông Lâm cho rằng, nhà trường phải đề cao dân chủ, tự chủ để họ được phép chọn giáo viên lẫn quản lý trong nhà trường. Trong vụ việc giáo viên “im lặng 3 tháng” ở TPHCM đừng nói hiệu trưởng không biết, bởi với tư cách là người đứng đầu, hiệu trưởng phải có trách nhiệm.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa nhìn nhận, nguyên nhân dẫn đến các vụ việc bạo hành xuất phát một phần từ xã hội và việc ứng xử của giáo viên thiếu chuẩn mực, chưa làm gương cho học sinh. Ngoài ra, các trường học chưa phát huy hết được vai trò dân chủ. “Vụ việc em Song Toàn ở TP HCM, nếu có sự trao đổi, giải quyết kịp thời trong nhà trường sẽ không dẫn đến điều đáng tiếc như vậy”, bà Nghĩa nói.

Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) khẳng định: Ở những trường xảy ra bạo lực học đường, chức năng quản lý của hiệu trưởng có vấn đề. “Đi cụ thể vào việc cô giáo im lặng 3 tháng, phải đặt câu hỏi tạo sao các giáo viên khác trong tổ bộ môn không biết? Như vậy việc tổ chức sinh hoạt chuyên môn để làm gì?”, ông Thành đặt câu hỏi. Cũng theo ông Thành, tư duy giáo dục của nhiều thầy cô vẫn nặng tính áp đặt. Khi thực hiện đổi mới phương pháp dạy học cho thấy, tâm lý phụ huynh chưa quan tâm đến sự phát triển tích cực của học sinh mà chỉ quan tâm xem con có giải được bài này, hiểu bài kia hay không. Vì thế, cần có sự hỗ trợ, hiểu và cảm thông của cả phụ huynh trong đổi mới dạy và học.

Còn bà Ngô Thị Minh, Phó chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ Quốc hội nhìn nhận, đã có sự lệch chuẩn trong cả học sinh, giáo viên và phụ huynh. Bà Minh cho rằng, muốn giải quyết căn cơ phải có sự chủ động trong công tác quản lý. Hiện nay, bạo lực học đường đang diễn ra từ dạng này sang dạng khác, có cả bạo lực tinh thần lẫn thể xác, tuy nhiên nhiều vấn đề vẫn chưa được tháo gỡ đến nơi đến chốn.

Đồng quan điểm, bà Minh cho rằng, giáo dục Việt Nam một thời gian dài đã áp dụng phương thức giáo dục áp đặt. Đã đến lúc cần phải thay đổi, phải khuyến khích học sinh tham gia vào các cuộc đóng góp, thảo luận ý kiến đồng thời cải thiện môi trường giáo dục dân chủ, tự chủ hơn.

Bạo lực học đường bùng phát: Từ lối dạy quyền uy, áp đặt? ảnh 1 Quang cảnh buổi tọa đàm “Bạo lực học đường, góc nhìn thẳng”. Ảnh: Mạnh Thắng.

Chuyển trường cho Song Toàn, giải pháp dễ nhưng không hay

Nhà báo Việt Hùng, Phó tổng thư ký tòa soạn báo Tiền Phong nêu vấn đề: Vì sao có những điều bất công, sai trái diễn ra ngay trên bục giảng mà học sinh, lại không dám nói ra, không dám phản kháng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình? Đáng buồn hơn, vì sao nữ sinh Phạm Song Toàn lại phải chuyển trường mà người chuyển trường không phải là cô giáo dạy Toán Trần Thị Minh Châu? Phải chăng, một hành động đạt chuẩn, đáng để các học sinh khác noi theo, lại là điều buộc em phải chuyển trường sao? Trong trường hợp này, nghiễm nhiên chúng ta đã thừa nhận sự thất bại của các mục tiêu giáo dục? 

Đồng quan điểm với nhà báo Việt Hùng, thầy Nguyễn Tùng Lâm cũng cho rằng, học sinh Song Toàn trước hết phải được tuyên dương và đây là trách nhiệm của người đứng đầu, hiệu trưởng.

Thứ trưởng Nghĩa cũng đồng tình với quan điểm, học sinh Song Toàn phải chuyển trường sau khi lên tiếng không phải là giải pháp hay. Nếu cho rằng, học sinh phản ánh không đúng quy trình là không có cơ sở bởi em này phản ánh một sự việc với Sở GD&ĐT trong bối cảnh là một buổi gặp mặt với học sinh tiêu biểu của TP. “Với vai trò là học sinh trong lớp cũng là Bí thư Đoàn trường, em Toàn phản ánh xuất phát từ trách nhiệm của mình”, Thứ trưởng Nghĩa nói.

Phát biểu kết thúc tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định, đại đa số nhà giáo tâm huyết, yêu nghề, yêu trẻ. Những vụ việc xảy ra là trường hợp cá biệt, “những con sâu làm rầu nồi canh” vì thế chúng ta không nên có cái nhìn lệch lạc về đội ngũ nhà giáo. Sắp tới, Bộ sẽ có những giải pháp đồng bộ để giải quyết, bắt đầu từ việc xây dựng đội ngũ nhà giáo, trong đó chú trọng từ khâu tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và quản lý.

MỚI - NÓNG