Thông tin trên vừa được Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn khẳng định với Tiền phong hôm nay 14/4.
Mở tờ khai 0 giờ là tự động của Hải quan điện tử ?
Trả lời câu hỏi, vì sao hải quan lại mở tờ khai vào lúc 0 giờ, liệu có sự bất thường nào không? Tổng cục trưởng Tổng cục hải quan cho rằng, hệ thống khai báo Hải quan điện tử đã được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới. Việc khai báo của DN hoàn toàn tự động, 24h/7 ngày, không phân biệt là 0h sáng hay chỉ làm giờ hành chính.
Theo ông Cẩn, trước đó, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản kiến nghị Bộ Công thương và Chính phủ cân nhắc cân đối số lượng. Bởi theo Bộ Tài chính, lượng gạo dữ trữ quốc gia theo yêu cầu của Chính phủ đang thiếu nghiêm trọng, trong khi nhiều doanh nghiệp (DN) trúng thấu đang bỏ thầu.
Với việc xuất khẩu 400.000 tấn gạo, ông Cẩn cho biết Tổng cục Hải quan đã kiến nghị sau khi xuất khẩu (XK), đảm bảo cân đối an ninh lương thực cần đấu thầu hạn ngạch XK, đồng thời khống chế một DN đăng ký tờ khai không quá bao nhiêu tấn để đảm bảo công bằng cho mọi DN. Tiếc thay, theo vị lãnh đạo Tổng cục Hải quan, Bộ Công thương không nghe kiến nghị này.
Theo nguồn tin của Tiền phong, số DN đã đăng ký mở tờ khai hải quan thành công để XK gạo trong tháng 4 có nhiều tên tuổi lớn trong lĩnh vực này. Theo đó, DN đăng ký “trúng” số lượng lớn nhất là Công ty CP Tập đoàn Intimex với trên 96.200 tấn.
Top 5 DN đăng ký thành công số lượng lớn còn có Tổng Cty Lương thực miền Nam (Vinafood2) là 38.350 tấn, Cty CP Xuất nhập khẩu Kiên Giang gần 35.700 tấn, Cty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thành Tín gần 25.400 tấn, Cty CP Thương mại Kiên Giang trên 24.400 tấn…Ngoài ra, một loạt các DN tên tuổi khác như: Cty CP Quốc Tế Gia, Cty CP TNHH Tân Thạnh An, Cty TNHH MTV XNK Lương thực Ngọc Lợi, Cty CP Hiệp lợi, Cty TNHH Phát tài, Ct CP Lương thực Bình Định, Cty CP Mỹ Trường… đều có số lượng đăng ký từ 11.000-17.000 nghìn tấn…
Trả lời câu hỏi vậy có thể hay không có việc các DN này "thân" với lãnh đạo Tổng cục Hải quan hoặc các Cục, Chi cục Hải quan địa phương nào đó nên được “phím” trước thông tin, Ông Cẩn khẳng định không thể có chuyện đó. Bởi theo vị này, sau khi có lệnh tạm dừng XK gạo, Hải quan đã dừng luôn.
“Chính phủ họp và Bộ Công thương có quyết định cho XK trở lại, thông tin này đã được báo chí truyền tải tức thì, rộng rãi. Tổng cục Hải quan cũng mở hệ thống tự động từ 0 giờ ngày 12/4, DN làm XK nhiều rồi đều biết khai báo 24/7, không kể 0h sáng. Việc các DN nói không nắm được thông tin là do họ bị động, không phải do Hải quan”, Tổng cục trưởng Hải quan bình luận.
Doanh nghiệp bất bình: Sao không ưu tiên hàng tồn?
Đáng chú ý, chia sẻ với Tiền phong sáng 14/4, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho hay: “Trong nghiệp vụ của Hải quan, anh thừa biết rằng từ 24/3 đến ngày 10/4, hơn 200 nghìn tấn gạo đang khai dở thì bị ách lại do lệnh tạm dừng xuất khẩu gạo. DN đã chấp nhận thiệt hại lớn để các bộ ngành ra soát lại theo chỉ đạo của Chính phủ trước khi cho xuất trở lại. Vậy, khi Thủ tướng cho xuất khẩu trở lại, tại sao anh không tham mưu xử lý số lượng để giảm thiệt hại cho DN, sao anh lại cho kê khai mới”, ông Bình nói.
Theo ông Bình với quota (hạn ngạch) 400 nghìn tấn gạo xuất trong tháng 4, Hải quan hoàn toàn có thể xử lý cho số lượng khoảng 250.000 tấn gạo đang khai dở dang do lệnh dừng từ ngày 24/3, để giảm thiệt hại cho DN. Vẫn còn quota 150.000 tấn nữa cho các DN đăng ký mới.
Bình luận về việc này, ông Cẩn cho rằng: “Trong chỉ đạo của Bộ Công thương ngày 10/4 không nói cần ưu tiên cho số lượng gạo trên. Chúng tôi chỉ hướng dẫn thực hiện theo chỉ đạo. Hơn nữa, theo Luật Hải quan, tờ khai đăng ký chỉ có hiệu lực 15 ngày, hết hạn phải hủy để mở tờ khai khác. DN làm bao năm phải biết việc đó”.