Mở rộng sân bay Côn Đảo: Khó giữa lựa chọn phát triển và bảo tồn

Hiện chỉ duy nhất VASCO khai thác đường bay đi/đến Côn Đảo bằng máy bay ATR72 với sức chứa chỉ 68 ghế.
Hiện chỉ duy nhất VASCO khai thác đường bay đi/đến Côn Đảo bằng máy bay ATR72 với sức chứa chỉ 68 ghế.
TPO - Về việc kéo dài đường băng của sân bay Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) để đón được máy bay lớn hơn, nhiều khách du lịch hơn, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Hàng không cho rằng, vẻ hoang sơ và ý nghĩa lịch sử của Côn Đảo cần được bảo tồn cho nhiều thế hệ. Do dó, để đi lại thuận lợi là tốt, nhưng về lâu dài, chúng ta không đảm bảo Côn Đảo còn là Côn Đảo khi kéo dài đường băng.

Chia sẻ của Phó Cục trưởng Hàng không Võ Huy Cường đưa ra tại Tọa đàm “Bay thẳng tới Côn Đảo: Trải nghiệm thiên đường du lịch mới” diễn ra chiều 12/9. Theo ông Cường, nhu cầu đến Côn Đảo là rất lớn và ngày càng tăng, nhưng đường tới đây còn nhiều khó khăn. Nếu đi bằng tàu từ TPHCM phải mất 9 tiếng, còn từ Bà Rịa – Vũng Tàu mất 4 tiếng mới tới Côn Đảo, trong điều kiện biển lặng.

Còn đường hàng không, nhiều năm nay chỉ có VASCO khai thác đường bay từ Tân Sơn Nhất và Cần Thơ tới Côn Đảo, nhưng loại máy bay khai thác chỉ có 68 ghế. Năm 2011-2012, có thêm hãng Air Mekong khai thác đường bay từ phía bắc ra Côn Đảo nhưng đã dừng; năm 2019 có thêm bay trực thăng nhưng hạn chế do chi phí cao.

Theo ông Cường, sân bay Côn Đảo gần biển, nên đầu tư đèn để khai thác ban đêm khó khăn, chưa kể thời tiết, nên không cho phép khai thác 24/24h. Việc đảm bảo khai thác được 24 lượt bay đến Côn Đảo mỗi ngày là sự cố gắng lớn.

Lãnh đạo Cục Hàng không cho rằng, việc Bamboo Airways khai thác thêm 3 đường bay thẳng từ phía Bắc đi Côn Đảo sẽ đáp ứng nhu của khách du lịch, hỗ trợ giải quyết vướng mắc về giờ cất/hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Về lý do chưa kéo dài đường băng sân bay Côn Đảo, ông Cường cho hay, cũng có nhiều nghiên cứu và đề xuất tài trợ cho việc này. “Vẻ hoang sơ và ý nghĩa lịch sử của Côn Đảo cần được bảo tồn cho nhiều thế hệ, để đi lại thuận lợi là tốt, nhưng về lâu dài, chúng ta không đảm bảo Côn Đảo còn là Côn Đảo khi kéo dài đường cất/hạ cánh. Ngoài đáp ứng phương án di chuyển cho người dân và du khách, địa phương còn có vấn đề về cơ sở hạ tầng du lịch, tác động môi trường”, ông Cường nói.

Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch) cũng ghi nhận tiềm năng du lịch của Côn Đảo rất lớn, song dài hạn sẽ thế nào, đó là câu chuyện phải suy nghĩ.

Theo ông Đức, năm 2017, CNN bình chọn Côn Đảo là một trong 12 đảo yên bình nhất châu Á. Côn Đảo là di tích lịch sử quốc gia quan trọng, nếu không giữ gìn vài năm tới sẽ không ai tìm đến nữa. Ngoài ra, với hệ sinh thái tự nhiên đa dạng, đây là di sản thiên nhiên ban tặng nếu mất đi thì Côn Đảo không thể lấy lại được. Côn Đảo không phải là điểm đến lớn, nên phải tính đến sức chứa, đường bay... cơ quan quản lý nhà nước cần có quy hoạch cụ thể.

"Tôi mong muốn phát triển Côn Đảo bền vững, thu hút nhiều khách nhưng không nên đón bằng mọi giá”, ông Đức nói.

Với 2 đường bay của VASCO đang khai thác từ Tân Sơn Nhất và Cần Thơ, cùng 3 đường bay Bamboo Airways dự kiến mở cuối tháng này, khách đi/đến Côn Đảo sẽ có 5 đường bay để chọn.

MỚI - NÓNG