Mở ra không gian văn hóa từ những vòm cầu Phùng Hưng

Dự án đục thông toàn bộ các vòm cầu sẽ tạo ra một không gian văn hóa công cộng mới, đánh thức tiềm năng du lịch “ngủ quên” qua nhiều thập kỷ
Dự án đục thông toàn bộ các vòm cầu sẽ tạo ra một không gian văn hóa công cộng mới, đánh thức tiềm năng du lịch “ngủ quên” qua nhiều thập kỷ
TP - Đoạn phố bích họa Phùng Hưng năm 2018 hoàn thành sứ mệnh đánh thức không gian công cộng vốn bị lãng quên lâu nay. Người Hà Nội sắp có một không gian văn hóa cộng đồng nằm trong tầm tay, khi dự án đục thông 131 vòm cầu đường dẫn phía Nam cầu Long Biên Phùng Hưng hoàn thành.

Tiềm năng bị lãng quên

Tuyến đường sắt quốc gia trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có đường dẫn bằng đá lên cầu Long Biên phía dưới là 131 vòm cầu gắn với lịch sử phát triển đô thị cận đại của Hà Nội. Phố Cửa Đông là trục chính của Hoàng thành Thăng Long với Khu phố cổ, tuyến đường Phùng Hưng là niềm tự hào của người Hà Nội khi kháng chiến chống Pháp và xây dựng thủ đô sau hòa bình là di sản đô thị quý giá của Việt Nam cần được phát huy.

Mở ra không gian văn hóa từ những vòm cầu Phùng Hưng ảnh 1 Dự án đục thông vòm cầu sẽ giúp kết nối và khai thác tối đa hiệu quả của con đường bích họa đã đưa vào sử dụng đầu năm 2018. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng

Trải qua lịch sử thăng trầm, hoàn cảnh kinh tế xã hội xủa Thủ đô khác nhau nên những vòm cầu này bị bịt kín lại mấy chục năm nay, vào những năm 1970 - 1980 một số hộ dân đã vào ở dưới vòm cầu xây dựng trái phép, lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt, các không gian vỉa hè dọc tuyến đang được sử dụng làm bãi đỗ xe ô tô. “Chủ trương đục thông toàn bộ các vòm cầu có khả năng tạo một không gian cho những nhu cầu còn thiếu vắng của không gian công cộng Hà Nội, cải thiện môi trường sống của khu vực”, đại diện Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội nói. Trước đó, UBND thành phố Hà Nội đã xem xét đề án đục thông 131 vòm cầu Phùng Hưng do UBND quận Hoàn Kiếm xây dựng. Dưới sự đồng thuận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giao thông Vận tải, Cục Đường sắt, dự án đục thông vòm cầu Phùng Hưng sẽ từng bước thực hiện từ sự khảo sát kỹ lưỡng tới bước thi công thận trọng. Trước mắt, sẽ thí điểm đục thông 6 vòm cầu.

TS.KTS Nguyễn Việt Huy, Quy hoạch đô thị Đại học Paris Pantheon một trong số thành viên tư vấn khảo sát tuyến vòm cầu cạn từng thốt lên rằng Hà Nội sở hữu di sản độc đáo. Một số nước trên thế giới đã triển khai tận dụng các ô vòm bên dưới tuyến đường sắt, kết hợp tuyến phố hai bên để tổ chức không gian công cộng trong các ô vòm và không gian đi bộ như một nét đặc trưng và có sức thu hút đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Có thể kể đến một số thí dụ như phố vòm cầu tại Paris (đường Viaduc des Arts nằm ở đại lộ Daumesnil 1-129), phố vòm cầu ở Đức, London, Argentina và tuyến đi bộ Las Ramblas ở trung tâm thành phố Barcelona.

“Việc đục thông các vòm cầu Phùng Hưng sẽ tạo ra nhiều không gian hữu ích hơn. Nó không chỉ tạo thêm không gian sinh hoạt cộng đồng mà còn mở rộng không gian kinh doanh thương mại dịch vụ”, KTS Trần Huy Ánh nói. Đồng quan điểm, KTS Đoàn Kỳ Thanh-người có nhiều ý tưởng kiến tạo không gian văn hóa cộng đồng chỉ ra tiềm năng của không gian Phùng Hưng trong tương lai. “Khu phố Phùng Hưng là địa điểm có tính lịch sử văn hoá và đời sống đô thị. Với vị trí khu phố cổ ở khu vực trung tâm của nội đô lịch sử. Dịch vụ xung quanh tốt, có tính kết nối với khu vực khác nên rất có cơ hội để trở thành không gian cộng đồng”, ông nói.

Kiến tạo diện mạo mới

 Trong những năm qua, thành phố Hà Nội nói chung và quận Hoàn Kiếm nói riêng đang hướng đến xây dựng, cải tạo các không gian công cộng phục vụ người dân cũng như quảng bá hình ảnh đến với du khách trong và ngoài nước. Khu vực 36 phố phường thuộc quận Hoàn Kiếm Hà Nội dần tạo dựng thành một số không gian sinh hoạt cộng đồng như khu vực phố đi bộ quanh Hồ Gươm cuối tuần, nơi có cảnh quan cây xanh mặt nước tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ… các tuyến phố đi bộ bên trong phố cổ.

Khu vực 131 vòm cầu sẽ được kết nối với các đường ngang trong khu vực như: chợ Đồng Xuân, phố đi bộ quanh Hồ Gươm, tuyến phố Chợ đêm cuối tuần Đồng Xuân - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào. Ngoài ra, còn kết nối với các tuyến phố cổ với nhiều hoạt động văn hóa đa dạng như: Phố Hàng Đào - Hàng Ngang - Hàng Đường - Đồng Xuân - Hàng Giấy gắn với chợ đêm Đồng Xuân; tuyến phố đi bộ trong khu bảo tồn cấp I, khu phố cổ Hà Nội (Hàng Buồm; Mã Mây, Đào Duy Từ, Hàng Giấy, Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện). Ưu thế này trở thành lợi thế để lại và kiến tạo nên không gian văn hóa cộng đồng mới sau khi hoàn thành dự án đục thông vòm cầu. Ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm nhấn mạnh việc mở rộng không gian đi bộ ở khu phố cổ: "Với lợi thế nằm trong khu vực di sản đô thị, cận kề khu phố cổ, di sản thế giới Hoàng Thành Thăng Long, khu phố Phùng Hưng tiến tới trở thành không gian đi bộ có giá trị lịch sử kiến trúc tiêu biểu của Hà Nội, cùng với đó là những không gian văn hóa đang hiện hữu của cộng đồng...".

KTS Đoàn Kỳ Thanh phân tích, không gian Phùng Hưng sau này gắn kết vào cả chuỗi sinh thái của Hồ Gươm, khu phố cổ về các hoạt động nghệ thuật, vui chơi giải trí, thương mại dịch vụ sẽ là không gian sáng tạo của Hà Nội. KTS Trần Huy Ánh chỉ ra thực tế đang diễn ra một cách tự nhiên khi dịp tết, trung thu, các lễ hội đường phố từ chợ hoa đến Hồ Gươm và khu phố cổ từng bước mở rộng một cách chắc chắn là giải pháp hiệu quả để Bảo tồn di sản đô thị tại Hà Nội. “Các hiệu ứng giảm đi xe máy ô tô, gia tăng đi bộ đang diễn ra. Đó chính là hiệu ứng tạo ra phố nghệ thuật Phùng Hưng như một điểm thu hút (Hub Place) từ Hồ Gươm xuyên qua phố cổ đến đây và các phố lân cận nữa để từng bước mở rộng phố đi bộ”, ông nói.

“Các không gian công cộng sẽ tạo ra một không gian văn hóa đích thực đặc trưng của Hà Nội- nơi tái hiện các hoạt động trải nghiệm văn hóa, nghệ thuật công cộng, các sản phẩm văn hóa du lịch truyền thống đặc sắc của người Hà Nội. Chúng ta chưa liên kết các không gian công cộng lại với nhau. Dự án đục thông vòm cầu Phùng Hưng là một cơ hội quảng bá hình ảnh Hà Nội- một thành phố lịch sử Văn hóa, Văn hiến, là cơ hội để xây dựng một điểm đến của khách du lịch", đại diện Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội cho biết.

Không gian văn hóa cộng đồng ở khu vực Phùng Hưng được khơi dậy khi những tấm bích họa  được hoàn thành vào đầu năm 2018 dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, đã làm thay đổi diện mạo cho đoạn phố vốn có phần nhếch nhác, lộn xộn. các tác phẩm nghệ thuật đã đánh thức thu hút sự quan tâm, của cộng đồng tới không gian này, đánh thức giá trị tiềm ẩn. Dự án đục thông vòm cầu Phùng Hưng thành công sẽ tạo ra không gian văn hóa, không gian cộng đồng hay chính là không gian sáng tạo độc đáo và hấp dẫn cho Hà Nội”, KTS Đoàn Kỳ Thanh nói.

Các chuyên gia cho rằng, BQL Phố cổcần có kế hoạch khai thác hoạt động ngay không gian kề cận và chức năng cho vòm cầu Phùng Hưng sau khi được đục thông. Có những đoạn giới thiệu làng nghề và sản phẩm thủ công truyền thống, có khu vực dành cho nghệ thuật công cộng, có đoạn dành cho văn hóa ẩm thực, thương mại dịch vụ và có những không gian dành cho khởi nghiệp.

Các chuyên gia như KTS Trần Huy Ánh có chút băn khoăn, khi tích hợp mục đích khai thác các vòm cầu thành phố cho mục đích thương mại du lịch dịch vụ thì cần gắn với trùng tu lại Ga Long Biên, cần có kế hoạch tổng thể đa lợi ích, xuất phát từ đề xuất cộng đồng.
Cho đến nay, Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội đã và đang chuẩn bị một cách cẩn trọngtrước mắt đục thí điểm 6 vòm cầu đoạn, sao cho vừa đảm bảo thi công mà vẫn đảm bảo an toàn cho các chuyến tàu chạy hàng ngày. 6 vòm cầu được lựa chọn đại diện cho năm hệ kết cấu khác nhau của cầu cạn Phùng Hưng.

MỚI - NÓNG