Mồ hôi nghề vẽ...tiếng cười

Biếm họa của DAD
Biếm họa của DAD
TP - Tại Việt Nam, hàng chục năm qua,  tranh biếm họa vốn ít được quan tâm. Mang danh là nghề vẽ ra tiếng cười nhưng các nghệ sỹ vẽ biếm họa cũng mướt mải mồ hôi, lắm nỗi nhọc nhằn.

Dẫu là một phần của hội họa nhưng lâu nay, nhiều họa sĩ biếm vẫn bảo nhau, tranh biếm tồn tại trong làng vẽ như một... “đứa con rơi”.

Một nghề vừa khó, vừa nghèo

Họa sĩ Trần Đăng Minh Khuê (Khều) hiện đang cộng tác với khoảng 30 tờ báo là một trong những họa sĩ ?biếm có thể sống được bằng nghề. Anh cho biết, tiếng là “phủ sóng” rộng vậy nhưng vẽ tranh biếm họa cũng chỉ giúp anh không thuộc diện “xóa đói giảm nghèo”. “Khều cũng phải “khều” thêm bằng tay trái, thậm chí có thể vung các “chân” nữa mới “sống khỏe” được”, họa sĩ Khều hài hước. 

Một bức biếm họa thông thường được các tòa soạn trả nhuận bút chừng vài trăm ngàn, hiếm hoi mới có bức được trả bằng tiền triệu. “Vẽ biếm họa ở Việt Nam nói chung là một nghề nghèo, các họa sĩ thường phải bươn bải kiếm sống thêm bằng nhiều nghề khác”, họa sĩ Khều tâm sự. Trường hợp của anh cũng vậy, phải nhận thiết kế thêm các trang báo, sách, vẽ minh họa, trang trí, hợp đồng thêm với nhiều đối tác, ?các nhà hàng, quán cà phê... “Đất Sài Gòn đắt đỏ, để đủ tiền nuôi vợ nuôi con thì vẽ tranh biếm đâu có đủ...”, Khều chia sẻ.

“Để trở thành họa sĩ biếm chuyên nghiệp cực kỳ khó. Như một họa sĩ biếm người Anh từng nói, họa sĩ biếm là người có đầu óc của nhà bác học, có đôi tay của bác sĩ giải phẫu và sức mạnh của tên đồ tể...”

Họa sỹ Lý Trực Dũng
Còn theo họa sĩ Lý Trực Dũng, cây cọ gai góc trong làng biếm họa, ?số họa sĩ biếm ở Việt Nam sống được với nghề cũng chỉ vẻn vẹn một vài cái tên. Phần lớn là tay ngang hoặc cộng tác viên cho các báo ?chứ không hoạt động chuyên nghiệp. Lý do không chỉ bởi biếm họa là một nghề nghèo mà còn là nghề khó. “Để trở thành họa sĩ biếm chuyên nghiệp cực kỳ khó. Như một họa sĩ biếm người Anh từng nói, họa sĩ biếm là người có đầu óc của nhà bác học, có đôi tay của bác sĩ giải phẫu và sức mạnh của tên đồ tể...”

Tư duy, ý tưởng... là những “khâu” đặc biệt quan trọng để hình thành nên những bức biếm họa có hồn, đặc sắc. “Họa sĩ biếm chuyên nghiệp, có thể thể hiện nhanh ý tưởng được “đặt hàng” phải là những người có khả năng tư duy nhanh nhạy và sắc sảo khi hình thành ý tưởng. Không phải ai cũng có thể làm được những điều này...”, theo họa sĩ Khều.

Đòi hỏi cao như vậy nhưng thực tế, nhuận bút cho loại tranh có hàm lượng trí tuệ cao này lại ?bèo bọt. Theo nhiều họa sĩ biếm tiết lộ, hiện vẫn có nhiều tòa soạn chỉ duy trì mức nhuận bút trên dưới 200 ngàn/ một bức vẽ biếm họa, minh họa. Tệ hơn có nơi chỉ trả chưa đến trăm ngàn cho một mảnh tranh biếm họa. Bèo bọt như thế, nhưng có lẽ vì nghiệp mưu sinh, nhiều người vẫn đành... tặc lưỡi. 

Tự phát và èo uột

Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam không giấu diếm, tiếng là Chủ tịch Hội nhưng hiểu biết của ông về tranh biếm họa cũng rất... lơ mơ. Hỏi đội ngũ vẽ tranh biếm họa của Việt Nam bây giờ như thế nào, ông bảo “hình như cả nước có hơn 100 người”. Còn trong Hội, ?đội ngũ vẽ tranh biếm họa càng khiêm tốn, vẻn vẹn trên một chục người. Chủ tịch Hội lý giải, ?đất “canh tác” của tranh biếm họa là báo chí chứ không phải ?các triển lãm mỹ thuật thông thường. 

Mồ hôi nghề vẽ...tiếng cười ảnh 1 Biếm Họa của Khều

Thế nên, nhiều người chua chát, biếm họa vẫn bị xem là “đứa con rơi” của ngành mỹ thuật. Trong khi đó, tiếng là nơi “khai sinh” và đất sống chính của biếm họa thì sự quan tâm, ưu ái của các cơ quan báo chí đối với tranh biếm họa cũng không nhiều. Cũng theo họa sĩ Khều, ?chỉ cần nhìn vào bảng chức danh viên chức chuyên ngành báo chí sẽ thấy không có chức danh họa sĩ biếm mà chỉ có chức danh họa sĩ trình bày (đồ họa) và họa sĩ minh họa. Họa sỹ Khều chua chát: “Có lẽ, biếm họa chưa thực sự đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu của xã hội nên chưa được xã hội thừa nhận...”

“Chính vì chưa được quan tâm đúng mức nên hoạt động của biếm họa Việt chủ yếu là tự phát và ngày càng èo uột. Thời kỳ hoàng kim của tranh biếm họa Việt với nhiều cái tên đình đám ?đã qua từ rất lâu. Bây giờ, tranh biếm họa nhiều khi chỉ tồn tại như một thứ “phấn son” trang điểm trên nhiều tờ báo...”, họa sĩ Trần Khánh Chương thừa nhận. 

Nói đến sự tồn tại lép vế của biếm họa, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo phát hiện thêm, ngay trong ngành lý luận phê bình mỹ thuật cũng không có người theo dõi mảng tranh biếm họa. Các họa sĩ biếm họa ?Việt Nam chủ yếu phải tự thân ?vận động, tự vẽ, tự giải thích cho những thông điệp của tranh mà thiếu vai trò đánh giá khách quan của lực lượng lý luận phê bình chuyên nghiệp. 

Ước mơ một sân chơi

Tồn tại còn chưa chính danh, nên những sân chơi chuyên nghiệp dành cho biếm họa lại càng hiếm. Họa sĩ DAD từng ước mơ có một liveshow dành cho biếm họa; họa sĩ NOP lại mong có cơ hội ‘tụ tập” các họa sĩ biếm từ mọi miền đất nước, để cùng giao lưu, trao đổi kinh nghiệm... Vài năm gần đây, đời sống biếm họa mới vẻ như sôi nổi hơn với một vài cuộc thi của các tòa báo, cùng một vài triển lãm cá nhân, triển lãm nhóm... Tuy nhiên, những nỗ lực ít ỏi vẫn chưa đủ mạnh để vực dậy tiềm năng của loại hình nghệ thuật tiềm tàng nhiều lợi thế này. 

Ám ảnh của “đứa con rơi” phải chăng cũng chính là rào cản khiến các họa sĩ biếm Việt Nam lâu nay an phận thủ thường? Vốn mang trong mình một sức mạnh mà ít loại hình hội họa nào có được nhưng gánh nặng áo cơm dường như ?khiến ?thứ vũ khí phản biện xã hội vốn sắc bén ấy ngày càng bị mài cùn. Đời sống chông chênh, tranh biếm loay hoay chưa tìm ra lối thoát. “Tranh biếm về ?đề tài chính trị dường như vẫn là mảnh đất khiến các họa sĩ biếm rụt rè. Nhiều câu chuyện “nóng bỏng” được thế giới quan tâm cũng chưa được các họa sĩ biếm Việt Nam mặn mà khai thác. Họ thiếu những cơ hội tiếp cận, hoặc còn có nhiều lý do tế nhị khác nữa...”, ông Trần Khánh Chương nhận định.

Họa sĩ biếm Dzím (Hoàng Dzự) bộc bạch, các họa sĩ biếm là những người ?nhạy cảm, luôn quan tâm đến thời cuộc. Ông còn bảo, ?“chẳng sai khi nói rằng, họa sĩ biếm họa là những “kẻ điên” tỉnh táo và có trách nhiệm nhất với thời cuộc. Và vì vậy, đừng bao giờ quên những “kẻ điên” đó”. 

Họa sĩ cao niên Phạm Tấn Phú (85 tuổi), là người đã có hàng chục năm gắn bó với nghề vẽ biếm họa cũng chia sẻ, cứ tưởng người dân không quan tâm đến biếm họa, nhưng qua triển lãm Hướng về biển Đông của Hội Mỹ thuật Việt Nam vừa rồi, mới thấy sức sống của tranh biếm vẫn lớn lắm. 

“Có lẽ vì chúng ta chưa biết cách khai thác nên lâu nay vẫn cứ để các họa sĩ biếm phải ngậm ngùi. Đã đến lúc phải có thêm nhiều “kênh” để xốc dậy sức mạnh của biếm họa. Hội Mỹ thuật cần mạnh dạn tổ chức liên tục hơn những cuộc triển lãm giới thiệu, tôn vinh các tác giả- tác phẩm, nếu không muốn biếm họa vẫn bị xếp vào một góc như hiện nay...”, họa sĩ lão làng nói.

Họa sĩ Khều thì lạc quan cho rằng, có lẽ sẽ không xa lắm, họa sĩ biếm sẽ được công nhận như những họa sĩ chính danh. Tuy nhiên, anh cho rằng, không thể chần chừ, cần có nhiều giải pháp mới tháo gỡ được “thế khó” của tranh biếm họa hiện nay. 

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.