Đây là một sáng kiến chung của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) mà Việt Nam là quốc gia đầu tiên triển khai thí điểm.
PGS.TS Bùi Đức Dương, Cục phó Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết: “Sử dụng phương pháp điều trị HIV 2.0 góp phần giảm chi phí xét nghiệm và theo dõi của người bệnh. Đồng thời phân cấp điều trị cho người bệnh tới y tế cơ sở gần nơi người bệnh sinh sống và lồng ghép với hệ thống y tế hiện hành. Điều này sẽ giảm đáng kể kinh phí đi lại và tiết kiệm được khá lớn nguồn nhân lực”.
Phương pháp 2.0 góp phần tối ưu hóa công thức điều trị, giảm số lượng viên thuốc, giảm độc tính của thuốc. Để điều trị HIV/AIDS, người bệnh thường phải uống nhiều viên (loại) thuốc/lần uống và uống nhiều lần /ngày, nhưng với phương pháp này người bệnh chỉ cần sử dụng một viên thuốc phối hợp sẽ giảm được số lần uống.
Các thuốc này có tác dụng tương hỗ lẫn nhau, không ảnh hưởng tới các thuốc điều trị khác như thuốc chống lao, thuốc tránh thai... và thích hợp với cả người lớn, trẻ em, phụ nữ mang thai... Nhiều trường hợp, trong thời gian 4-8 tuần hoặc 8-12 tuần, không còn khả năng lây nhiễm cho người khác góp phần tăng chất lượng sống cho người bệnh, giảm tỷ lệ tử vong đến mức thấp nhất.
Hưởng lợi từ mô hình mới
Điện Biên là một trong những tỉnh đầu tiên triển khai thí điểm mô hình điều trị 2.0 từ năm 2011, tại 12 xã, phường. Đến nay mô hình này đã nhân rộng tại 32 xã, phường thuộc 4 huyện.
Theo đánh giá của ngành y tế, dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Điện Biên đang diễn ra rất nghiêm trọng, diễn biến phức tạp. Hiện nay 10/10 số huyện, thị, thành phố và 107/130 xã, phường trong tỉnh có người nhiễm HIV/AIDS. Tổng số trẻ em nhiễm HIV là 170 trẻ; trong đó còn sống là 136 trường hợp.
Cách trung tâm huyện Mường Ảng 20km là xã Mường Đăng, nơi có 4/7 bản có người nhiễm HIV. Trong 8 năm qua cả xã đã phát hiện tổng số 113 ca nhiễm HIV/AIDS. Ông Phùng Đức Chuyên, Trưởng Trạm y tế xã Mường Đăng cho biết từ khi có mô hình 2.0, các dịch vụ xét nghiệm, điều trị chuyển về xã nên thuận lợi cho bệnh nhân trong xã vì tiết kiệm được chi phí và thời gian đi lại.
Anh Lò Văn Phánh (36 tuổi, Bản Đắng, xã Mường Đăng) chia sẻ: “Tôi đưa vợ đi khám sức khỏe trên trung tâm y tế huyện, nhân tiện kiểm tra sức khỏe bản thân, bác sĩ phát hiện tôi nhiễm HIV và chỉ định điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) theo mô hình 2.0. Sức khỏe kém dần lại không có xe máy nhưng tôi vẫn phải cố vượt hơn 20 km mỗi lần ra huyện lấy thuốc. Từ ngày xã áp dụng mô hình 2.0, các dịch vụ điều trị được chuyển về xã nên tôi không còn lo lắng gì nữa, chỉ tập trung chữa trị”.
Cùng bản Đắng có chị Lò Thị Hoa (32 tuổi) phát hiện mình bị nhiễm HIV nhờ một đoàn xét nghiệm lưu động tại xã. Chị Hoa lây HIV từ người chồng có tiền sử nghiện chích ma túy.
Sau khi biết mắc bệnh, vợ chồng chị Hoa được điều trị theo mô hình 2.0, nhưng sau một thời gian người chồng bị đưa đi tập trung cai nghiện và tử vong do kháng thuốc vào năm 2011. Chị Hoa được uống thuốc tại nhà hằng ngày nên sức khỏe ổn định, da dẻ hồng hào, đủ sức làm việc nhà và chăn nuôi gia súc kiếm tiền nuôi 2 đứa con nhỏ.
Do được phân cấp tới hệ thống y tế cơ sở nên mô hình điều trị HIV 2.0 đã phát huy rất tốt hiệu quả việc quản lý và điều trị đối với các bệnh nhân nhiễm HIV, đặc biệt là đối với trường hợp bà mẹ mang thai nhiễm HIV. Tất cả các phụ nữ có thai dương tính với HIV trên địa bàn huyện đều được điều trị phương pháp 2.0. Cả mẹ và con sẽ được điều trị thuốc ngay từ đầu.
Ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, mô hình thí điểm điều trị 2.0 tiếp cận phổ cập, duy trì tính bền vững, tăng độ bao phủ của chương trình phòng chống HIV/AIDS, với 5 thành tố gồm: Phân cấp và lồng ghép dịch vụ HIV xuống y tế xã; Tư vấn xét nghiệm HIV và chăm sóc, điều trị HIV/AIDS tại tuyến xã/phường; Chẩn đoán sớm bằng 3 loại Test nhanh; Tối ưu hóa phác đồ điều trị (sử dụng thuốc TDF 1 viên/ngày); Huy động sự tham gia của cộng đồng trong giới thiệu, chuyển tiếp khách hàng, giảm mất dấu, giảm chi phí.
Ông Hoàng Xuân Chiến, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Điện Biên, cho biết: “Dịch vụ triển khai đến gần dân, giảm được các chi phí liên quan đến xét nghiệm HIV và điều trị cho bệnh nhân. Tăng cường xét nghiệm HIV cho các đối tượng nguy cơ cao và phụ nữ mang thai. Với việc xét nghiệm CD4 tại chỗ, bệnh nhân được nhận kết quả nhanh, được điều trị sớm hơn; có số lượng tế bào CD4 cao hơn; hạn chế các nhiễm trùng cơ hội”.