Mở cánh cửa hy vọng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Mỹ và nhiều quốc gia ở “lục địa già” mấy hôm nay khởi động lại chiến dịch dỡ bỏ hạn chế đi lại, mở ra cơ hội phục hồi nền kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch vốn “đóng băng” lâu nay.

“Chìa khóa” để dần mang lại cuộc sống dễ thở hơn cho người dân nơi đây, không gì khác chính là vắc-xin nhằm tạo miễn dịch cộng đồng.

Không phải khi đợt dịch lần thứ 4 bùng lên, chiến dịch tìm nguồn vắc-xin chống COVID-19 mới được Chính phủ quan tâm. Trước đó, thời điểm dịch bệnh đang căng thẳng trên thế giới, Việt Nam là một trong ít nước ở khu vực châu Á có được lô vắc-xin phòng COVID-19 đầu tiên, chủng ngừa cho các đối tượng ưu tiên. Vắc-xin được cho là “vũ khí” là “lá chắn” không thể thiếu trong chống dịch của nước ta.

“Ngoài 5K, chúng ta phải cộng thêm vắc-xin”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói như vậy trong cuộc họp Chính phủ đầu tiên mà ông nhậm chức. Và, để đạt được miễn dịch cộng đồng, không còn cách nào khác ngoài tiêm vắc-xin. “Việt Nam cần khoảng 150 triệu liều vắc-xin phòng COVID-19 tiêm phòng cho 75 triệu người dân, để tạo miễn dịch với tổng kinh phí hơn 25 nghìn tỷ đồng”, báo cáo của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, đã được Thủ tướng cụ thể hóa bằng lời phát động thành lập Quỹ vắc-xin phòng COVID-19 trong ngày 31/5.

Chỉ sau gần một tuần phát động, tôi vô cùng bất ngờ khi con số quyên góp, ủng hộ từ người dân, tổ chức, doanh nghiệp được công bố đã lên hơn 1.000 tỷ đồng. Tôi có thể gọi đó là “phong trào” bởi, từ những em bé 5 đến 7 tuổi “đập heo đất” lấy tiền gửi ủng hộ, từ những bạn trẻ góp tiền học bổng hay những đồng tiền tích cóp được từ những buổi ăn sáng… gửi đến Quỹ vắc-xin phòng COVID-19. Tại lễ ra mắt Quỹ này vào tối 5/6, hàng loạt doanh nghiệp, cá nhân, ban ngành đã tiếp tục chung tay đóng góp với con số lên đến hơn 6 nghìn tỷ đồng. “Đây là quỹ của sự nhân ái, của tinh thần đoàn kết, của niềm tin, của trái tim kết nối trái tim để chúng ta cùng nhau vượt qua khó khăn, góp phần tạo nên một Việt Nam chiến thắng, để một lần nữa chúng ta lại ghi danh, viết nên lịch sử chiến thắng vẻ vang của dân tộc - chiến thắng đại dịch COVID-19”- như lời Thủ tướng chia sẻ.

Không chỉ sự chung tay góp sức cấp tập của tất cả mọi tầng lớp người dân vì một Việt Nam chiến thắng đại dịch COVID-19, nhiều bộ ngành và Chính phủ vẫn đang nỗ lực ngày đêm để tìm kiếm và sớm đưa những liều vắc-xin quý giá về nước. Tín hiệu vui từ Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long như một tia sáng mà người dân có quyền hy vọng khi Việt Nam sẽ có khoảng 120 triệu liều vắc-xin phòng COVID-19 trong năm 2021 này, từ các cuộc thương thảo.

Trong khi tia sáng chống dịch bằng vắc-xin đang hé lên, thì ở mặt trận chống dịch tại hai “tâm dịch” lớn nhất nước là Bắc Giang và TPHCM cũng có nhiều tín hiệu lạc quan, đáng mừng. Các ổ dịch lớn nhất tại Bắc Giang đã được gom lại, và đã khống chế được 2/3 ổ dịch, các trường hợp truy vết trong cộng đồng giảm rất nhiều, theo lời Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn. Trong khi đó, số ca ở TPHCM đang giảm dần, cuối tháng 5 lên đến 50 ca nhưng những ngày đầu tháng 6 đã giảm mạnh, ca mắc đều được cách ly, không lây lan ra cộng đồng. Tín hiệu vui này đang cho chúng ta nhiều hy vọng công tác chống dịch sẽ sớm đạt được mục tiêu đặt ra. Sản xuất của doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất sớm được khôi phục hoàn toàn; người dân thoát khỏi sự bủa vây của COVID.

MỚI - NÓNG
Dải công viên ven sông Sài Gòn sắp có 'áo mới' đón tết Ất tỵ 2025
Dải công viên ven sông Sài Gòn sắp có 'áo mới' đón tết Ất tỵ 2025
TPO - Công viên chạy dọc từ cầu Ba Son đến cầu Thủ Thiêm với chiều dài hơn 1 km, tổng diện tích 10ha được đề xuất thực hiện để nối dài tổ hợp công viên ven sông Sài Gòn tạo nên sân chơi công cộng có sức chứa lớn, nhiều hoạt động mới lạ, thu hút người dân và du khách đến tham quan, giải trí, tận hưởng dòng sông.