Theo trang tin ABC News, dù chưa tìm được bất kỳ một dấu vết nào của chiếc máy bay MH370 chở 239 người biến mất trên hành trình đi từ thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia tới Bắc Kinh (Trung Quốc) cách đây đúng một năm (8/3/2014), quá trình tìm kiếm và dò xét đáy biển Ấn Độ Dương trong suốt 1 năm qua đã giúp các nhà khoa học khám phá nhiều điều về phần sâu thẳm của đại dương mà trước đó có rất ít thông tin.
Trong quá trình tìm kiếm máy bay MH370 do nước Úc dẫn đầu sau khi nhận được lời đề nghị của Malaysia, các tàu khu trục đã sử dụng sóng âm thanh sonar để định vị chiếc máy bay mất tích.
Hiện đội tìm kiếm đã hoàn tất rà soát 26.000 km2 đáy đại dương, tức 40% diện tích khu vực ưu tiên tìm kiếm. Nhưng họ vẫn chưa phát hiện bất kỳ dấu vết nào của máy bay MH370 ở vùng biển mà độ sâu có thể lên tới 6.000 m.
Suốt giai đoạn một từ tháng 6-10/2014, Công ty thăm dò dưới nước Fugro của Úc đã dùng một con tàu phát sóng âm thanh sonar đa tần số để thăm dò đáy dại dương. Sóng sonar sẽ phát đi một chuỗi tín hiệu theo hình quạt và sẽ phản xạ lại khi chạm vào bề mặt đáy biển. Thời gian thu nhận tín hiệu dội lại sẽ giúp các nhà khoa học xác định độ sâu đáy biển và bề mặt dội lại là cứng hay mềm.
Giám đốc dự án của công ty Fugro Paul Kennedy cho biết, giai đoạn dò tìm thứ 2 sẽ cung cấp những thông tin chi tiết hơn nhờ vào các thiết bị quét gắn trên một tàu ngầm không người lái và một số loại phương tiện nghiên cứu nhỏ được đưa xuống đáy biển.
Các thiết bị này từ hồi tháng 11 năm ngoái đã chụp và vẽ được bản đồ của khoảng 40% diện tích ưu tiên tìm kiếm. Giám đốc Kennedy cũng cho hay hiện tàu ngầm không người lái đang tìm kiếm bên trong một núi lửa ngầm dưới đáy biển.
Một thiết bị tìm kiếm dưới nước hiện đại trong chiến dịch tìm tung tích MH370. (Ảnh: SMH)
Dù cho tới nay, các cuộc tìm kiếm vẫn chưa mang lại kết quả nào, nhưng các nhà khoa học đã có nhiều phát hiện kỳ thú trong quá trình chụp ảnh và lập bản đồ chi tiết khu vực tìm kiếm MH370.
Thông qua các phương pháp tìm kiếm hiện đại, các chuyên gia đã xác định được một số điểm mà độ sâu đáy biển có sự sai lệch lên tới 1,5 km so với số liệu trước đây thu thập từ ảnh vệ tinh.
Trang tin SMH dẫn lời nhà địa lý học người Úc Stuart Minchin, trưởng khoa Địa chất môi trường ở Viện Địa chất Úc thông báo: “Chúng tôi tìm thấy những tàn tích núi lửa, với ngọn cao hơn 2.200 m và có đường kính miệng núi lên tới 14 km. Những thông tin này trước đây hoàn toàn không được báo cáo trong các dữ liệu nghiên cứu”.
Thành tựu nổi bật nhất là việc các nhà khoa học tìm ra một rặng núi ngầm dài 34 km, rộng 7 km và cao 1.500 m. Ngoài ra, họ cũng phát hiện những ngọn núi cao cỡ núi Kosciuszko của Úc (2.228 m), những hẻm núi lớn như Grand Canyon ở Mỹ ở dưới đáy Ấn Độ Dương. Chúng là những chi tiết chưa từng được biết đến và chưa từng xuất hiện trên các bản đồ đáy biển trước đây. Tiến sỹ Minchin cho biết các nhà khoa học thường chỉ có những hình ảnh vệ tinh về đáy vùng biển tìm kiếm và nhiều vùng biển sâu thẳm khác để từ đó, ra phác thảo sơ bộ.
Mô hình 3D mô phỏng một phần đáy biển Ấn Độ Dương trong khu vực thuộc phạm vi tìm kiếm MH370. (Ảnh: Geoscience Australia)
Tuy nhiên, theo ông Minchin, hiện trọng tâm của đội nghiên cứu vẫn là tìm kiếm máy bay MH370. Dù vậy, ông đánh giá rằng những thông tin mới có được trong quá trình tìm kiếm sẽ vô cùng hữu ích cho các nhà địa lý và đại dương học trong nhiều năm tới.
Khu vực tìm kiếm MH370 nằm khá gần nơi gặp nhau của 2 mảng kiến tạo Ấn-Úc và Nam Cực, cũng là 2 trong 7 mảng chính tạo nên vỏ Trái Đất theo thuyết kiến tạo mảng.
Trong một diễn biến mới của cuộc tìm kiếm máy bay MH370, ông Peter Foley, giám đốc cơ quan an toàn giao thông Úc, tổ chức dẫn đầu cuộc tìm kiếm máy bay MH370, mới đây quả quyết đội tìm kiếm sẽ vén bức màn bí ẩn của vụ tai nạn được cho là khó hiểu nhất trong lịch sử hàng không này.
Úc hồi năm ngoái đã cam kết sẽ chi tới 89.9 triệu USD cho công tác tìm kiếm, trong khi Malaysia chi khoản tiền 60 triệu USD, còn Trung Quốc cử 2 tàu tìm kiếm chiếc máy bay mất tích.
Tuy nhiên, mới đây Thủ tướng Úc Tony Abbott cho hay nước này không thể duy trì một cuộc tìm kiếm với cường độ lớn như thế này mãi mãi. Hoạt động rà soát biển tìm tung tích MH370 sẽ phải đi đến hồi kết.
Các bộ trưởng Úc, Malaysia và Trung Quốc tháng tới sẽ gặp mặt để quyết định liệu có tiếp tục công tác tìm kiếm bên ngoài 60.000 km 2 đã xác định trước đó hay không.