Gặp hai người một lúc, bọn tôi hay gọi đùa Phú Quang là “Quang vô Lý” vì hai người đều có chữ Quang ở tên nhưng Phú Quang không có chữ Lý như Quang Lý. Trong bất cứ tình huống nào, trả lời phỏng vấn hay bị trêu chọc cái gốc Hải Phòng “hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu, ngoài ra có biết gì đâu”, Quang Lý đều cười hiền lành. Trong khi Phú Quang rất chịu khó giao đãi với khán giả và báo chí thì Quang Lý lên sân khấu không phi lộ gì, không kể giai thoại nào. Ngoài đời cũng vậy. Người đâu mà hiền quá thể, đến nỗi bọn tôi còn hỏi Phú Quang rằng người như thế liệu có bị nhạt không đấy. Về phong cách biểu diễn thì gợi liên tưởng danh ca Pháp Tino Rossi, mất năm 1983. Ông này cầm đàn guitar như cầm cái chảo lớn, bước ra sân khấu như người ra nghe điện thoại nhưng cất giọng thì...
Ngay trong giới văn nghệ sĩ với nhau, nhiều người thèm muốn vinh quang của các ca sĩ. Giới này bị đồn là chỉ cần ăn tốt ngủ tốt, tức khắc hát tốt. Nhất là ngủ. Nên ca sĩ thường dậy rất muộn. Về tính cách, các thế hệ sinh viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam truyền tai nhau rằng những người học khoa Kèn thường có vẻ hào phóng, thoáng hơn cả. Ca sĩ được trời cho giọng hát, có khi họ chỉ hát từ cổ họng ra nhưng hát lên nghe như thể một người sâu sắc. Tôi không biết gì nhiều về Quang Lý, có lẽ ông là một người sâu sắc chứ không chỉ có cái giọng trời cho.
Nhà văn Hồ Anh Thái từ Indonesia (anh đang có nhiệm kỳ làm phó đại sứ ở đây) gửi tôi đường dẫn Quang Lý hát “Giấc mơ Chapi”, nói trong các ca sĩ hát bài này, anh thích nhất Quang Lý. Với bài này, tôi lại có ý thích những người như Y Moan và Y Zắc, chất rừng rú ở họ hát “nơi ấy chỉ có một mùa yêu nhau” thì tuyệt. Cũng như Ngọc Sơn thời đỉnh cao hát “Chiếc vòng cầu hôn” thì ai vượt được. Còn Quang Lý, không ai vượt được trong rất nhiều trường hợp: “Thuyền và biển”, “Khúc mùa thu”, “Tóc gió thôi bay”, vân vân. Ông hát đặc biệt hay trong chương trình của những nhạc sĩ khó tính như Trần Tiến, Phú Quang. Với những nhạc sĩ này, một giọng hát hay, bản năng là chưa đủ. Và họ đã khiến giọng Quang Lý cất lên nghe không chỉ cực kỳ du dương, tình cảm mà thôi. Khán giả chỉ có nước bị đánh gục.
Trần Tiến kể chuyện hai người tung hứng “Tạm biệt chim én” với nhau, chưa nghe hát chỉ nghe kể đã thấy hấp dẫn. Còn Phú Quang, cách đây hơn chục năm gặp, tôi nhận xét “Quang Lý hát vẫn hay như hồi 1994 nhỉ”, Phú Quang đáp: “Càng hay chứ không phải vẫn hay. Càng ngày càng hay!”. Ví như “Khúc mùa thu” ngoài Quang Lý thì ai thay nổi sau khi Lê Dung qua đời: “Mênh mông quá khoảng trống này ai lấp/ Khi thanh âm cũng bất lực như lời” vẫn được Quang Lý - Phú Quang cười tít mắt hát thành “Khi thanh âm cũng bất lực như người”. Hơn hai chục năm nay gần như đêm nhạc nào của Phú Quang cũng phải có Quang Lý, không có không xong. Ngay Lê Dung mà ông hết lời xưng tụng cũng từng bị chỉnh rất nhiều, ví dụ khi hát “Lang thang” của ông, còn Ngọc Tân thì luôn được dặn “Đừng có nức lên đấy”. Riêng Quang Lý, về con người không nói còn giọng hát, chưa nghe Phú Quang phàn nàn bao giờ.
Báo chí báo thì viết Quang Lý sinh 1951, báo viết sinh 1949. Có người nói Quang Lý vài năm gần đây sức đuối, hát yếu hơn. Ai đã nghe ông hòa giọng cùng Hà Trần, Tùng Dương, Thanh Lam trong ca khúc “Người Hà Nội” ở chương trình Giai điệu Tự hào hai năm trước, ắt không thể đồng tình ý kiến này. Nếu Hà Trần trong trẻo, tinh tế, mực thước thì Quang Lý thanh lịch, sang trọng, cất tiếng hát là khiến người nghe chỉ muốn ôm lấy Hà Nội vào lòng, và thấy “Người Hà Nội” xứng đáng là ca khúc hay nhất về Hà Nội. Vinh quang của ca sĩ được người đời thèm muốn cũng phải thôi.
Họ, nhiều ca sĩ dù nổi tiếng đến đâu nhưng người thích người không, còn Quang Lý, Mạnh Hà, Ngọc Tân chỉ có thể nói là của báu. Lứa sau này có Bằng Kiều, Trọng Tấn... Nghe họ hát, thấy tiếng Việt sao mà đẹp, nhạc sĩ Việt sao mà tài năng, ca sĩ Việt sao mà giỏi giang, hay ho. So với rất nhiều Nghệ sĩ Nhân dân chẳng được mấy người biết (nhất là trong giới sân khấu, điện ảnh), danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú với Quang Lý quả khiêm tốn nhưng có hề chi. Bởi cái cảm giác mất mát và tiếc nuối thực sự của công chúng khi họ nằm xuống, danh hiệu nào đo nổi.