Giọng nữ gào duy nhất của Rock Việt

Nữ ca sĩ hardcord Dương Bùi. Ảnh: Lan Hương
Nữ ca sĩ hardcord Dương Bùi. Ảnh: Lan Hương
TP - Trước giờ diễn, nhìn cô gái bé nhỏ đi lại quanh khu vực loa đài , nhiều người nghĩ cô trong đội kỹ thuật âm thanh hoặc trợ lý sân khấu. Khán giả không tránh khỏi ngạc nhiên khi nhạc nổi lên và cô ấy, ca sĩ chính của Windrunner cất giọng gào.

Đam mê nhạc nặng “không cát-sê”

Gia nhập giới hardcord (nhạc nặng) mới gần 2 năm, ban nhạc Windrunner đã giành được nhiều cảm tình của khán giả vì phong cách máu lửa, khuấy động sân khấu và sở hữu giọng nữ scream (giọng gào) duy nhất của VN.

Nhìn ngoài đời, dáng người nhỏ bé tròn tròn, khuôn mặt hiền hiền chân chất của Dương Bùi hợp với nghề giáo viên Tiếng Anh mà cô đang làm hơn là ca sĩ nhạc nặng.

Từ thời học cấp 3 chuyên Anh, Bùi Thùy Dương đã quan tâm đến rock. Cô tự vào mạng học nốt nhạc, tập guitar, keyboard, hát qua youtube. Đại học Ngoại thương là nôi đào tạo nhiều tài năng nghệ thuật nghiệp dư nhưng Dương không tham gia các câu lạc bộ trong trường mà tiếp tục đam mê với dòng nhạc đầy nam tính. “Tôi chẳng có kỷ niệm thời sinh viên mấy vì lúc đó chăm chỉ ngày học, tối đi làm gia sư Tiếng Anh kiếm tiền để được chơi nhạc”.

Xuất hiện mới hơn hai chục năm trên thế giới và vài năm gần đây ở Việt Nam, dòng nhạc nặng (hardcord) cũng như khái niệm scream (giọng gào) còn khá lạ lẫm với khán giả yêu rock. Dân hardcord cực đoan không chịu chuyển nghĩa scream sang tiếng Việt, họ nói scream có 4-5 loại, là kỹ thuật hát gầm, gào, thét ém hơi trong lồng ngực, nếu không biết cách hát sẽ mau mệt và hát không được dày hơi. Dịch là gào chưa đúng lắm nhưng tạm hiểu là vậy. Nam nhi giới nhạc nặng, người hát cũng như người nghe nể Dương Bùi và dành cho cô cảm tình đặc biệt và vì thế.

Hardcord là dòng nhạc kén người nghe, ít khán giả nên hầu như không có cát-sê. “Chúng tôi đóng tiền thuê chỗ tập, tự sắm nhạc cụ, chi phí đi lại. Khi có show, được nhà tổ chức lo trang âm, có sân khấu để mình diễn là hạnh phúc lắm rồi”.

“Epione” là ban nhạc đầu tiên Dương gia nhập với vai trò chơi keyboard và hát bè (backing vocal). Tại đây Dương quen được ca sĩ Hiếu Trung, đàn anh chỉ bảo cho Dương cách hát scream. Dương xem qua youtube, ngậm cây đũa ngang miệng, tập nén hơi luyện thanh. Tập trong hai tháng cô đã có thể hát chính. “Epione” tan vì Hiếu Trung đi du học. Ban nhạc “Alive in sight” Dương tham gia sau đó cũng không trụ được nhưng có một thành viên cùng chí hướng “sống chết với hardcord” đã rủ Dương Bùi trở thành đồng sáng lập Windrunner. Dương hâm mộ Trung Tone về mọi mặt. Hơn Dương có hai tuổi thôi nhưng Trung Tone giống như một đại ca đa tài. Chơi guitar, hát bè, hát được giọng gào, sáng tác, sản xuất MV, quản lý nhóm, sở hữu phòng thu chuyên nghiệp. Đó là người từng sống, học tập nhiều năm ở nước ngoài, đi gần hết thế giới. Đã thế lại cực kỳ khéo tay, Trung Tone chế ra một loại gel vuốt tóc sành điệu có tiếng trên thị trường. “Tình yêu của anh ấy với hardcord ở mức tôi chẳng dám so sánh”.

Các ca khúc của Windrunner  tự viết hoàn toàn bằng tiếng Anh bởi tiếng Anh không dấu hát scream sẽ hiệu quả hơn. Tôi và anh Trung khá hợp nhau khi cùng sáng tác một bài hát. Mà cùng nhau thì mọi việc (thuộc về nhạc thôi nhé) đều rất trôi, Dương khoe. Khi nghe Windrunner, khán giả cảm nhận trọn vẹn sự ăn ý của của Dương Bùi và Trung Tone với nhau và với các thành viên còn lại trong ban nhạc.

Mặc cho câu chuyện “gào không công” là vấn đề nhức nhối với một số nghệ sĩ nhạc nặng, Dương Bùi và Trung Tone vẫn coi hát là niềm hạnh phúc đáng để đóng tiền mỗi tháng. “Có lần tụi tôi được mời hát ở Hội chợ triển lãm vào giữa trưa. Chỉ có duy nhất hai khán giả. Trang âm của nhà tài trợ rất tốt nên ban hát vẫn sung. Chúng tôi bảo nhau coi như một buổi tập chất lượng cao”. Có lần hát mở màn Lễ hội  hardcord “School Of Mosh”, trời lạnh 6º rét căm căm, cả nhóm vẫn cháy hết mình.

Buổi diễn có được khoảng 150 khán giả là lý tưởng lắm với nhạc nặng. Từ single đầu tay “Gravity”, MV “Roshan” rồi đến mini album “VUI”, Windrunner luôn nhận được phản hồi tốt từ người nghe. Gần đây ban nhạc là khách mời thường xuyên của Festival “School Of Mosh” và Lễ hội âm nhạc dã ngoại Quest. Trước kia khán giả tây đông hơn ta, gần đây tỉ lệ đã ngang ngửa. Khi diễn ở Hàn Quốc, Windrunner không hề cảm thấy bị lép vế so với những ban khủng của châu Á.

“Thế hệ mình hay phết!”

Tại VN mới có khoảng  8 ban hardcord. Mặc cho dòng rock kinh điển dễ nghe có lượng fans áp đảo, hardcord Việt vẫn giữ lửa cuồng nhiệt cho lượng khán giả ít ỏi nhưng trung thành của mình. Nhìn từ xa khán phòng của Windrunner như có cuộc đánh lộn, thực ra khán giả đang vung tay, đá chân, nhảy chồm lên nhau trong tiếng nhạc. Họ leo lên sân khấu nhảy lao đầu xuống, có người đỡ. Họ trèo lên trần thả tay rơi người, có người đỡ. Ở ngoài đời khán giả hardcord là những người hòa nhã lịch sự nhất mà bạn thấy. Bản thân Dương rất yêu mèo, cô phát hiện ra đa số dân hardcord thích động vật, đặc biệt là mèo và chó,

Họ nhờ rock giải tỏa tiêu cực một cách tích cực nhất, Dương Bùi tỏ ra phấn khích khi kể về các fans ruột. “Bài hát của chúng tôi nói về cảm xúc của mọi người lúc bế tắc, chuyển biến và những tia hy vọng”. Đưa bản năng hướng lên chứ không nhấn chìm.

Số đông người nghe nhạc phổ thông không chịu nổi tiếng ồn loạn nhịp tim của hardcord. Dương chia sẻ “người chơi nhạc và khán giả chúng tôi chắc chắn có tinh thần và thể chất khỏe mạnh”.

“Dương có nghĩ mình là người nổi loạn không?”. “Tôi nghĩ ai cũng có thể là người nổi loạn tùy theo cách của họ. Có người nổi loạn bằng vẽ, bằng viết, có người bằng nấu ăn”. Khi người ta tìm ra thứ khiến họ thích mãnh liệt, họ sẽ quậy tung đúng góc đó.

Dương cho rằng 9X là một thế hệ đẹp. Chỉ cần điện thoại và laptop họ dễ dàng khám phá thế giới. Họ sẵn sàng cho trạng thái rơi tự do. “Thế hệ nào cũng có sứ mệnh riêng. Tôi thấy thế hệ mình hay phết”.

Ở Dương có sự tương phản luôn gây bất ngờ. Một đồng nghiệp hardcord đã nói về cô ấy “Trên sân khấu Dương điều khiển không khí, quậy tung, bốc lửa, còn ở ngoài đời dễ thương, rụt rè. Khi bị trêu Dương hay xấu hổ, túng lúng chẳng phản ứng gì”. “Bạn ấy có vẻ là người kín đáo và sống nội tâm”. “Dương là người nhiệt tình nhanh nhẹn trong mọi hoạt động chung của cộng đồng hardcord”.

Trung Tone coi Dương vừa như em gái, vừa như một đồng nghiệp tài năng. Dương bé hơn, không có điều kiện kinh tế như ông anh nhưng từ ngày chơi nhạc cùng nhau, cô em luôn đóng góp sòng phẳng. Mỗi tuần cả nhóm cố gắng tập một buổi. Tiền thuê phòng mất 200 nghìn/ 2 giờ. Chia đều cho mỗi thành viên đóng góp.

Không nhiều ca sĩ có khả năng hát scream rồi chuyển sang hát clean (giọng sạch thông thường) ngay trong bài và ngược lại từ giọng sạch chuyển ngọt sang gào. “Dương Bùi là niềm tự hào của nữ nhi rock Việt”. Có một vài bạn nhờ Dương chỉ cách hát scream nhưng chưa có ai theo đuổi đến cùng. Học trò ở trung tâm Tiếng Anh tự mò Facebook, nghe cô giáo Dương gào, họ không giấu được ngạc nhiên, khẽ khàng phản hồi: “ không thể tưởng tượng được!”, “nặng quá cô ạ”…

Từng theo dõi cộng đồng rock Việt và tham dự tour diễn Hardcord châu Á tại Hàn Quốc của Windrunner, nhà báo Billy Gray viết trên trang  wordhanoi.com: “Ban nhạc 5 thành viên Windrunner đến từ Hà Nội  được biết tới bởi những màn trình diễn tràn đầy năng lượng và một phần bởi ca sĩ chính Dương Bùi, một cô gái nhỏ nhắn với giọng hát đầy nội lực”.

Chả lý do nào để bỏ hardcord

Hồi sinh viên, bố mẹ thấy Dương học đàn hát chỉ sợ con sao nhãng việc học. Dương chứng minh với phụ huynh bằng bảng điểm cao và tự lực đi dạy thêm để không phải xin tiền cho đam mê của mình. Có lần bị trách, Dương nói “Không được chơi nhạc chắc con sẽ chết”.

Gần đây Dương mới mời bố mẹ đi xem. Kết thúc buổi diễn mẹ nói: “mẹ thấy cũng hay đấy”. Còn bố bảo: “Con gào như thế mà không bị đau họng, có lẽ con phải khổ luyện ghê lắm”.

“Tôi không thể hình dung cuộc sống của mình ban ngày đi dạy học, tối về đi ngủ. Nó sẽ nhạt nhẽo đến thế nào. May mà có âm nhạc”.

Dương khá buồn cười khi được hỏi “nếu tuổi lớn hơn có chọn dòng nhạc nhẹ hơn bây giờ không?”. Hồi cùng Windrunner đi Hàn Quốc, Dương gặp nữ ca sĩ 36 tuổi người Hàn Quốc hát scream cuồng nhiệt điên đảo. Nhìn chị ấy cống hiến trên sân khấu thấy tuổi tác không có vai trò gì ở đây. “Tôi nghĩ, sau này lấy chồng sinh con tôi vẫn theo dòng nhạc nặng, vẫn scream. Hardcord là công việc nghiêm túc mà tôi đam mê. Chẳng điều gì khiến tôi từ bỏ nó cả”.

Mới đây Minh Cò, tay guitar của ban đã chia tay nhóm trở về Huế tìm việc làm ổn định. Điều này khiến bốn thành viên còn lại hẫng hụt. Họ phải chơi hết mình thêm nữa để lấp đầy chỗ trống đó. Dương Bùi có một giấc mơ giản dị là đừng có thêm ai rời nhóm. Mong sao các thành viên luôn cùng một thành phố, không ai phải chơi nhạc trong tình trạng nhấp nhổm du học hay tìm chốn mới để mưu sinh.

MỚI - NÓNG