Ngày 5/12, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết đang hoàn tất hồ sơ khởi tố vụ án để điều tra nghi vấn bé trai 2 tuổi mới tử vong cùng anh trai 7 tuổi (đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM) bị nhiễm độc thuốc diệt cỏ có chủ ý. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy nạn nhân bị tổn hại nghiêm trọng gan, phổi và thận.
Một ngày trước cơ quan điều tra đã mời chị Nguyễn - mẹ hai bé trai - đến làm việc. Tuy nhiên, chị này rất yếu, cơ thể suy nhược nghiêm trọng nên không thể đến trụ sở. Để kịp thời làm rõ vụ việc, các điều tra viên đã đến nhà chị Nguyễn.
Khi cảnh sát hỏi về việc có biết các con bị nhiễm độc không, người phụ nữ một mực phủ nhận việc tiêm thuốc độc vào hai con trai. Chị này luôn kể về việc nghèo khổ, bị chồng đối xử tệ bạc, thường xuyên đánh đập nên buồn chán. Khi cảnh sát đề nghị kiểm tra hai cánh tay, chị này chỉ đồng ý cho xem cánh tay phải, còn cánh tay trái thì giấu kín trong áo dài tay và cương quyết không đưa tay ra.
Trước đó, chị Nguyễn được đưa đến cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) trong tình trạng sốt cao. Mấy ngày nằm cấp cứu tại đây, tình trạng sức khỏe chị ngày càng xấu.
Theo chẩn đoán của các bác sĩ, chị Nguyễn bị suy thận, suy gan, máu đông gây khó khăn trong việc thử máu. Những biểu hiện này khá giống với trường hợp bị nhiễm độc. Trước tình trạng nghiêm trọng, các bác sĩ đề nghị chị Nguyễn chuyển lên tuyến trên điều trị, nhưng bệnh nhân từ chối. Đến tối 2/12, bệnh nhân xin được xuất viện đồng thời cam kết tự chịu trách nhiệm.
Vẻ dè đặt, chị Nguyễn cho biết thời gian sống với chồng tại An Giang phải cùng các con đi bán vé số rất cực khổ. Không chịu nổi cảnh thiếu thốn, chị đã mang hai con về Bà Rịa - Vũng Tàu sống với mẹ đẻ. Chồng chị theo lên ở mấy ngày, liên tục đe dọa và đánh đập chị, đòi bắt con.
Hai ngày sau khi em trai qua đời, sáng 5/12, cậu anh 7 tuổi vẫn nằm tại khoa Hồi sức tích cực - chống độc bệnh viện Nhi Đồng 1 để được chăm sóc đặc biệt. Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, giám đốc bệnh viện cho biết, vẫn phải theo dõi chặt chẽ bé bởi có thể suy hô hấp bất cứ lúc nào.
"Bé tỉnh, không cần thở máy nhưng phổi và gan bị tổn thương nặng. Bệnh nhi có thể vào cơn suy hô hấp bất cứ lúc nào do phổi bị xơ", bác sĩ Hùng cho biết.
Cũng theo bác sĩ Hùng, với tổn thương gan phổi vốn chưa có thuốc điều trị, bệnh nhân phải được theo dõi ít nhất vài tuần nữa, chưa thể nói trước điều gì. Tiên đoán sinh tồn, theo các bác sĩ trực tiếp điều trị là "hết sức dè dặt"
Bệnh nhi (bên phải) vẫn đang được theo dõi tại phòng chăm sóc đặc biệt. Ảnh: Thiên Chương
Nhập viện cùng em trai hơn 10 ngày trước, hai anh em đều có dấu hiệu vàng da nghi do nhiễm độc. Xét nghiệm máu, các bác sĩ xác định cả hai nhiễm thuốc diệt cỏ Paraquat, loại hóa chất không thể tự có trong cơ thể. Trước đó bé khai với bố, đã bị mẹ tiêm thuốc vào người.
Theo các bác sĩ, ghi nhận ở mông của bé 2 tuổi có một khối u sưng xung quanh một vết thương giống dấu kim tiêm, ở cậu anh cũng có một vết tương tự ở bắp tay. Ngày 2/12, cậu em qua đời dù đã được cấp cứu tích cực.
Các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, bệnh viện thi thoảng vẫn tiếp nhận một số ca ngộ độc paraquat (thường trẻ uống nhầm hoặc trẻ lớn tự tử). Paraquat là loại thuốc diệt cỏ có độ độc cao nhất trong số loại thuốc diệt cỏ. Trong các tai nạn ở trẻ em paraquat gây tử vong đến 75%. Liều độc tương ứng 4-5ml dung dịch 20% ở trẻ em, 10-15ml dung dịch 20% ở người lớn.
Sau khi uống trong vòng 20 phút đến hai giờ, paraquat vào trong máu và cố định ở các mô như gan, thận, thượng thận, tụy, tập trung nhiều ở phổi, làm hoại tử tế bào, tổn thương đa cơ quan (suy thận, suy gan), gây xơ phổi bất phục hồi và tử vong. Hiện chưa có phương cách nào điều trị hiệu quả tình trạng xơ phổi do paraquat, kể cả biện pháp ghép phổi. Vì vậy, trẻ ngộ độc paraquat khi có dấu hiệu tổn thương phổi thường không tránh khỏi tử vong.
Xuân Mai - Thiên Chương
*Tên người mẹ đã được thay đổi.