Mây phóng xạ đến Việt Nam

Mây phóng xạ đến Việt Nam
TP - Hôm qua, lần đầu tiên kể từ khi xảy ra sự cố nổ lò phản ứng nhà máy điện hạt nhân Fukushima I của Nhật Bản, một trạm quan trắc kiểm xạ môi trường của Việt Nam đã phát hiện chất phóng xạ bay đến từ Nhật Bản.

>> Phát hiện phóng xạ trong không khí ở Việt Nam

Ảnh trang 1: Một phần mây phóng xạ đã đến miền Bắc nước ta trong khi khối mây phóng xạ lớn tiếp tục lan rộng và “có vẻ tiến gần miền nam VN”. (nguồn CTBTO)
Ảnh trang 1: Một phần mây phóng xạ đã đến miền Bắc nước ta trong khi khối mây phóng xạ lớn tiếp tục lan rộng và “có vẻ tiến gần miền nam VN”. (nguồn CTBTO).

Địa điểm phát hiện là tại trạm quan trắc mẫu sol khí ở Viện Khoa học&Kỹ thuật Hạt Nhân trên đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội. Đúng như dự đoán, hàm lượng phát hiện rất nhỏ, khoảng 24,2±2,8 mBq/m3 . Song hàm lượng ấy vẫn lớn gấp 10 lần ngưỡng phát hiện của thiết bị quan trắc. TS Trịnh Văn Giáp, Viện trưởng Viện KH&KT Hạt nhân, cho hay, hôm nay (29-3) sẽ có kết quả của trạm kiểm xạ môi trường đặt ở tỉnh Lạng Sơn, giáp Trung Quốc.

Hạt nhân phóng xạ được phát hiện là Iodine-131 (I-131). I-131 là sản phẩm của phản ứng phân hạch với thời gian bán rã là tám ngày. Thời gian bán rã như thế thuộc loại ngắn trong số các hạt nhân phóng xạ nhân tạo rò rỉ từ máy điện hạt nhân.

Theo đó, cứ sau mỗi tám ngày, nếu không bị bổ sung, lượng I-131 phân hủy một nửa. Có nghĩa là lượng I-131 nếu xâm nhập vào cơ thể sẽ nhanh chóng bị phân hủy và đào thải hơn so với các hạt nhân phóng xạ khác. Rất may, các hạt nhân phóng xạ có thời gian bán rã dài (có loại có thời gian bán rã lên đến 10 năm) chưa thấy xuất hiện ở Việt Nam.

Trước đó, Trung tâm Dữ liệu Quốc gia Việt Nam nhận định, mây phóng xạ nếu đến Việt Nam sẽ rất khó phát hiện ảnh hưởng của chúng đến nền phông phóng xạ (vốn có trong tự nhiên) ở Việt Nam. Hôm qua, cũng lần đầu tiên, Trung tâm Dữ liệu Quốc gia Việt Nam trong mạng lưới của CTBTO phát thông báo đám mây phóng xạ có thể tiến gần đến miền nam Việt Nam.

Theo mô phỏng đám mây phóng xạ trong ngày 28 và 29-3, mây phóng xạ “có xu hướng lan rộng ra và có vẻ như tiến gần Việt Nam theo hướng đông nam”. Đến hết 29-3, Trung tâm dự báo, có thể có một vài đám mây nhỏ nằm tản mạn, sát vùng phía bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc) và phía nam Việt Nam, gần mũi Cà Mau và đảo Phú Quốc.

Nhưng với việc phát hiện I-131, TS Trịnh Văn Giáp cho rằng, có thể một phần đám mây đã lan đến phần lãnh thổ phía bắc nước ta và, do đám mây này rất nhỏ, nên không được để ý nhiều đến đám mây lớn di chuyển phía nam nước ta.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG