Thời gian gần đây, trên thị trường các máy đo an toàn thực phẩm được quảng cáo khá rầm rộ. Loại máy này dùng để phát hiện hàm lượng nitrat, nitrit tồn dư trong thực phẩm có trong các chất bảo quản, thuốc bảo vệ thực vật, và các chất tẩy rửa tổng hợp.
Sản phẩm bán phổ biến xuất xứ từ Nga, được quảng cáo là có thể kiểm tra nhanh trong 20 giây bằng việc cắm chiếc kim của máy vào thực phẩm. Hàm lượng tồn dư nitrat được đánh giá bằng cách đo mức độ dẫn điện của dòng điện xoay chiều tần số cao trong sản phẩm. Kết quả kiểm tra phân tích hiển thị trên màn hình với lượng nitrat bằng miligam trên kilogam. Thiết bị được quảng cáo có thể phát hiện hàm lượng nitrit, nitrat ở 60 loại hoa quả, thực phẩm.
Ngoài các máy đo thực phẩm kể trên, trên thị trường còn bán bộ sản phẩm test nhanh thực phẩm của Viện Kỹ thuật Hóa sinh và Tài liệu nghiệp vụ, Bộ Công an. Sản phẩm này gồm nhiều loại, mỗi loại có khả năng phát hiện một độc tố trong thực phẩm như que test kiểm tra nhanh foocmon, dùng để kiểm tra nhanh fomaldehyd trong một số loại thực phẩm hải sản sống, thịt cá tươi, bánh phở, bún; test kiểm tra nhanh phẩm màu cho phép kiểm tra, xác định nhanh phẩm màu kiềm trong thực phẩm như bánh, kẹo, các loại mứt, nước giải khát. Test kiểm tra nhanh Nitrit giúp kiểm tra nitrit trong nước, đồ uống, nước giải khát không màu; test kiểm tra nhanh thuốc trừ sâu để kiểm tra, phát hiện thuốc trừ sâu nhóm lân hữu cơ và carbamate trong rau, quả.
Sản phẩm được bán theo hộp, mỗi hộp có 20-30 que thử tùy loại, mỗi que thử sử dụng một lần. Giá cho các sản phẩm này tương đối cao, hộp test kiểm tra nhanh foocmon gồm 20 que, giá 500 nghìn đồng, hộp test kiểm tra nhanh thuốc trừ sâu có 10 que giá hơn 700 nghìn đồng, test kiểm tra nhanh Nitrat, hộp 20 test giá 451 nghìn đồng.
Ngoài ra, Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng đang thử nghiệm que thử phát hiện nhanh vi khuẩn tụ cầu vàng trong thực phẩm - một trong những nguyên nhân chính gây ra ngộ độc thực phẩm. Sản phẩm dự kiến ra thị trường vào 2016.
Test nhanh, sai số cao
Đánh giá về dòng máy đo an toàn thực phẩm đang bán trên thị trường hiện nay, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm, trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, tôi thấy không thực sự cần thiết.
Theo PGS Thịnh, nitrit và nitrat, nếu hàm lượng vượt quá mức cho phép sẽ ảnh hưởng đến khả năng lưu thông oxy trong máu. Tuy nhiên đây không phải là mối đe dọa nghiêm trọng từ thực phẩm hiện nay. “Trên thực tế có nhiều độc tố nguy hiểm hơn nitrat và nitrit rất nhiều nhưng máy này không thể đo được”, GS Thịnh đánh giá. Cũng theo ông, sản phẩm này chỉ cần cho một số hộ trồng rau xuất khẩu, dùng để đo hàm lượng nitrit, nitrat trong sản phẩm có đáp ứng được tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu hay không.
Trong khi theo TS Nguyễn Xuân Đà, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm Quốc gia, hiện có khoảng 2.000 loại hóa chất được dùng để bảo quản hoa quả, thực phẩm. Trong đó, phòng thí nghiệm trong nước mới chỉ phát hiện ra 600 loại hóa chất. Lý giải việc này, ông Đà cho rằng, những năm gần đây, các trang thiết bị liên quan đã được trang bị đầy đủ. Tuy nhiên, có những loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm chúng ta chưa xác định được đó là loại gì để có chất thử và phương pháp định danh.
Bà Nguyễn Ánh Nguyệt, Phó chi cục trưởng Chi cục An toàn Thực phẩm Hà Nội cho hay, sử dụng máy để kiểm tra thực phẩm thì người dùng phải có kiến thức mới sử dụng được.
Sản phẩm máy đo thực phẩm an toàn bán trên thị trường.
Với bộ test thực phẩm nhanh của Viện Kỹ thuật Hóa sinh và Tài liệu nghiệp vụ (Bộ Công an), PGS Thịnh cho hay, sản phẩm này có tác dụng khá tốt khi tiến hành test nhanh thực phẩm. “Tôi từng cho các học trò của mình dùng sản phẩm này để kiểm tra nhanh thực phẩm mua ở chợ. Kết quả khá tốt”. Tuy nhiên, theo PGS Thịnh, que thử này chỉ có tính chất định tính, tức là chỉ phát hiện ra sản phẩm có độc tố hay không mà không cho biết được hàm lượng cụ thể là
bao nhiêu.
Ngoài ra, sản phẩm cũng chỉ phù hợp cho các cơ quan chức năng mang đi kiểm tra nhanh thực phẩm chứ người dân khó mà sử dụng được. “Chẳng hạn hộp test nhanh thuốc trừ sâu có giá hơn 700 nghìn đồng, tức là hơn 70 nghìn đồng cho một lần thử. Mua một mớ rau có 5 nghìn đồng mà mất 70 nghìn tiền thử thì ít ai mua?”, PGS Thịnh đặt vấn đề. Cũng giống như máy đo thực phẩm an toàn, que thử chỉ kiểm tra được một độc tố trong khi thực tế một sản phẩm có thể có nhiều độc tố.
Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa, trường Đại học Khoa học Tự nhiên- Đại học Quốc gia Hà Nội, các sản phẩm test nhanh cho phép sai số cao, có thể tới 200% nên rất khó để khẳng định thực phẩm có nguy hiểm hay không khi dùng các sản phẩm này.
Theo bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), hiện nay Cục An toàn thực phẩm chỉ mới cấp phép cho 01 bộ máy kiểm tra hàm lượng Nitrat và một bộ sản phẩm test kiểm tra vi sinh vật, 01 bộ test kiểm tra hàn the trong giò chả, 01 bộ kiểm tra chất histamin trong cá và 01 bộ test nhanh kiểm tra hóa chất. Theo bà Nga, việc sử dụng que test bao giờ cũng có sai số nhất định. Điều này có thể do người dân sử dụng không đúng quy cách. Bà Nga cũng khuyến cáo, nếu sử dụng sản phẩm test nhanh người dân chỉ nên tìm mua những sản phẩm đã được Bộ Y tế cấp đăng ký lưu hành.
“Trên thực tế có nhiều độc tố nguy hiểm hơn nitrat và nitrit rất nhiều nhưng máy này không thể đo được” – PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học – Công nghệ thực phẩm nói về các máy đo an toàn thực phẩm được quảng cáo khá rầm rộ hiện nay.