“May chưa vay, nếu vay chúng tôi chết rồi”

Dự án Bệnh viện Quốc tế Hoa Kỳ - Hà Nội (Cầu Giấy, Hà Nội) đã gần 20 năm chưa thể đưa vào vận hành. Ảnh: Phạm Thanh.
Dự án Bệnh viện Quốc tế Hoa Kỳ - Hà Nội (Cầu Giấy, Hà Nội) đã gần 20 năm chưa thể đưa vào vận hành. Ảnh: Phạm Thanh.
TP - Nếu ai từng một lần đi vòng quanh công viên Nghĩa Ðô (Cầu Giấy, Hà Nội), sẽ không khỏi ngạc nhiên với một tòa nhà sừng sững, thiết kế uốn lượn hình chữ S nhiều năm qua bỏ hoang. 700 tỷ đồng đầu tư của một doanh nhân Việt kiều Mỹ đang nằm phơi mưa nắng xuyên thế kỷ. “May chưa vay, nếu vay chúng tôi chết rồi”, doanh nhân Việt kiều Mỹ than.

Dự án đề cập ở trên là Bệnh viện Quốc tế Hoa Kỳ - Hà Nội (BV Hoa Kỳ), với nhiều chùm ảnh, thước phim về bệnh viện 50 triệu USD bỏ hoang đã đầy rẫy trên các báo, đài những năm qua. Bà Nguyễn Thị Giáng Hương, Phó Tổng Giám đốc BV Hoa Kỳ nặng nề lê từng bước chân bên công trình tâm huyết của 2 vợ chồng suốt 20 năm qua.

“Nhiều người thấy dự án bao năm chưa hoạt động còn nói sắp bị xiết nợ tới nơi. Nếu tiền đầu tư từ nguồn đi vay thì chúng tôi chết rồi, còn may chưa vay ngân hàng”, bà Hương cười cay đắng khi bắt đầu câu chuyện và dẫn chúng tôi xem tòa nhà 11 tầng sừng sững, vắng lặng, xung quanh rêu phong, cỏ mọc um tùm.

Lật lại ký ức 20 năm trước, những năm 1995-1996, Việt kiều Khoát Văn Trần (Tổng Giám Tập đoàn Keystone Development Management SA - Hoa Kỳ) - chồng bà Hương, chủ đầu tư dự án, về thăm quê và tìm kiếm cơ hội đầu tư. Ðây là những năm đầu Việt - Mỹ bình thường hóa quan hệ. Trong những lần hồi hương, ông Nguyễn Quốc Triệu (Giám đốc Sở Y tế Hà Nội thời kỳ đó), động viên doanh nhân Khoát đầu tư bệnh viện. Vì các bệnh viện công đang quá tải, và quan trọng hơn “không gì quý bằng cứu tính mạng con người”. Khi đó, tại Mỹ, ông Khoát đang thành công với kinh doanh bất động sản, và đầu tư từ Mỹ về Việt Nam lúc đó còn không ít rào cản. Biết nhiều khó khăn, nhưng thấy Việt Nam đang thay đổi mạnh mẽ sau 10 năm đổi mới, Việt kiều Khoát Văn Trần sang Thụy Sĩ lập công ty con và từ đây mở công ty ở Việt Nam để đầu tư BV Hoa Kỳ. 

“Ðây là dự án bệnh viện tư nhân đầu tiên tại Việt Nam được cấp phép, khi đó là tháng 1/1997”, nói tới đây bà Hương gật gù tâm đắc, điều hiếm hoi xuất hiện trong buổi trò chuyện về dự án đã “om” của 2 vợ chồng bà ngót nghét 700 tỷ đồng trong 20 năm qua.

Nhưng niềm vui không kéo dài lâu, khi xem lại Giấy chứng nhận đầu tư do Bộ KH&ÐT cấp (thời điểm này các dự án đầu tư nước ngoài chưa phân cấp về địa phương), chủ đầu tư phát hiện thiếu một số thông tin (như các nghĩa vụ thuế). Lật đật sửa được phần thuế lại phát hiện giấy chứng nhận ghi nhầm địa chỉ dự án (phường Dịch Vọng lại ghi phường Nghĩa Tân), nên phải sửa lại lần nữa. Tới tháng 10/1998, dự án bệnh viện tư nhân đầu tiên của Việt Nam mới hoàn thành thủ tục cấp phép.

Gian nan giấy tờ vẫn chưa là gì so với phần tiếp theo của chặng đường mong muốn đóng góp cho quê hương của vị doanh nhân Việt kiều Mỹ. “Khi làm thủ tục với địa phương để giải phóng mặt bằng, địa phương đề nghị nhà đầu tư tự nguyện hỗ trợ một khoản tiền cho ngân sách”, kể tới đây, bà Hương tỏ ra ái ngại, “có lẽ họ nghĩ Việt kiều lắm tiền, dễ chi”. Kinh doanh ở Mỹ chưa gặp trường hợp như vậy, và phần nào tin tưởng vào Hà Nội sẽ đồng hành nên ông Khoát nhất quyết từ chối. Nhưng năm nối tiếp năm, và 8 năm trôi qua, sau nhiều lần kêu cứu UBND TP.Hà Nội, một cuộc họp đặc biệt diễn ra, lãnh đạo thành phố chỉ đạo, địa phương mới bắt tay vào giải phóng mặt bằng. Tháng 7/2007, vợ chồng ông Khoát được giao mặt bằng sạch, sau 4 năm xây dựng (tới 2011), bệnh viện đã xong phần thô, và duy trì hình hài đó tới nay.

“May chưa vay, nếu vay chúng tôi chết rồi” ảnh 1

Vợ chồng doanh nhân Việt kiều Khoát Văn Trần và Nguyễn Thị Giáng Hương. Ảnh: Phạm Thanh.

“Chưa đồng hành cùng doanh nghiệp”

Năm 2005, Hà Nội hạ ngầm đường điện cao thế sát lô đất dự án BV Hoa Kỳ, và có chủ trương giao cho bệnh viện phần đất hành lang an toàn lưới điện cũ làm sân vườn. Nhưng khi đường điện vừa được hạ ngầm, 34 hộ dân quanh đó vào lấn chiếm. “Ðáng lẽ chính quyền phải xử lý, cưỡng chế thu hồi và bàn giao cho chúng tôi. Ðã hơn 20 cuộc họp mọi thứ vẫn vậy. Thậm chí, những hộ dân lấn chiếm còn khiếu kiện chúng tôi”, bà Nguyễn Thị Giáng Hương lắc đầu ngao ngán, rồi chỉ về phần đất phải được giao cho mình nay sừng sững các cửa hàng kinh doanh, nhà ở.

Dù đã rót vào dự án ngót nghét 700 tỷ đồng, nhưng lối vào bệnh viện đi qua phần đất người dân lấn chiếm, bệnh viện không lối vào nên đành đóng cửa để đó. Theo bà Hương, lúc đầu cũng chỉ nghĩ tranh chấp 1-2 năm là xong, nên cố đợi mọi thứ hoàn hảo rồi mới hoạt động, nào ngờ tới nay đã 11 năm. Thậm chí, người dân còn khiếu nại chủ đầu tư không có năng lực, thiếu vốn nên bệnh viện bị bỏ hoang, vì vậy không nên giao thêm đất. Nhưng bà Hương quả quyết, công ty bà chưa vay đồng vốn nào vào dự án này, nên thiếu vốn có thể vay được ngay. “May chưa vay, nếu vay chúng tôi đã chết rồi”, bà Hương cho hay và nói thêm, doanh nghiệp đã đầu tư hàng trăm tỷ, không ai muốn kéo dài thời gian để thua lỗ.

“Thử hỏi, doanh nghiệp nào đã bỏ tiền ra ai không muốn hợp tác với chính quyền để được việc mình? Chúng tôi cũng kêu nhiều nhưng không được, giờ chẳng còn biết kêu ai nữa”. 

Bà Nguyễn Thị Giáng Hương, Phó TGÐ Bệnh viện Quốc tế Hoa Kỳ - Hà Nội

Theo vị doanh nhân này, lý do chính khiến doanh nghiệp gặp khó do chính quyền chưa thực sự đồng hành cùng doanh nghiệp. Thậm chí, chính quyền còn nói doanh nghiệp không hợp tác. “Thử hỏi, doanh nghiệp nào đã bỏ tiền ra ai không muốn hợp tác với chính quyền để được việc mình? Chúng tôi cũng kêu nhiều nhưng không được, giờ chẳng còn biết kêu ai nữa”, bà Hương bức xúc. Thấy dự án bỏ hoang nhiều năm lãng phí, nhiều bạn bè kinh doanh khuyên nên chuyển dự án sang khách sạn, văn phòng cho thuê vì vị trí tòa nhà rất đẹp. Nhưng đã theo được 20 năm, chẳng nhẽ lại thôi.

Thậm chí, Luật Ðất đai 2013, với chủ trương giao đất nào mà chưa công bố phương án giải phóng mặt bằng phải xin lại chủ trương. Nên doanh nghiệp này phải đi xin lại, vì quận đã có 2 quyết định phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng nhưng “quên” công bố với dân. “Tất cả những chuyện này doanh nghiệp đâu có lỗi. Biết không đúng vẫn phải theo, khổ thế”, đại diện chủ đầu tư thở dài, vẫn cái thở dài quen thuộc lặp lại nhiều lần suốt buổi trò chuyện.

Nói về thiệt hại, vị doanh nhân này cho hay, không thể tính được, nếu bệnh viện hoạt động đã tạo ra nguồn thu nhiều tỷ đồng mỗi năm, chưa kể nhà nước được thuế, nhiều lao động có việc làm, nhiều bệnh nhân được cứu. Nhưng chỉ vài nhà dân bất tuân pháp luật mà bệnh viện vẫn chưa thể đi vào hoạt động. Nói về dự định tương lai, bà Hương lại thở dài, vì chưa biết thế nào, nếu có đất sạch chỉ 18 tháng dự án sẽ đi vào hoạt động. “Còn vất vả lắm”, bà Hương ngao ngán lắc đầu...  

MỚI - NÓNG