Cổ phần hóa bệnh viện công: Ai mặn mà?

Cổ phần hóa bệnh viện công: Ai mặn mà?
TP - Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, bà Nguyễn Thị Thùy, Trưởng ban VHXH, HĐND thành phố Hà Nội, cho rằng, việc đổi mới hoạt động của các bệnh viện (BV) công lập là cần thiết và cổ phần hóa là một giải pháp tốt. 

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, bà Nguyễn Thị Thùy, Trưởng ban VHXH, HĐND thành phố Hà Nội, cho rằng, việc đổi mới hoạt động của các bệnh viện (BV) công lập là cần thiết và cổ phần hóa là một giải pháp tốt. 

Đây là dấu hiệu tốt, mở ra cho sự phát triển của bệnh viện. Tính tự chủ của BV sẽ rất cao để quyết định các vấn đề của tổ chức. Hiệu quả hoạt động của bệnh viện phụ thuộc vào chất lượng dịch vụ.

Chất lượng dịch vụ do đội ngũ cán bộ, bác sỹ, thái độ phục vụ và cơ sở vật chất quyết định. Sắp tới sẽ có hơn 1.800 dịch vụ y tế được thực hiện theo giá mới theo hướng tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí. Đây cũng là điều kiện để bệnh viện phát triển tốt hơn.

Tuy nhiên, bà Thùy cũng cho biết, đối với các BV thuộc tỉnh, thành phố thì phải có lộ trình để thực hiện xã hội hóa và cổ phần hóa. Lý do, các bệnh viện của thành phố hoàn toàn do ngân sách đầu tư và còn phải thực hiện nhiều nhiệm vụ chính trị khác như an sinh xã hội, phòng chống dịch, y tế cộng đồng, thực hiện các chính sách xã hội.

Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết, trong năm 2016, Sở Y tế Hà Nội sẽ đề nghị thành phố cho phép làm thí điểm mô hình cho doanh nghiệp đầu tư vào BV. Vừa qua, Hà Nội đã mở rộng cho các BV công lập vay vốn và tự chịu trách nhiệm về các khoản vay. 

“Việc cho phép doanh nghiệp đầu tư vào bệnh viện sẽ được chúng tôi tính toán cụ thể. Hiện nay, ngân sách đầu tư cho bệnh viện công lập đang rất hạn chế, dẫn đến nếu có thêm nhà đầu tư từ bên ngoài sẽ khắc phục được khó khăn này”, ông Hiền nói.

Theo ông Hiền, rõ ràng là nếu cổ phần hóa thì sẽ tăng sức ép cải tiến, nâng cao chất lượng dịch vụ, năng lực quản trị của ban lãnh đạo BV. Sự giám sát của các cổ đông với hoạt động của BV sẽ thúc đẩy sự minh bạch,  nâng cao chất lượng dịch vụ. 

Mặc dù lợi ích được nhiều chuyên gia đánh giá cao nhưng trao đổi với phóng viên Tiền Phong chiều 22/10, lãnh đạo nhiều BV công lập tỏ ra không mấy mặn mà. Có vị còn khẳng định: “Không có nhu cầu cổ phần hóa”. Một số lãnh đạo các bệnh viện khác thì từ chối bình luận về việc CPH Bệnh viện GTVT.

MỚI - NÓNG