Máy bay Đài Loan rơi do phi công tắt nhầm động cơ?

Lực lượng cứu hộ tiếp cận xác chiếc máy bay xấu số (Ảnh: Sina)
Lực lượng cứu hộ tiếp cận xác chiếc máy bay xấu số (Ảnh: Sina)
Vụ rơi máy bay ATR 72 của hãng hàng không TransAsia tại Đài Loan hồi tháng 2/2015 khiến 43 người thiệt mạng rất có thể do sai lầm của phi công khi xử lý sự cố động cơ.

Ngày 4/2/2015, máy bay ATR 72-600 mang số hiệu 235 của hãng hàng không TransAsia đã gặp tai nạn nghiêm trọng. Chỉ ít lâu sau khi cất cánh từ sân bay Quốc tế Đài Bắc, chiếc máy bay đã gặp sự cố và lao xuống sông Cơ Long, khiến 43 người thiệt mạng.

Quá trình điều tra nguyên nhân vụ tai nạn từ dữ liệu hộp đen đã được tiến hành từ thời điểm đó cho đến nay. Bản báo cáo chính thức về nguyên nhân gây ra thảm họa hàng không trên vừa được Hội đồng An ninh hàng không Đài Loan công bố vào hôm nay, 2/7.

Theo bản báo cáo, nguyên nhân trực tiếp khiến chiếc máy bay rơi xuống sông là do phi công đã xử lý sai trong tình huống máy bay gặp sự cố.

Cụ thể, khoảng 3 phút sau khi rời sân bay, một trong hai chiếc động cơ máy bay đã ngừng hoạt động. Tuy nhiên, phi công đã tắt nhầm chiếc động cơ còn hoạt động bình thường, dẫn đến tai nạn trên.

Bản báo cáo cũng cho biết, trước khi vụ tai nạn xảy ra, cơ trưởng Liao Jian-zong đã không hoàn thành một bài tập giả định bay hồi tháng 5/2014. Trong bài tập đó, tình huống khiến ông này bối rối chính là sự cố hỏng động cơ khi cất cánh.

"Trời ơi, kéo nhầm cần ga rồi", giọng của cơ trưởng Liao Jian-zong có thể được nghe rõ ràng trong đoạn ghi âm vài giây trước khi máy bay rơi.

“Phi công đã mắc sai lầm. Nhưng điều đáng nói ở đây là phi hành đoàn có đến 3 phi công mà lại để xảy ra sai lầm như vậy”, một nguồn tin giấu tên cho Reuters biết.

Cũng theo báo cáo trên, Liao Jian-zong từng là một phi công phục vụ trong quân đội. Ông này bắt đầu lái máy bay dân dụng vào năm 2009 và gia nhập TransAsia một năm sau đó. Phi công này mới được lên chức cơ trưởng vào tháng 8 năm 2014 và bắt đầu tham gia đội bay ATR 72-600 vào tháng 11.

Liao có tổng cộng 4914 giờ bay trước khi để xảy ra tai nạn, trong đó có chỉ có 250 giờ bay trên chiếc ATR 72-600.

Báo cáo cũng cho biết Liao đã trượt bài kiểm tra giả định bay vào tháng 5/2014, nhưng sau đó đã vượt qua ở lần kiểm tra thứ 2 vào ngày 29 và 30 tháng 6 năm 2014.

Người hướng dẫn Jiao trong các bài kiểm tra mô phỏng nhận xét rằng phi công này tỏ ra "run, căng thẳng, thiếu tự tin" trong quá trình khởi động động cơ máy bay, đặc biệt là trong các tình huống giả lập sự cố động cơ.

Sau khi tai nạn xảy ra, Cơ quan điều hành hàng không dân dụng Đài Loan đã buộc 55 phi công thuộc biên chế TransAsia phải trải qua các bài kiểu tra phản ứng nhanh trong các tình huống động cơ gặp sự cố.

Cơ quan này cũng yêu cầu tất cả các hàng không tại Đài Loan tăng cường kiểm tra các phương tiện ứng cứu trong trường hợp xảy ra tai nạn máy bay.

Về phía TransAsia, hãng hàng không này đã kí thỏa thuận kéo dài 1 năm hợp tác với hãng Airbus để nâng cao an toàn bay. Đồng thời hãng cũng đặt mua một hệ thống mô phỏng bay mới từ ATR, sẽ được giao hàng trong năm sau.

Theo Theo Vntinnhanh
MỚI - NÓNG
Kiểu tạo dáng 'phát ra tiếng cười' ở đài phun nước có 1-0-2
Kiểu tạo dáng 'phát ra tiếng cười' ở đài phun nước có 1-0-2
TPO - Đài phun nước cá ngựa mới được khai trương tại tỉnh Kampot đã trở thành một điểm du lịch độc đáo, thu hút lượng lớn khách du lịch không kém gì đài phun nước Merlion của Singapore. Du khách đến đây đã tạo ra ngàn lẻ kiểu dáng độc lạ check-in cùng tượng cá ngựa và những bức ảnh đang trở thành trào lưu trên cộng đồng mạng.