Mặt trăng và cuộc chiến chia phần trên 'lụa địa thứ 7'

Trong cuộc đua chinh phục không gian, Mặt trăng ở gần Trái đất nhất và dễ trở thành "chiến địa" để các bên tranh giành nguồn tài nguyên phong phú.

Hiệp ước Không gian năm 1967 được Mỹ và Liên Xô (cũ) phê chuẩn quy định không quốc gia nào có thể tuyên bố chủ quyền đối với bất kỳ nơi nào ngoài Trái đất. Do tính chất lỏng lẻo của Hiệp ước 1967, vào năm 1979, một số nước đề xuất Hiệp ước Mặt trăng (có hiệu lực từ năm 1984).

Theo đó, Mặt trăng là tài sản chung của nhân loại và phục vụ cho lợi ích của mọi quốc gia. Tuy nhiên, tính đến nay, chỉ có 16 nước phê chuẩn hiệp ước này. Giới phân tích nhận định, nhiều quốc gia đang đạt được các khả năng tương tự như Mỹ trong cuộc chinh phục Mặt trăng. Việc Tổng thống Mỹ Barack Obama bỏ dự án "Costellation" trị giá 100 tỉ USD nhằm đưa các phi hành gia lên lại Mặt trăng vào cuối thập niên này có vẻ như chắp thêm cánh cho các đối thủ châu Á, đặc biệt là Trung Quốc.

"Miếng bánh" hấp dẫn

Mặt trăng là vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái đất, và là thiên thể duy nhất ngoài Trái đất mà con người đã đặt chân tới. Trong cuộc đua chinh phục không gian, Mặt trăng ở gần Trái đất nhất và dễ trở thành mục tiêu tranh giành.

Năm 1959 là năm mang tính lịch sử đối với công cuộc khám phá Mặt trăng, mở đầu bằng chuyến bay của vệ tinh nhân tạo Luna 1 của Liên Xô (cũ) đến quỹ đạo của Mặt trăng. Tiếp đó, Luna 2 rơi xuống bề mặt của Mặt trăng và Luna 3 lần đầu tiên cung cấp ảnh mặt sau của Mặt trăng. Năm 1966, Luna 9 trở thành tàu vũ trụ đầu tiên hạ cánh thành công và Luna 10 là tàu vũ trụ không người lái đầu tiên bay quanh Mặt trăng.

Còn "Chương trình Apollo" của Mỹ đã thực hiện được những cuộc đổ bộ của con người xuống Mặt trăng, tổng cộng gồm 6 lần hạ cánh trong giai đoạn từ 1969 tới 1972. Năm 1969, Neil Armstrong và Buzz Aldrin là những người đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng trong chuyến bay Apollo 11. 

Trong suốt 14 năm thực hiện "Chương trình Apollo", tổng cộng 24 phi hành gia của Mỹ được đưa lên quỹ đạo Mặt trăng và 12 người trong số đó đã đặt chân lên thiên thể này. Cho đến nay, chưa có nước nào khác đưa người lên khám phá Mặt trăng mà thay vào đó là các cỗ máy robot tự vận hành để tiết kiệm chi phí.

Mặt trăng và cuộc chiến chia phần trên 'lụa địa thứ 7' ảnh 1

Với tốc độ phát triển hiện nay, Trung Quốc có thể sẽ đưa người lên Mặt trăng vào năm 2020, mở ra một kỷ nguyên mới trong thăm dò và khai thác Mặt trăng.

Mặt trăng trở thành "tâm điểm" bởi sự phong phú của các nguồn tài nguyên. Các nhà khoa học cho biết, các nguồn tài nguyên trên Mặt trăng có thể phục vụ cho đời sống ở Trái đất, như cung cấp năng lượng sạch hơn, hay giúp con người thám hiểm hệ Mặt trời và bên ngoài vũ trụ với nhiên liệu phóng tên lửa cũng như các vật liệu xây dựng cho những chuyến du hành vũ trụ rẻ hơn. 

Mặt trăng ẩn chứa các khoáng sản như nhôm, titan, sắt (dùng để xây dựng các cơ sở trên Mặt trăng), silicon (để làm pin điện quang). Ngoài ra, đất Mặt trăng rất giàu oxy (để sản xuất oxy cho các nhà du hành vũ trụ cũng như sản xuất nhiên liệu tên lửa) và hydro. Đất Mặt trăng cũng dễ nấu chảy để đúc khuôn và làm vật liệu xây dựng.

Một số nhà khoa học ước tính có hơn 100 triệu tấn helium-3 trên Mặt trăng. Nếu khai thác được nguồn tài nguyên quý hiếm này, loài người sẽ có đủ năng lượng để sử dụng hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm. 

Nhiều ý kiến tin tưởng vào viễn cảnh chuyển 1 tấn helium-3 từ Mặt trăng về Trái đất để sản xuất điện với giá có thể cạnh tranh với giá dầu 30 USD/thùng. Tuy vậy, có thể phải mất vài thập kỷ nữa loài người mới có được công nghệ sản xuất nhiên liệu này một cách có hiệu quả kinh tế.

Các nhà phát triển công nghệ và nghiên cứu vũ trụ cho rằng, nếu các hướng đầu tư được mở ra, "cung trăng của thế kỷ 21" sắp được tô điểm thêm bởi các nhà máy tự động, các thành phố ngầm, các tháp phát điện, các ga du lịch, các trạm nghiên cứu khoa học và thậm chí cả các nghĩa địa. 

Trên thực tế, khai phá Mặt trăng với mục đích thương mại sẽ là bước tiến đầu tiên nhằm biến nơi này trở thành một phần thế giới của loài người.

Tính đến năm 2015, thế giới đã có 59 trong tổng số 122 chuyến bay nghiên cứu Mặt trăng thành công và dự kiến sẽ còn nhiều chuyến bay nữa trong bối cảnh thế giới ngày càng quan tâm đến "xứ sở láng giềng" cách Trái đất chừng 385.000 km. 

Đối với nhiều quốc gia, chú trọng nghiên cứu Mặt trăng không chỉ vì nguồn tài nguyên vô tận đầy giá trị mà còn vì mục đích quân sự và thể hiện chủ nghĩa dân tộc trong lĩnh vực khoa học.

Giành giật "Chị Hằng"

Thế giới hiện nay đang chứng kiến những cuộc tranh đua sôi động giành "lục địa thứ bảy" giữa các cường quốc, mở màn là kế hoạch xây dựng trạm radar có người đồn trú trên Mặt trăng của Trung Quốc. Bắc Kinh đã âm thầm khởi động kế hoạch từ đầu năm nay và đã nhận khoản kinh phí ban đầu 20 triệu USD từ Quỹ Khoa học tự nhiên quốc gia Trung Quốc. 

Thật ra, Bắc Kinh cũng đã bộc lộ tham vọng đối với Mặt trăng từ lâu bởi lẽ càng nhanh chân thì càng có lợi. Khi cộng đồng quốc tế thảo luận chia sẻ quyền lợi trên Mặt trăng thì Bắc Kinh sẽ có quyền phát ngôn lớn hơn và "sẽ bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của mình". 

Bên cạnh đó, chính quyền Trung Quốc cũng thông báo dự án đến năm 2020 sẽ hoàn thành một tên lửa đẩy khổng lồ, nhằm dọn đường cho những hoạt động quy mô lớn trong không gian bao gồm việc đưa người đổ bộ lên Mặt trăng.

Với tốc độ phát triển hiện nay, Trung Quốc có thể sẽ đưa người lên Mặt trăng vào năm 2020, mở ra một kỷ nguyên mới trong thăm dò và khai thác Mặt trăng. Chương trình đưa người vào vũ trụ của Trung Quốc liên tục phát triển với nguồn ngân sách 2 tỷ USD/năm. 

Năm 2004, Bắc Kinh đã công bố chương trình thám hiểm với kế hoạch đưa tàu không gian không người lái để phóng vệ tinh vào quỹ đạo Mặt trăng, sau đó đáp xuống bề mặt và cuối cùng là thu thập 2 kg mẫu đất đá mang về nghiên cứu. 

Giai đoạn thám hiểm tiếp theo sẽ "rà soát" toàn bộ bề mặt Mặt trăng từ độ cao 100 km để tìm kiếm một bãi đỗ phù hợp cho các tàu không gian sắp tới. Sau đó, Trung Quốc tiếp tục phát triển các dự án lắp đặt 3 trạm không gian từ năm 2011 đến 2015, và đưa một đoàn thám hiểm lên Mặt trăng, sớm nhất có thể vào năm 2020.

Có vẻ như "sốt ruột" trước Trung Quốc nên Mỹ và Nga đều có chuyển động mới. Moscow đánh dấu trở lại cuộc đua bằng một kế hoạch hoành tráng khi Cơ quan Không gian Nga (Roscosmos) công bố kế hoạch đồn trú lâu dài 12 phi hành gia trên Mặt trăng. 

Cơ sở này sẽ được sử dụng vào việc nghiên cứu và khai thác các khoáng sản quý nhưng không loại trừ khả năng phục vụ mục đích quân sự. Bên cạnh đó, Roscosmos đặt mục tiêu có thể tiến hành một cuộc thám hiểm mới vào năm 2024 trước khi đưa người lên Mặt trăng vào năm 2030.

Mặt trăng và cuộc chiến chia phần trên 'lụa địa thứ 7' ảnh 2

Mặt trăng trở thành "tâm điểm" bởi sự phong phú của các nguồn tài nguyên.

Quả thực, Nga hiện tại đang rất tập trung cho chương trình nghiên cứu Mặt trăng với mục tiêu khôi phục vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực nghiên cứu không gian. Nước này cũng đang xem xét phóng một thiết bị bay trên quỹ đạo và hai thiết bị khác hạ cánh xuống Mặt trăng để lấy một số mẫu đất ở hai cực. 

Trước đó, Công ty Tên lửa vũ trụ Energy đã quyết định chế tạo loại tên lửa có khả năng bay quanh Mặt trăng và dự kiến hoàn tất vào năm 2030. Ngoài ra, bãi đáp của một thiết bị khác mang tên Luna-Resurs - được phóng năm 2019 - có thể trở thành nơi triển khai căn cứ lâu dài của Nga trên Mặt trăng trong tương lai.

Không chỉ Nga khẩn trương, Mỹ - nước đi đầu trong lĩnh vực thám hiểm Mặt trăng - cũng đang "đứng ngồi không yên". Nhóm phân tích thăm dò Mặt trăng (LEAG) kêu gọi sử dụng vệ tinh của Trái đất làm bàn đạp cho tham vọng du hành lâu dài trong không gian dưới khẩu hiệu chung "Điểm đến Mặt trăng". 

Năm 2014, Cơ quan Hàng không không gian Mỹ (NASA) kêu gọi các đối tác tư nhân tham gia hợp tác phát triển các sứ mệnh trở lại Mặt trăng với chi phí thấp. Đầu tháng 12/2016, Công ty Moon Express đã được Chính phủ Mỹ phê duyệt kế hoạch phóng tàu vũ trụ lên Mặt trăng vào năm 2017. Nếu dự án diễn ra suôn sẻ thì đây sẽ là bước đánh dấu sự trở lại Mặt trăng của Mỹ sau nhiều năm "im hơi lặng tiếng".

Một số quan điểm cho rằng, ý đồ của Mỹ khi tái phát động cuộc chạy đua lên Mặt trăng là nhằm chiếm thế độc tôn khai thác helium-3. Mỹ muốn nắm giữ quyền kiểm soát thị trường năng lượng trong vòng 20 năm tới và bắt các nước khác "quỳ dưới chân mình" một khi dầu mỏ đã cạn kiệt. 

Sở dĩ Mỹ chưa nói thẳng ý đồ là vì các nhà khoa học chưa giải mã được ẩn số phản ứng tổng hợp hạt nhân trên quy mô lớn với helium-3, và các lò phản ứng này khó lòng khai thác thương mại được trước 2050. 

Mới đây, NASA tuyên bố sẽ thiết lập một trạm căn cứ quốc tế ở Mặt trăng và cử một nhóm người thường trú từ năm 2024. NASA đã vận động Anh và Cơ quan Không gian của Liên minh châu Âu (ESA) hỗ trợ chương trình, nhưng lơ là mọi đề nghị hợp tác từ Nga. Có vẻ như điều này đã châm ngòi cho một cuộc chiến khi Roscosmos tố cáo kình địch NASA "chơi xấu".

Theo Nga, Mỹ muốn độc quyền chiếm và khai thác khí helium-3 quý hiếm trên Mặt trăng. Cáo buộc này gần như ngay lập tức khiến truyền thông sôi sục, với hàng loạt các dòng tít báo nóng bỏng như "Mỹ - Nga bắt đầu chiến tranh lạnh về Mặt trăng", hay "Với Nga, kế hoạch NASA lên Mặt trăng là một âm mưu"...

Theo Theo An Ninh Thế Giới Cuối Tháng
MỚI - NÓNG