Lần đầu tiên, hai di sản văn hóa Việt Nam được UNESCO công nhận - quan họ và hầu đồng - được các nghệ nhân xứ Kinh Bắc vượt qua hàng chục ngàn cây số mang tới phục vụ bà con, lần đầu được giới thiệu với thế giới trong khuôn khổ Lễ hội Đại sứ quán (Embassy Festival) tại Hà Lan.
Gặp gỡ các nghệ nhân trước khi họ lên đường sang xứ sở hoa tulip, thấy ai cũng bận rộn với biết bao công việc chuẩn bị. Chỉ với một đoàn nhỏ gọn gồm 13 người, anh chị em trong đoàn phải kiêm nhiệm nhiều vai để có thể thực hiện một chương trình nghệ thuật kéo dài 60 phút, nét tinh túy của hai di sản.
Vì biểu diễn ở nước ngoài nên mọi đạo cụ được tối giản. Trưởng đoàn Trần Nguyễn Thị Trung cho biết: “Nghi lễ hầu đồng khá nhiều đạo cụ và phụ kiện đi kèm, nhưng khi đem ra nước ngoài, chúng tôi đành chọn những thứ tiêu biểu nhất, vàng mã, hương hoa bỏ lại hết”.
Do kinh phí có hạn, phần lớn do các thành viên trong đoàn tự trang trải, nên tiết mục quan họ “Mời nước, mời trầu” chỉ có hai liền chị chủ đạo là Trần Nguyễn Thị Trung (Phó Chủ nhiệm CLB Quan họ Lim) và Nguyễn Thị Hồng Thái (Chủ nhiệm CLB Quan họ Lim), các thanh đồng, cung văn vào vai liền anh, liền chị quần chúng. Chị Bùi Minh Hòa, phóng viên báo Thế giới và Việt Nam, kiêm vai trò từ hậu cần, tài chính, ăn ở, đi lại đến kịch bản, dẫn chương trình. Các thanh đồng trong nước vốn có nhiều con nhang, đệ tử đi theo phục vụ, giờ phải tự lo từ trang điểm đến phục trang.
Dù vậy, một số giá hầu đồng tiêu biểu như giá Đức ông Trần Triều, ông Hoàng Mười, cô bé Thượng ngàn, cô Chín, chầu lục, chầu bát... sẽ được các thanh đồng Trần Nguyễn Thị Trung, Trần Thị Thanh Hải, Nguyễn Văn Được lần lượt thể hiện trong chương trình chào mừng Quốc khánh 2/9 cho cộng đồng người Việt tại Hà Lan. Chương trình tham dự Embassy Festival chỉ giới hạn trong 15 phút nên đoàn chỉ chọn bài dân ca quan họ “Ngồi tựa song đào” và giá chầu cô Chín.
Người đàn bà hai di sản
Điều đặc biệt của chương trình nghệ thuật “Quan họ, hầu đồng: Hai di sản thế giới” lần này chính là sự tham gia của các nghệ sỹ dân gian, thay vì các nghệ sỹ biểu diễn chuyên nghiệp. Trưởng đoàn là nghệ sỹ dân gian Trần Nguyễn Thị Trung, một thanh đồng có tiếng với 37 năm tuổi đồng. Chị Trung được mệnh danh là “người đàn bà hai di sản” vì sinh ra trong một gia đình có nếp thờ Thánh, thờ Mẫu ở xứ Kinh Bắc, vừa giỏi hầu đồng, vừa rành quan họ. Chị là đời thứ 5 của dòng họ duy trì truyền thống này. Ngay từ khi mới 10 tuổi, chị đã được theo chân cố nội lên chùa lễ bái và học hầu thánh. “Cố nội chính là người dạy tôi viết chữ nho, dạy rằng văn hóa của người Việt là thờ cúng ông bà, tổ tiên, nguồn gốc của mình. Cụ tôi còn bảo, con theo đạo Mẫu thì sau này con sẽ là người mẹ mà nhà chồng phải nhớ, thiên hạ phải nhớ. Tôi lại làm dâu một gia đình có truyền thống thờ Mẫu. Văn hóa thờ Mẫu cứ như thế được bồi đắp cho tôi từng ngày”, chị Trung nói.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất của nghệ nhân dân gian này là dịp đi cùng đoàn của Giáo sư Ngô Đức Thịnh (Trung tâm Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam) mang di sản thờ Mẫu sang trình diễn nhân dịp sinh nhật công chúa Thái Lan. Tại đây, chị đã hầu đồng với ba giá: quan Đức Trần Triều, giá Bà Chúa Đệ Nhị và giá Cô đôi cam đường. Chị kể: “Trong cuộc đời hơn 30 năm hầu đồng, tôi chưa bao giờ xúc động như khi biểu diễn ở Thái Lan. Lúc tôi hầu giá Trần Triều, đại biểu cả 10 nước cúi đầu kính cẩn như thánh hiện thân vậy. Tiết mục của Việt Nam được Bộ Văn hóa Thái Lan đánh giá cao và vinh dự nhất là tôi được phía Thái Lan trao bằng khen Nghệ nhân dân gian thế giới”.
Chị Nguyễn Thị Hồng Thái, cho biết, đây là lần đầu tiên chị được dịp mang tiếng hát quan họ gốc của làng mình ra thế giới. Vốn sinh ra trên quê hương quan họ, cái nôi của 49 làng quan họ cổ, chị Thái cũng như 9 anh chị trong gia đình đều lớn lên bằng tiếng ru, tiếng hát quan họ, nhưng chỉ có một mình chị tiếp tục theo đuổi, gìn giữ tiếng hát của làng quê.
Trước năm 1986, khi quan họ chưa được thế giới biết đến nhiều, chị đã được mời biểu diễn cho các đoàn khách nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu về quan họ ở địa phương. Kể từ khi quan họ được UNESCO chính thức công nhận là di sản phi vật thể của thế giới năm 2009, chị cùng chị Trung tự bỏ tiền mở lớp dạy hát quan họ cho các cháu từ 6 đến 20 tuổi.
Trong chương trình biểu diễn ở Hà Lan lần này, ngoài lời ca tiếng hát của mình, chị Thái còn mang trầu têm cánh phượng giới thiệu cho bạn bè quốc tế biết đến một nét độc đáo của quan họ. Têm trầu cánh phượng là cả một nghệ thuật, không phải ai cũng têm được. Các liền chị ra hát hội thường mang trầu ra mời các liền anh, nếu người ta ăn trầu của mình có nghĩa là người ta nhận lời mời hát với mình. Liền anh nào từ chối có nghĩa là chưa sẵn lòng.
Trước câu hỏi, liệu ở tuổi này chị có đủ tự tin để hát như các liền chị quan họ, chị Thái bộc bạch: “Tôi sẽ cố gắng hết mình để thể hiện được cái hồn của quan họ. Chứ thực ra, người quan họ chúng tôi rất mộc mạc, không lúng liếng như các anh chị biểu diễn đâu”.
Hiện nay, hai người con gái của chị Thái đều theo nghiệp của mẹ, cùng mẹ duy trì lớp học quan họ ngay trên quê hương quan họ.
Trước câu hỏi, liệu ở tuổi này chị có đủ tự tin để hát như các liền chị quan họ, chị Thái bộc bạch: “Tôi sẽ cố gắng hết mình để thể hiện được cái hồn của quan họ. Chứ thực ra, người quan họ chúng tôi rất mộc mạc, không lúng liếng như các anh chị biểu diễn đâu”.