Mặn lấn sâu vào nội đồng

Vợ chồng chị Trần Thị Thúy và anh Võ Ngọc Hoàng trên ruộng dưa gang thiếu nước Ảnh: Đức Thịnh
Vợ chồng chị Trần Thị Thúy và anh Võ Ngọc Hoàng trên ruộng dưa gang thiếu nước Ảnh: Đức Thịnh
TP - Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Bến Tre cho biết, nước mặn 3 g/lít đã lấn sâu vào nhiều hệ thống sông chính của tỉnh, cách cửa sông gần 50 km.
Vợ chồng chị Trần Thị Thúy và anh Võ Ngọc Hoàng trên ruộng dưa gang thiếu nước Ảnh: Đức Thịnh
Vợ chồng chị Trần Thị Thúy và anh Võ Ngọc Hoàng trên ruộng dưa gang thiếu nước. Ảnh: Đức Thịnh.

Ngồi giữa khoảnh đất 3.000 m2, dưa gang vừa ra nụ, dưới nắng trưa, vợ chồng chị Trần Thị Thuý và anh Võ Ngọc Hoàng, ở xã Tam Hiệp (Bình Đại, Bến Tre) nói, năm nay trồng dưa trễ hơn năm ngoái nửa tháng lại bị nước mặn đến sớm nên thiếu nước tưới và dưa èo uột.

Do nước mặn đến sớm nên nhiều diện tích lúa, hoa màu và vườn cây ăn trái nằm ven sông, rạch của tỉnh Bến Tre bị thiếu nước. Đặc biệt khi gió chướng kết hợp triều cường, nước mặn len lỏi vào tận kênh mương nội đồng.

Tại các huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành, Chợ Lách, diện tích khá lớn vườn cây, ao cá, hoa kiểng, cây giống đang bị nước mặn đe dọa. Chỉ ở 2 huyện Mỏ Cày Bắc và Chợ Lách, nếu không ngăn mặn từ sông Hàm Luông 5.000 ha vườn cây ăn trái, hoa cảnh, cây giống của dân sẽ bị ảnh hưởng, thiệt hại sẽ không dưới 50 tỷ đồng.

Đa số mạch nước ngầm ở Bến Tre cũng đã bị nhiễm phèn, nhiễm mặn nên vào mùa khô, người dân phải sử dụng nước sinh hoạt từ các trạm cấp nước tập trung. Các trạm này lấy nguồn nước mặt để xử lý và khi nước mặt bị nhiễm mặn thì vấn đề cung cấp nước ngọt hết sức nan giải.

Toàn tỉnh có 54 trạm cấp nước sinh hoạt nông thôn. Năm ngoái do hạn mặn kéo dài nên nhiều trạm đã phải cấp nước lợ cho dân. Năm nay, đang có nguy cơ căng thẳng hơn. Tại TP Bến Tre, nước mặn bao vây, UBND tỉnh Bến Tre có chủ trương kéo nước thô từ huyện Châu Thành về phục vụ.

UBND tỉnh Bến Tre cũng chỉ đạo Sở NN&PTNT và UBND các huyện làm thủy lợi nội đồng, củng cố hệ thống cống đập ngăn mặn, trữ ngọt. Đối với 2 huyện Chợ Lách và Mỏ Cày Bắc, tỉnh chi khẩn cấp 950 triệu đồng để xây dựng 12 cống ngăn mặn.

Trung tâm nước sinh hoạt vệ sinh môi trường nông thôn tăng cường quản lý, tiết kiệm nguồn nước ngọt để đảm bảo đủ lượng cho dân sinh hoạt.

Tình hình rất khẩn trương nhưng cũng rất khó khăn. Ông Bùi Minh Quang, Phó chủ tịch UBND xã Châu Hưng (Bình Đại, Bến Tre) cho biết, khi nước ngọt dẫn vào thì cần đóng nước mặn nhưng … chưa có cống nên không thể ngăn mặn.

Còn theo Phó chủ tịch UBND xã Giao Thạnh (Thạnh Phú, Bến Tre) Tống Hoàng, những hộ thiếu nước sinh hoạt đang phải mua với giá 15.000-20.000/m3, dân đã nghèo càng nghèo thêm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG