Mâm cúng và những lưu ý khi làm lễ hóa vàng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Mâm cúng hóa vàng có thể là cỗ chay hoặc cỗ mặn đều được. Tuy nhiên, nếu làm cỗ mặn thì không thể thiếu đĩa gà trống.

Theo phong tục truyền thống xưa, lễ hóa vàng chính là lễ tạ năm mới và được tiến hành khi kết thúc Tết. Trước đây, lễ hóa vàng thường được thực hiện vào ngày mùng 3 hoặc mùng 7 Tết. Ngày nay, tùy theo điều kiện từng gia đình, lễ hóa vàng có thể tiến hành từ mùng 3 tới mùng 10 tháng Giêng.

Mâm cúng và những lưu ý khi làm lễ hóa vàng ảnh 1

Mâm cúng lễ hóa vàng

Tùy theo điều kiện của từng gia đình mà lễ hóa vàng có thể khác nhau. Tuy nhiên, nếu làm mâm lễ mặn cần đảm bảo có những món ăn như bánh chưng, giò, nem, ninh, mọc, gà luộc, xôi…

Một số gia đình thường chế biến thêm món cá chép nấu bỗng. Bởi theo quan niệm dân gian, cá chép là loài cá vượt vũ môn hóa rồng. Việc cúng cá chép vào đầu năm sẽ mang lại may mắn thịnh vượng cho gia chủ.

Trong lễ hóa vàng không thể thiếu tiền âm phủ, vàng mã, mâm ngũ quả, hoa tươi, hương, bánh kẹo, trầu cau…

Mâm cúng và những lưu ý khi làm lễ hóa vàng ảnh 2

Nhiều gia đình mua mía về thắp hương trong lễ hóa vàng.

Đặc biệt, tập tục người Việt xưa thường để hai cây mía hai bên bàn thờ gia tiên khi thực hiện nghi lễ cúng hóa vàng. Cây mía được xem là gậy chống cho các cụ khi về cõi âm hoặc có thể sử dụng để gánh đồ cúng về trời.

Mâm cúng hóa vàng có thể là cỗ chay hoặc cỗ mặn đều được. Tuy nhiên, nếu làm cỗ mặn thì không thể thiếu đĩa gà trống. Việc chuẩn bị các món ăn đôi khi tuỳ thuộc vào số lượng người, khẩu vị của từng gia đình để tránh lãng phí. Ngoài ra, việc chuẩn bị tiền âm phủ, vàng mã cũng chỉ mang tính tượng trưng, không cần quá nhiều.

Một số lưu ý khi làm lễ hóa vàng

Sau khi bày biện mâm cúng, chủ nhà sẽ tiến hành thắp hương và khấn bài lễ hóa vàng tiễn tổ tiên. Đợi hương cháy hết hoặc qua một tuần hương, gia chủ chắp tay vái ba vái xin phép ông bà mang vàng mã đi hóa. Khi hạ lễ thì phải hạ lễ từ bậc thần rồi mới đến tổ tiên.

Phải hóa ở nơi sạch sẽ, thoáng mát, có đồ hóa riêng chứ không lấy tùy tiện.

Khi hóa thì nên hóa của gia thần trước rồi mới đến phần vàng mã của tổ tiên để không nhầm lẫn, đặc biệt, phần vàng mã dành cho người mới mất trong năm sẽ hóa cuối cùng.

Lúc hóa xong, phần tiền vàng, sớ trạng đã cháy hết, gia chủ vẩy vào thêm chút rượu vì quan niệm xưa cho rằng phải như thế thì khi đến cõi âm các cụ mới nhận và tiêu được số tiền đó.

Một số gia đình còn cẩn thận mang hai cây mía hơ trên phần tiền vàng mới hóa xong để các các cụ gánh tiền, gánh vàng về cõi âm không bị lũ quỷ cướp đi.

Chú ý khi hóa không gẩy tiền vàng liên tục, hạn chế làm rách tiền vì quan niệm “trần sao âm vậy”, nếu làm rách tiền, các cụ không tiêu được.

MỚI - NÓNG