Cảnh sát Thái Lan hồi đầu tháng cũng phát hiện những ngôi mộ tương tự, chôn ít nhất 33 thi thể ở khu vực biên giới. Những hố chôn nông này giúp làm sáng tỏ thêm mạng lưới trại giam người bí mật trong rừng rậm mà những kẻ buôn người dựng lên nhiều năm nay để giữ không biết bao nhiêu con người tuyệt vọng nhằm đòi tiền chuộc từ gia đình họ.
Hầu hết nạn nhân của các mạng lưới buôn người đều là người tị nạn và người di cư bần cùng từ Myanmar và Bangladesh mong muốn đến nước khác như Malaysia để tìm việc làm hoặc có một cuộc sống mới. Khi các chính phủ châu Á đồng loạt truy quét dưới sức ép của cộng đồng quốc tế và báo chí, những kẻ buôn người đã bỏ lại hàng loạt khu trại, thậm chí các thuyền trên biển để tránh bị bắt. Hãng tin Mỹ AP dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Malaysia Zahid Hamidi nói với báo giới hôm qua rằng, cảnh sát đang cố gắng nhận dạng và xác thực những mộ chôn hàng loạt vừa được tìm thấy. Ông Hamidi cho biết, cảnh sát phát hiện 17 khu trại bị những kẻ buôn người bỏ hoang.
Vẫn chưa có thông tin chính thức về số lượng thi thể được phát hiện. Ước tính, mỗi hố chôn chứa 1-4 thi thể, và giới chức nước này vẫn đang kiểm đếm. Bộ trưởng Hamidi nói ông đã bị sốc khi đến tận nơi để quan sát. Quan chức này cho biết có thể còn nhiều khu trại và hố chôn khác sẽ được tìm thấy, vì những mạng lưới buôn người đã hoạt động âm thầm ít nhất 5 năm.
Các tổ chức nhân quyền và hoạt động xã hội nói rằng, khu vực biên giới Thái Lan - Malaysia nhiều năm nay bị sử dụng để buôn người di cư và người tị nạn, trong đó có những người Hồi giáo Rohingya. Nhiều nạn nhân đã trả cho bọn buôn người hàng nghìn đô la Mỹ để được thả, nhưng họ vẫn bị giam nhiều tuần hoặc nhiều tháng để những kẻ buôn người moi thêm tiền từ gia đình họ ở quê nhà. Các tổ chức nhân quyền nói rằng, nhiều người bị đánh đến chết.
Chỉ từ hôm 10/5 đến nay, hơn 3.600 người Bangladesh và Rohingya (Myanmar) đã cập bờ biển Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Hàng ngàn người khác được tin là vẫn đang lênh đênh trên những con tàu ngoài biển bị bọn buôn người bỏ rơi.
Phát biểu trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon hôm 23/5 nói rằng, ông đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo khu vực về cuộc khủng hoảng và thúc giục họ tìm giải pháp cho vấn đề.
Trong khi đó, chính quyền Libya vừa cảnh báo, châu Âu cũng không thể chặn dòng người di cư từ châu Phi vượt qua Địa Trung Hải trừ khi chấm dứt tẩy chay và giúp đỡ lực lượng đang nắm quyền kiểm soát thủ đô Tripoli của Libya. Tình trạng hỗn loạn và nội chiến từ khi các máy bay NATO giúp lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi năm 2011 đã biến đất nước Bắc Phi trở thành điểm nóng của những kẻ buôn người. Mỗi năm có hàng chục ngàn người bị đưa qua Địa Trung Hải, Reuters đưa tin.