Chỉ trong 1 tuần qua đã có gần 3.000 người di cư được cứu hoặc tự bơi vào bờ biển Malaysia, Indonesia và Thái Lan. Các nhà hoạt động xã hội nói rằng, hàng nghìn người khác có thể đã bị trôi dạt trên biển với những chiếc thuyền ọp ẹp, sau khi Thái Lan truy quét những tuyến buôn người tấp nập ở Đông Nam Á.
Những người sống sót trong số gần 900 người được cứu khi một chiếc thuyền bị chìm ở bờ biển phía đông đảo Sumatra của Indonesia kể lại cuộc vật lộn đẫm máu giữa những người Bangladesh và người thiểu số Rohingya (Myanmar) trên thuyền. “Họ giết lẫn nhau, ném nhau xuống biển”, báo Thái Lan Bangkok Post dẫn lời cảnh sát trưởng thành phố Langsa, nơi các thuyền nhân này được cứu, cho biết. Con thuyền này lên đường từ 2 tháng trước, nhưng mới đây bị thủy thủ đoàn bỏ rơi, sau đó lại bị Indonesia và Malaysia xua đuổi.
Malaysia, Thái Lan và Indonesia đang chịu sức ép quốc tế ngày càng tăng về việc cho phép các thuyền này cập bờ, sau khi những chiếc tàu quá tải chở hàng trăm người di cư sắp chết đói và kiệt sức bị xua đuổi. Những người Hồi giáo từ Bangladesh ra đi chủ yếu vì muốn thoát khỏi cảnh đói nghèo. Thủ tướng Malaysia hôm thứ Bảy nói sẽ tìm kiếm sự giúp đỡ từ Myanmar để giải quyết “thảm họa nhân đạo” đang diễn ra, khi mà trong làn sóng người di cư bằng thuyền đến các nước Đông Nam Á có hàng ngàn người Hồi giáo Rohingya không được thừa nhận đang chạy khỏi đất nước Myanmar chủ yếu theo đạo Phật. Tuy nhiên, Văn phòng Tổng thống Myanmar Thein Sein vừa cho biết, Myanmar sẽ không tham dự cuộc gặp thượng đỉnh về cuộc khủng hoảng di cư được tổ chức tại Thái Lan vào cuối tháng này nếu lời mời nhắc đến tên “Rohingya”, kênh truyền hình Al Jazeera của Qatar đưa tin. “Chúng tôi không phớt lờ vấn đề di cư, nhưng các nhà lãnh đạo của chúng tôi sẽ có quyết định tham dự cuộc họp hay không dựa trên chủ đề sẽ được thảo luận”, Al Jazeera dẫn lời ông Zaw Htay, Chủ nhiệm Văn phòng Tổng thống Myanmar. “Chúng tôi sẽ không chấp nhận cáo buộc của một số người rằng Myanmar là nguồn gốc của vấn đề”, ông Htay nói.
Cả hai nhóm người từ Myanmar và Bangladesh dường như đều muốn đến Malaysia, đất nước với phần đông dân số theo đạo Hồi và đã tiếp nhận hơn 45.000 người Rohingya trong vài năm qua, nhưng nay thông báo không thể tiếp nhận thêm. Indonesia và Thái Lan cũng thông báo tương tự. Bị chê trách là đã nhắm mắt làm ngơ cho tình trạng buôn người đòi tiền chuộc, chính quyền Thái Lan hồi đầu tháng 5 thực hiện chiến dịch truy quét sau khi tìm thấy vài chục thi thể bị chôn trong những nơi giam người trong rừng ở khu vực biên giới với Malaysia. Vài chục quan chức Thái Lan đã bị bắt và hơn 50 cảnh sát đang bị điều tra với cáo buộc đồng lõa. Cả ba nước đều cử lực lượng hải quân lên các tàu tuần tra bờ biển để xua đuổi thuyền chở người di cư hoặc thực hiện chính sách “giúp đỡ” - cung cấp thực phẩm, nước uống cho họ rồi chỉ đường cho họ sang nước khác.
Liên Hợp Quốc cuối tuần trước cảnh báo tình trạng “những quan tài nổi” và thúc giục các lãnh đạo khu vực đặt tính mạng con người lên trên hết, đồng thời đề nghị chính phủ các nước liên quan ngừng xua đuổi các thuyền chở người di cư, Xinhua đưa tin. Cuộc khủng hoảng di cư này được cho là một trong những vấn đề khó khăn nhất mà ASEAN phải đối mặt trước khi trở thành cộng đồng vào cuối năm nay.