Mái ấm đa văn hóa của Hoa hậu Diệu Hoa

0:00 / 0:00
0:00
TP - Là hoa hậu thông thạo nhiều thứ tiếng nhất lại lấy chồng ngoại quốc, đã từng đi khắp năm châu bốn bể nhưng Diệu Hoa vẫn luôn gìn giữ phong tục, tập quán của người Việt.

Nguyễn Diệu Hoa đăng quang cuộc thi Hoa hậu toàn quốc báo Tiền Phong lần thứ 2, năm 1990. Khi đó chị đang là sinh viên năm thứ 4, khoa tiếng Nga, Đại học Ngoại ngữ Hà Nội.

30 năm lẻ trôi qua, cựu hoa hậu bây giờ là người phụ nữ thành đạt trong công việc, hạnh phúc trong đời sống riêng. Là hoa hậu thông thạo nhiều thứ tiếng nhất lại lấy chồng ngoại quốc, đã từng đi khắp năm châu bốn bể nhưng Diệu Hoa vẫn luôn gìn giữ phong tục, tập quán của người Việt.

Những chiếc bánh quy gai

Mái ấm đa văn hóa của Hoa hậu Diệu Hoa ảnh 1

Gia đình Hoa hậu Diệu Hoa

Cựu hoa hậu sinh năm 1969 tại Hà Nội. “Diệu Hoa sinh ra và lớn lên khi tình hình đất nước đang rất khó khăn”, chị chia sẻ.

Nhưng khó khăn về điều kiện vật chất không khiến Tết kém vui, thậm chí những cái Tết nghèo lại là những kỷ niệm khó quên của những ai đã đi qua thời bao cấp: “Mỗi dịp Tết đến anh em chúng tôi lại được cùng bố hoặc mẹ đi mua sắm theo tem phiếu ngày Tết. Chúng tôi mua thịt, gạo nếp, nước mắm, mì chính, đường, bột mì… Mỗi loại thực phẩm chỉ được mua với một số lượng ít ỏi nên càng quý giá.

Sau đó, tôi càng vui hơn khi được theo mẹ đem bột mì, đường, ra hàng làm bánh quy gai, loại bánh này chỉ xuất hiện vào dịp tết. Tôi cứ đứng tại chỗ chứng kiến hàng giờ tất cả các công đoạn thủ công làm ra chiếc bánh. Trong ký ức của tôi, đó là những chiếc bánh ngon tuyệt”, Diệu Hoa nhớ lại, được phụ giúp mẹ làm bánh chưng.

“Cuộc sống ngày nay dư dả hơn nhiều nhưng làm sao quên được những giờ phút hạnh phúc thời bao cấp đó”, cựu hoa hậu trải lòng.

Mái ấm đa văn hóa của Hoa hậu Diệu Hoa ảnh 2

Cuộc đời Diệu Hoa bước sang trang mới khi chị đội trên đầu chiếc vương miện lấp lánh, ở tuổi 21. Chị thoáng buồn: “Tết đầu tiên sau khi tôi đăng quang hoa hậu, mẹ tôi lại vắng nhà. Lúc đó, bà đang đảm đương công việc của một chuyên gia y tế tại Algeria. Anh em chúng tôi cùng bố đón tết ở nhà ông bà ngoại. Bánh chưng, mứt tết, dưa hành… đầy đủ cả, ngày tết cũng đông vui nhưng chúng tôi rất nhớ thương mẹ một mình nơi xa”.

Vui đón Tết Nguyên Đán và Lễ hội Ánh sáng

Doanh nhân người Ấn Độ, anh Maneesh không chỉ ấn tượng với nhan sắc Á Đông dịu dàng của Nguyễn Diệu Hoa mà còn thích thú với màn ứng xử của chị trong đêm chung kết Hoa hậu. Chuyện tình của Hoa hậu và doanh nhân kết thúc đẹp như cổ tích.

Gần 30 năm trôi qua, Diệu Hoa vẫn không thể quên lễ thành hôn đáng nhớ ấy: “Tối hôm đó, ở quê chồng, Mumbai, quanh một đống lửa hồng, trước đông đủ họ hàng, bạn bè, với sự chủ trì của một vị thầy tu, vợ chồng tôi nắm tay nhau đi quanh ngọn lửa bảy vòng. Cứ sau mỗi vòng thầy tu lại đọc một lời thề về tình nghĩa vợ chồng, về lòng hiếu thảo đối với cha mẹ hai bên…".

Chị cũng không thể nào quên cuộc gặp gỡ với mẹ Teresa tại Hà Nội: “Mẹ Teresa là vị nữ tu Ấn Độ (gốc Albania) nổi tiếng với những hoạt động nhân đạo cứu giúp những người nghèo khổ, được trao giải Nobel Hòa Bình năm 1979 và được Vatican phong thánh năm 2016. Đầu tháng tư năm 1994, vài tháng sau lễ thành hôn, nhân dịp bà đến Hà Nội, chúng tôi đã được đến gặp bà và được bà đặt tay lên đầu chúc phúc cho hai vợ chồng”.

Sự khác biệt về văn hoá là rào cản với nhiều cặp đôi. Nhưng với Nguyễn Diệu Hoa và Maneesh thì trái lại. Họ cảm thấy thú vị vì được trải nghiệm những miền văn hoá khác nhau. Hoa hậu bật mí chút ít về chồng: “Bố mẹ Maneesh đều là bác sĩ, bản thân anh tốt nghiệp thạc sĩ khi còn rất trẻ”.

Theo Diệu Hoa, nền tảng sẵn có ấy giúp chồng chị tiếp thu, hoà mình vào phong tục, tập quán của nước khác trên tinh thần tích cực. Diệu Hoa cũng sinh ra và lớn lên trong gia đình trí thức nổi tiếng. Cha chị từng trải qua nhiều vị trí công tác, như Vụ trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Tham tán Đại sứ Việt Nam tại Pháp. Mẹ chị là cháu ngoại của học giả Phạm Quỳnh, con gái của GS. BS Đặng Vũ Hỷ, Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên.

Cũng như chồng, Diệu Hoa tiếp nhận khác biệt văn hoá bằng sự cởi mở: “Từ khi về một nhà, chúng tôi vui đón cả Tết Nguyên Đán của Việt Nam và Lễ hội Diwali (Lễ hội Ánh sáng) của Ấn Độ - diễn ra theo lịch Hindu vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11. Chỉ qua hai lễ lớn này cũng có thể thấy hai nền văn hoá Việt Nam và Ấn Độ có những điểm khác biệt song cũng lại có nhiều nét tương đồng. Vì vui lễ tết cũng là dịp để đề cao lòng hiếu thảo, kính trọng đối với cha mẹ, người cao tuổi, cổ vũ cuộc đấu tranh của cái thiện chống cái ác, cũng là dịp để dọn dẹp trang trí nhà cửa, gia đình sum họp, mọi người vui vẻ hoà đồng…”, chị kể. Dịp lễ hội ánh sáng, Diệu Hoa diện sari cùng các con tham gia.

“Tôi được mẹ chồng dậy nấu các món ăn truyền thống của Ấn Độ”, chị nói. Ngày thường, do bận rộn công việc nên Diệu Hoa ít khi nấu nướng, chị chỉ đề nghị thực đơn hằng ngày cho cả nhà, người giúp việc sẽ chuẩn bị.

Nhưng dịp lễ tết, Diệu Hoa gác công việc sang một bên để trổ tài nội trợ: “Vào dịp lễ tết của hai nước, tôi sẽ vào bếp nấu các món ăn của Việt Nam và Ấn Độ để cả nhà cùng thưởng thức”. Maneesh mê món phở, tôm hấp của Việt Nam. Còn Diệu Hoa lại thích bánh samosa, một loại bánh nổi tiếng của Ấn Độ.

Năm nay, gia đình Diệu Hoa sẽ đón xuân tại TPHCM: “Tháng 12, bố mẹ tôi từ Hà Nội vào. Các con cũng từ nước ngoài về thăm nhà cho đến sau Tết dương lịch. Cả gia đình cùng đoàn tụ vui đón Noel và Tết Tây”. Chỉ nghĩ đến cảnh ra chợ hoa chọn mua hoa và cây cảnh trang trí nhà cửa đón Tết Nguyên Đán, Diệu Hoa đã nghe lòng rộn ràng...

Các con thông thạo cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt

Diệu Hoa hạnh phúc khi nói về các con: “Ba con của chúng tôi đã trưởng thành. Cô cả Nguyễn Diệu My (Sonali Dane), tốt nghiệp Đại học Wharton Business School ở Mỹ năm 2019, hiện nay đang làm việc tại một công ty tư vấn tài chính ở thành phố New York. Cô thứ hai Nguyễn Diệu Ly (Nikita Dane), tốt nghiệp Đại học New York năm 2020, đang làm việc cho Google tại Singapore.

Con út Nguyễn Hoàng Phi (Ishan Dane) đang học năm cuối, bộ môn tin học, Đại học Washington, Mỹ. Tháng 6 sang năm vợ chồng chúng tôi sẽ sang dự lễ tốt nghiệp của con. Như vậy, hai con gái của chúng tôi đã tự lập, chúng tôi chỉ còn lo cho việc học của con trai ít lâu nữa. Chúng tôi rất mừng vì các con không phụ công bố mẹ, luôn nghe theo lời khuyên của cha mẹ, chăm chỉ học tập, đạt thành tích xuất sắc trong các kỳ thi, sinh hoạt giản dị, tiết kiệm, không đua đòi”.

Tuy các con của hoa hậu tiếp thu và thụ hưởng văn minh phương Tây nhưng vẫn gìn giữ, trân trọng thuần phong mỹ tục, điều hay lẽ phải trong truyền thống văn hoá dân tộc của Việt Nam và Ấn Độ: “Các con thông thạo cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, thường xuyên trò chuyện với bố mẹ, thăm hỏi ông bà”, chị chia sẻ.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.